Thiếu nhi - Đối tượng cần được chăm sóc 'đặc biêt' trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19
Thiếu nhi là đối tượng yếu thế trong đời sống hàng ngày cần được bảo vệ, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh thì những mầm non tương lai này càng cần được sự quan tâm hơn nữa từ xã hội và chính quyền khi thực hiện các quy định giãn cách xã hội đã làm mất đi sự hồn nhiên trẻ thơ.
- 1,3 tỉ trẻ em trên thế giới bị "cô lập" với thế giới hiện đại khi ở nhà phòng dịch COVID-19
- Quốc tế Thiếu nhi ngày Tết dành cho trẻ em
- Ngày Quốc tế Thiếu nhi được bắt đầu từ bao giờ?
Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga cho biết, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nước ta vào năm 2020, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em trong khu cách ly tập trung và hướng dẫn đảm bảo an toàn cho trẻ em trong dịch bệnh. Các ấn phẩm này đã được chuyển về 63 tỉnh, thành phố để sử dụng truyền thông, phát đến tận các khu cách ly.
Vừa qua, thông qua các kênh truyền thông khác nhau, Cục Trẻ em đã đăng tải các tài liệu này nhằm tuyên truyền rộng rãi đến trẻ em, phụ huynh... để nâng cao nhận thức, kỹ năng của cộng đồng.
Bộ LĐTB&XH cũng đã có quyết định hỗ trợ cho trẻ em bị mắc COVID-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo các địa phương đặc biệt quan tâm đến trẻ em. Trong Tháng hành động vì trẻ em, các địa phương đều có kế hoạch đến thăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi.
Trẻ em cần nhận được sự chăm sóc đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên trẻ em không thể tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, do đó Cục Trẻ em và Hội đồng Đội Trung ương sẽ cùng xây dựng những kế hoạch sinh hoạt hè phù hợp cho các em.
Với phương châm “không để trẻ em nào cần được hỗ trợ bị bỏ lại và không được hỗ trợ”, thời gian tới, Cục trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ có các chương trình để vận động các nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em bên cạnh nguồn lực của nhà nước và các tổ chức quốc tế như UNICEF, World Vision (tổ chức Tầm nhìn Thế giới)...
Trước thực trạng, trải nghiệm của trẻ em sống trong khu cách ly, giãn cách và những tác động tới thể chất, tinh thần của trẻ em, các chuyên gia cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích để chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thời gian dịch bệnh.
Theo Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc, trong bối cảnh trẻ em được nghỉ Hè nhưng không thể tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí bên ngoài nên bố, mẹ cần dành thời gian chơi cùng con một cách toàn tâm, toàn ý nhất. Việc dành cho con thời gian chơi một cách chất lượng sẽ giúp bố mẹ thấy được sự phát triển của con, các con cũng không cảm thấy nhanh nhàm chán.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia tâm lý Hà Thành cho rằng bố, mẹ chỉ cần toàn tâm, toàn ý chơi với con 5-10 phút cũng đã là tuyệt vời hơn so với ngồi với con 30 phút nhưng lại chăm chú vào điện thoại, tivi, máy tính... hay chỉ nói với con hãy làm việc này, việc kia. Bên cạnh đó, bố, mẹ cũng nên chia sẻ với con các tâm tư, nguyện vọng của con để thấu hiểu con hơn, đồng thời chia sẻ cảm xúc của mình với con.
Thiếu nhi trong các khu cách ly càng phải được nhận sự quan tâm và bảo vệ "đặc biệt" hơn.
Do người lớn luôn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác nhau nên dù có nỗ lực bao nhiêu cũng vẫn không thể tránh khỏi những khi có cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, bố, mẹ có thể nhận biết cảm xúc của bản thân và chia sẻ với các con, những người xung quanh để được hiểu, quan tâm, giải toả... Đây là cách giúp các con được tập dượt về việc quan tâm, chăm sóc bố, mẹ đồng thời không để bố, mẹ trút những cảm xúc tiêu cực, áp lực lên con...
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Nga cho biết, thời gian qua, quyền tham gia của trẻ em đã được tăng cường hơn rất nhiều. Tuy nhiên, theo những khảo sát gần đây, quyền trẻ em lại bị hạn chế nhiều ở trong gia đình. Có rất nhiều người làm bố, mẹ vì yếu tố công việc, lo toan bộn bề, chưa có thời gian lắng nghe, quan tâm nhiều tới con.
Nhiều trẻ em chỉ mong muốn rằng bố, mẹ mỗi ngày dành cho con 30 phút trò chuyện, chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Nga mong sẽ có nhiều gia đình luôn chủ động dành thời gian chia sẻ với con những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, diễn giải cho con các thông tin con muốn biết...
Bà Nguyễn Thị Nga cũng cho biết, việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em tại gia đình là một trong những mục tiêu trọng tâm Bộ LĐTB&XH hướng đến trong thời gian tới; đồng thời nhắn nhủ trẻ em và các phụ huynh khi có những vấn đề phát sinh không mong muốn, những thắc mắc cần giải đáp liên quan đến thiếu nhi, cần hỗ trợ tư vấn tâm lý... có thể gọi đến Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em - 111 vào bất kỳ lúc nào trong ngày để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận