Israel đặt mục tiêu đứng đầu thế giới trong ứng dụng AI
Với việc ngày càng mở rộng các hoạt động ứng dụng Ai trong đời sống công nghệ đã tạo đà cho Israel lên kế hoạch để trở thành nước dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo trong 5 năm tới.
- Nữ doanh nhân 11 tuổi Samaira Mehta muốn dạy các em nhỏ từ 4 đến 10 tuổi khái niệm mã hóa và trí tuệ nhân tạo.
- AI4VN - Ngày hội khởi động trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam
- AI đầu tiên trên thế giới nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ tại châu Âu
Giới chuyên gia công nghệ tại Israel cho biết, nước này đang xây dựng kế hoạch quốc gia để trở thành một trong những nước phát triển nhất thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
"Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch quốc gia. Kế hoạch này sẽ được trình lên Chính phủ để đưa Israel trong 5 năm tới trở thành một trong năm nước dẫn đầu thế giới trong công nghệ AI", Isaac Ben-Israel, Trưởng nhóm chuyên gia Israel về xây dựng kế hoạch AI quốc gia, cho biết.
Không giống như trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ cao, Israel khởi đầu tương đối chậm trong cạnh tranh toàn cầu về phát triển AI. Hiện nay, Israel đã nhận thấy tầm quan trọng của AI đối với tương lai của đất nước.
Tuần AI Israel đầu tiên đã được tổ chức tại Đại học Tel Aviv. Sự kiện này được phối hợp tổ chức với Cơ quan Đổi mới sáng tạo Israel. Chính phủ Israel đã giao cho ông Ben-Israel, cùng với Giáo sư Eviatar Matania, đứng đầu nhóm chuyên trách quốc gia bao gồm hàng trăm chuyên gia từ lĩnh vực công nghệ, chính phủ, các trường đại học và công nghiệp quốc phòng.
Sau những thành công trước đó trong việc xây dựng một kế hoạch tương tự trong lĩnh vực an ninh mạng và vai trò lãnh đạo trong Cơ quan không gian Israel, đây là thách thức mới đối với ông Ben-Israel.
Là sự kiện quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Israel từ 18-22/11, Tuần AI có sự tham gia của khoảng 3.000 chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện trong ngành công nghệ, những người đang tái định hình công nghệ AI, ông Ben-Israel cho biết.
Đây là một diễn đàn quốc tế thảo luận về tương lai của ngành AI, thảo luận về những công nghệ trong tương lai mà hiện nay chưa thể tưởng tượng được, cũng như những công nghệ nhạy cảm gây quan ngại như công nghệ dẫn tới các loại máy móc thông minh điều khiển lại con người. Hiện tại, các loại máy AI vẫn chưa có khả năng suy nghĩ độc lập với con người mặc dù các loại máy này đã bắt đầu tư duy như não người trong việc thực hiện các tính toán.
Việc AI phát triển nhanh đôi khi dẫn tới những câu hỏi về đạo đức và pháp lý mà con người chưa từng nghĩ đến trước đây. Một trong những vấn đề đó là chương trình ô tô tự lái vì khả năng của các hệ thống AI trên ô tô để dự báo hậu quả các vụ tại nạn tất yếu của ô tô.
Con người cần quyết định đạo đức là gì khi ô tô tự lái gây ra các vụ tai nạn chết người. Ô tô tự lái nên tính toán cứu ai, chấp nhận gây tổn thương cho ai khi tai nạn xảy ra. Vấn đề này có thể có nhiều kết quả vì phụ thuộc vào lựa chọn của hệ thống AI của ô tô tự lái.
Ông Ben-Israel nói rằng những vấn đề như vậy phức tạp hơn các thách thức về công nghệ. "Công nghệ máy tính nói chung đã được phát triển để làm cho cuộc sống của con người tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn, nhưng con người vẫn phải vượt qua những nỗi sợ tự nhiên về những công nghệ còn chưa được biết đến", ông Ben-Israel đánh giá. Ông Ben-Israel, cũng như những người khác tham gia sự kiện trên, đã kêu gọi "hợp tác quốc tế" trong vấn đề này.
Ông Ami Appelbaum, Chủ tịch Ban lãnh đạo Cơ quan đổi mới sáng tạo Israel, và nhà khoa học trưởng của Bộ Kinh tế và Công nghiệp cho biết sự kết hợp của dữ liệu lớn và những khả năng chưa có tiền lệ của máy tính tạo ra sức mạnh tác động làm thay đổi nhiều mặt đời sống trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Israel đang tìm kiếm hợp tác nhà nước và tư nhân ở mức độ phát triển, nghiên cứu học thuật, ứng dụng và hợp tác với các công ty đa quốc gia về tìm kiếm các cơ hội trong thị trường AI. Về quy mô của đầu tư và tài chính, Israel chưa thể cạnh tranh được với các nước như Mỹ hay Trung Quốc, ông Ami Appelbaum nói.
Tuy nhiên, Israel có nhiều công nghệ độc đáo vượt khỏi khuôn khổ tư duy thông thường. Những công nghệ này tạo ra tác động lớn, ông Ami Appelbaum nói, đồng thời lưu ý rằng Israel đang đi đầu thế giới trong lĩnh vực xử lý dữ liệu và máy tính.
Ông Ami Appelbaum nói hiện có nhiều người lo sợ về tác dụng ngược của AI như "AI sẽ kiểm soát chúng ta hay chúng ta kiểm soát AI" và cho rằng đây là vấn đề mang tính quyết định của loài người, quyết định của các chính phủ. "Chúng ta sẽ kiểm soát chúng ta, nhưng chúng ta sẽ cải thiện tiêu chuẩn sống, các dịch vụ y tế, nông nghiệp, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác nhờ AI", ông Appelbaum nói.
Ông Appelbaum cũng cho rằng nếu loài người quản lý được rủi ro thì "chúng ta sẽ hưởng lợi từ AI", đồng thời tin rằng việc phát triển khả năng của AI bắt chước cách suy nghĩ của con người chỉ là "vài năm nữa thôi".
Irina Orssich, Trưởng nhóm AI của Bộ phận Công nghệ và Hệ thống để số hóa ngành công nghiệp thuộc Ủy ban châu Âu, nói rằng AI đã đưa đến những lợi ích cho xã hội loài người bằng việc làm cho thế giới chúng ta thành nơi tốt hơn với khả năng ứng dụng trong sản xuất thuốc, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, phương tiện đi lại tự động...
Ông Orssich cho biết Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nghiên cứu các thách thức khi phát triển AI gây ra, nhất là các tác động trọng kinh tế-xã hội, kỹ năng, việc làm, các vấn đề về pháp lý và đạo đức, vốn là những vấn đề có thể dẫn tới những giới hạn áp đặt đối với AI. EU có kế hoạch đề xuất khuôn khổ pháp lý về vấn đề phát triển AI trong những tháng tới.
"Nếu chúng ta muốn AI được triển khai trên toàn cầu, vậy thì chúng ta cần tìm ra những quy định chung và đồng thuận về những giới hạn đối với AI", Orssich nói.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận