Ghé thăm cơ sở dệt lụa tơ tằm trên cung đường Đà Lạt - Nam Ban
Nằm trên tuyến đường Đà Lạt - Nam Ban, cơ sở dệt lụa tơ tằm Cường Hoàn Silk là một trong những địa điểm tham quan ấn tượng và thú vị đang chờ đón du khách.
Quy trình sản xuất kén tại cơ sở (Ảnh chạy xe nối tiếp nhau trên cung đường qua đèo Tà Nung nối liền thành phố sương mù với thị trấn Nam Ban, trong đó có cả khách du lịch trong nước lẫn khách quốc tế.
Tại đây có những làng nghề truyền thống độc đáo, hấp dẫn đã thu hút nhiều khách đến tham quan giúp nơi này phát triển mạnh về du lịch. Trong đó, không thể không kể đến cơ sở dệt lụa tơ tằm Cường Hoàn Silk.
Cách trung tâm Tp. Đà Lạt khoảng 30km, thị trấn Nam Ban được biết đến không chỉ bởi cảnh đẹp tự nhiên mà còn có những làng nghề nổi tiếng. Nổi bật trong đó là nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống được mang từ phương Bắc được cơ sở Cường Hoàn Silk đưa vào hoạt động. Nơi này trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều lượt khách đến tham quan mà phần lớn là du khách nước ngoài.
Anh Phạm Văn Cường, chủ cơ sở lụa tại khu phố Trưng Vương, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Năm 1980 anh theo mẹ vào vùng đất này lập nghiệp và đến năm 1989 anh bắt đầu làm quen với nghề thu mua kén tằm. Khi thấy có nhiều du khách đến tham quan thác Voi - thắng cảnh nổi tiếng gần khu vực, anh Cường quyết tâm trở về quê hương và các tỉnh phía Bắc để tìm hiểu thêm về những công đoạn của nghề ươm tơ dệt lụa.
Từ đó quay lại vùng đất cao nguyên này và xây dựng nên cơ sở với mô hình khép kín: mua kén – ươm tơ – dệt lụa – nhuộm – thiết kế sản phẩm – may thêu – bán hàng cho khách du lịch.
Nhằm khôi phục lại nghề truyền thống kết hợp tham quan du lịch để người người được biết nhiều hơn về từng công đoạn từ ươm tơ cho đến khi tạo nên những thành phẩm đẹp mắt.
So với các vùng khác thì Lâm Đồng có lợi thế cho nghề nuôi tằm bởi khí hậu ôn hòa, cho chất lượng tơ tốt hơn. Anh Cường cho biết, mỗi ngày cơ sở lụa Cường Hoàn tiêu thụ gần 1 tấn kén nếu hoạt động hết tần suất. Sản phẩm lụa được sản xuất tại đây đã có mặt ở một số nhà máy dệt trong nước và xuất khẩu ra thị trường Campuchia, Thái Lan,... Từ một mô hình nhỏ lẻ, đến nay cơ sở đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn dành cho du khách tại Đà Lạt.
Đến cơ sở lụa Cường Hoàn Silk, du khách có cơ hội tìm hiểu các quy trình sản xuất sản phẩm từ lụa thủ công, quá trình xử lý, nhuộm, may thêu,.. đến khi có được những thành phẩm hoàn chỉnh.
Sau khi chứng kiến quá trình dệt lụa khép kín, du khách có thể chọn mua những chiếc khăn, váy, áo thêu với nhiều họa tiết bắt mắt từ lụa. Có những ngày cơ sở đón cả chục đoàn khách nước ngoài đến tham quan, cộng thêm nhiều lượt khách trong nước, các bạn trẻ đi thành nhóm,...
Cùng với các khu du lịch nổi tiếng như thác Voi, chùa Linh Ẩn và các làng nghề truyền thống khác trong khu vực, nơi này đã góp phần lớn trong việc phát triển du lịch của vùng đất Nam Ban - Lâm Hà trong những năm gần đây. Du khách đến Đà Lạt, hãy ghé thăm cơ sở dệt lụa tơ tằm để tìm hiểu thêm về nghề dệt lụa truyền thống cũng như chọn mua về những món quà độc đáo, ý nghĩa dành cho người thân, bạn bè.
Địa chỉ: 07 Khu Phố Trưng Vương, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Giá vé: 10.000đ/người.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận