Gần 1 tỷ, chọn Mazda CX-5 mới, Hyundai Tucson hay Mitsubishi Outlander?
Trong tầm giá trên dưới 1 tỷ đồng, cả ba mẫu crossover và SUV lắp ráp gồm Mazda CX-5 mới, Hyundai Tucson, Mitsubishi Outlander không chênh lệch giá quá lớn, giúp người tiêu dùng Việt Nam có thể lựa chọn phù hợp nhu cầu.
Không giống như cuộc đua phân khúc hạng A hay MPV cỡ nhỏ hiện đang khá nóng tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều hãng xe Nhật, Hàn và VinFast, phân khúc crossover tầm trung hiện khá ổn định, nhất là các mẫu xe lắp ráp trong nước như Mazda CX-5, Hyundai Tucson, Mitsubishi Outlander đều có thị phần riêng.
Sự ra mắt của Mazda CX-5 thế hệ 6.5, phiên bản 2019 tại Việt Nam đã tạo nên sức hấp dẫn mới của cạnh tranh trong phân khúc. Trước khi ra mắt phiên bản mới, Mazda CX-5 bản cũ đã bán được 6.160 xe trong nửa năm 2019, đứng ở vị trí số 2 sau Honda CR-V (bán 8.104 xe). Cùng phân khúc này, các mẫu Hyundai Tucson bán 3.624 xe ở vị trí số 3 và vị trí tiếp theo là Mitsubishi Oulander với 1.743 xe trong nửa năm qua.
Vậy với một mức giá xấp xỷ 1 tỷ đồng, hãy cùng Xe VietNamNet tham khảo cuộc so găng giữa 3 mẫu xe crossover tầm trung lắp ráp trong nước để bạn đọc có góc nhìn tổng quan, nhằm tìm ra lựa chọn phù hợp nhu cầu.
Giá bán
Trong ba mẫu Mazda CX-5, Hyundai Tucson và Mitsubishi Outlander, cho đến thời điểm này khi Mazda CX-5 2019 ra mắt đã vươn lên thành chiếc crossover tầm trung có giá cao nhất. Bản cao cấp 2.5L Signature Premium của Mazda CX-5 2019 lên đến 1,149 tỷ đồng.
Mitsubishi Outlander đắt nhất là bản 2.4 CVT Premium giá 1.049 triệu đồng, còn Hyundai Tucson cao nhất là bản 2.0L dầu đặc biệt giá 940 triệu đồng.
Để có góc nhìn phù hợp, bài viết sẽ so sánh 3 phiên bản trang bị động cơ cùng dung tích 2.0L gồm: Mazda CX-5 2.0 Premium giá 989 triệu đồng, Mitsubishi Outlander 2.0 CVT Premium giá 908 triệu đồng và Hyundai Tucson 2.0L xăng đặc biệt giá 878 triệu đồng.
Ngoại thất
Trong số 3 mẫu xe thì Mazda CX-5 chịu khó nâng cấp chỉ trong vòng một năm trở lại đây. Phiên bản 2019 của Mazda CX-5 không quá khác lạ, nhưng bổ sung những gì bản cũ chưa có. Ngoại thất xe vẫn vậy, nhưng phía đuôi thay đổi thành ống xả kép hai bên, mâm Goshintai. Đây cũng là chiếc xe có gầm cao nhất.
Ở Hyundai Tucson dù khoảng sáng gầm và chiều dài thấp nhất trong 3 xe nhưng lại có kích thước chiều rộng nhỉnh hơn hẳn, giúp diện mạo xe khá bề thế. Các đường nét quyết đoán bên ngoài giúp Hyundai Tucson 2019 vẫn mang đậm nét thể thao và nam tính. Mazda CX-5 lại có phần lịch lãm, còn ở Mitsubishi Outlander mang hơi hướng thân thiện nhờ cụm hốc gió lớn đặt ở dưới mặt tnar nhiệt nhỏ.
Cả ba mẫu xe đều áp dụng công nghệ hiển thị tiên tiến nhất hiện nay là đèn Full LED trước, sau. Gương chiếu hậu chỉnh/gập điện và tích hợp báo rẽ. Tuy nhiên, vì là bản nâng cấp mới nhất nên Mazda CX-5 có phần nhỉnh hơn bởi đã làm mới ống xả và mâm bánh xe.
Nội thất
Về trang bị nội thất, chỉ có phiên bản 2.5L cao cấp của Mazda CX-5 2019 mới bổ sung thêm camera 360 độ được coi là tính năng mới mẻ, còn lại các bản 2.0L không có thay đổi. Cả 3 mẫu xe đều trang bị ghế bọc da với hàng ghế trước chỉnh điện. Mazda CX-5 nhỉnh hơn khi có tính năng nhớ 2 vị trí ghế lái.
Tuy chưa thể hiện ở mức “xịn sò” như Mazda CX-5 nhưng Hyundai Tucson lại cho người dùng cảm giác công nghệ hơn nhờ trang bị ghế lái chỉnh điện tới 10 hướng cùng cửa sổ trời toàn cảnh panorama, trong khi hai đối thủ còn lại chỉ 8 hướng và cửa sổ trời ở hàng ghế đầu.
Với Mitsubishi Outlander 2.0 CVT Premium, lợi thế đáng chú ý đến từ việc mẫu xe này có thêm hàng ghế thứ 3 và trở thành chiếc crossover lắp ráp duy nhất trên thị trường có ưu điểm này (Honda CR-V cũng 7 chỗ nhưng được bán dạng nhập khẩu).
Ở khía cạnh tiện nghi ở nội thất, cả 3 mẫu xe đều thuộc dạng “kẻ 8 lạng, người nửa cân”, với những trang bị như màn hình cảm ứng, điều hòa tự động 2 vùng, khởi động nút bấm, cruise control...
Sức mạnh
Ở lựa chọn động cơ 2.0L, Hyundai Tucson đang thể hiện là mẫu xe có khả năng đạt tốc độ cao nhanh nhất với công suất cực đại 155 mã lực ngay ở vòng tua máy thấp, nhưng lực kéo mô-men xoắn chỉ ở mức 192 Nm, thấp hơn hai mẫu xe đối thủ.
Cả Hyundai Tucson và Mazda CX-5 đều sử dụng hộp số tự động 6 cấp, nhờ đó người lái có thêm tính năng chọn lựa chế độ lái thể thao. Riêng với Mitsubishi Outlander, hộp số tự động CVT thích hợp kiểu đi xe gia đình cần sự êm ái chuyển số.
An toàn
Hiện tại cả 3 mẫu xe đều đáp ứng đầy đủ các trang bị an toàn bị động tiên tiến mà ngày nay cần có như phanh ABS, cân bằng điện tử, nhiều túi khí. Riêng về mặt an toàn chủ động, Mazda CX-5 lại cho thấy nhà phân phối đang hướng dần tới các đối tượng khách cao cấp khi áp dụng các trang bị đắt tiền như cảnh báo chệch làn đường, cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang.
Chính vì có nhiều tính năng an toàn chủ động hơn nên Mazda CX-5 2.0 Premium đang bán cao hơn hai đối thủ còn lại tới cả trăm triệu đồng. Bù lại, với các đợt khuyến mại trị giá vài chục triệu đồng có thể lại là “con bài” mà Mazda thường dùng để kích thích tiêu dùng khi có dấu hiệu giảm sức mua.
Theo Infonet
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận