3D Tour - Du lịch tại chỗ trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội
3D Tour được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu đến người dùng là giải pháp công nghệ trực quan giúp khách tham quan có thể thưởng thức nghệ thuật ngay tại nhà trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
- 'Ông lớn' công nghệ Revolut tìm kiếm cơ hội mới từ ngành du lịch
- Tân binh ngành du lich sẽ ra mắt sàn UpCoM vào ngày 24/2
- Báo Mỹ: Việt Nam đang chiếm ưu thế trong phục hồi du lịch
Sau một thời gian thử nghiệm, ngày 28/8, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour (gồm tiếng Việt và tiếng Anh), được tích hợp trên website của Bảo tàng (địa chỉ https://vnfam.vn).
Để thực hiện tham quan trực tuyến, người xem có thể click vào đường link https://3d.vnfam.vn/vi (bản tiếng Việt) hoặc https://3d.vnfam.vn/en (bản tiếng Anh) và thực hiện theo chỉ dẫn,
Với việc ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour này, công chúng có thể thưởng thức các tác phẩm mỹ thuật, tham quan trưng bày của bảo tàng mọi lúc, mọi nơi.
3D Tour giúp nghệ thuật gần hơn với du khách trong những ngày giãn cách xã hội.
Trong những ngày giãn cách như hiện nay, công chúng có thể ngồi tại nhà, sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet là có thể tự do khám phá không gian trưng bày thường xuyên của Bảo tàng, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật và nghe lời giới thiệu chung về các chủ đề trưng bày hoàn toàn miễn phí.
Bên cạnh đó, 100 hiện vật tiêu biểu được giới thiệu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng được liên kết với trưng bày trực tuyến 3D Tour, được gắn biểu tượng nổi bật giúp du khách dễ dàng nhận ra.
Đặc biệt, video với độ phân giải cao giới thiệu 2 Bảo vật quốc gia được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh và câu chuyện sẽ giúp du khách được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của những kiệt tác này.
Đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, việc đưa hoạt động tham quan trực tuyến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam qua 3D Tour là nỗ lực và kết quả của quá trình nghiên cứu, phát triển ý tưởng và triển khai thực hiện của các cán bộ Bảo tàng, cùng sự chung tay giúp sức của các đồng nghiệp và bạn bè trong nước và quốc tế, với mong muốn truyền cảm hứng, lan toả tình yêu với nghệ thuật và di sản, đưa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến gần hơn với công chúng.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mỹ thuật nói riêng cũng là bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ VHTT&DL trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các bảo tàng và di tích vẫn phải tạm dừng đón khách tham quan, công nghệ chính là cầu nối hữu hiệu nhất để các di tích và bảo tàng có thể tiếp cận với công chúng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận