Chuyển đổi số: Thấu hiểu xu thế Toàn cầu và nâng tầm tư duy chiến lược

Đào Công
16/03/2020 17:29
D

Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới với những thay đổi phi thường, trong đó công cuộc chuyển đổi số rộng khắp trên mọi lĩnh vực và ở mọi quốc gia đóng vai trò nền tảng và là động lực chủ đạo. Trong kỷ nguyên với những thách thức và cơ hội chưa từng có này, các quốc gia và doanh nghiệp có khát vọng lớn, tầm nhìn thời đại và chiến lược thực thi sắc bén có thể làm nên những thành quả phát triển vượt bậc.

Ảnh: internet

THỜI ĐẠI ĐỔI THAY

Với tiến bộ vượt bậc của cuộc cách mạng Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT), chỉ trong mấy thập kỷ qua, thế giới đã liên tục trải qua những đổi thay cách mạng, có ảnh hưởng nhanh chóng và sâu rộng đến mọi lĩnh vực của phát triển kinh tế và xã hội. Vào thập kỷ 1970-1980, mọi người ao ước về sự ra đời của máy tính cá nhân và sự hiện diện của nó ở mỗi gia đình hay bàn làm việc. Điều ước này đã nhanh chóng thành hiện thực với sự ra đời của Microsoft như một biểu tượng. Vào thập kỷ 1980-1990, mọi người ước ao được liên lạc với nhau và tiếp cận tới kho tri thức của nhân loại ở mọi nơi, mọi lúc với tốc độ tức thời và không tốn phí. Điều ước này cũng nhanh chóng trở thành hiện thực với sự ra đời của Internet và Google trở thành một công ty biểu tượng.

Vào thập kỷ 1990- 2000, mọi người ước muốn có cộng đồng riêng để chia sẻ thông tin, kiến thức, và nguồn lực. Điều ước này cũng đã trở thành hiện thực với các công ty biểu tượng như Facebook, Uber và AirB&B. Ngày nay, chúng ta đang nuôi dưỡng khát vọng xây dựng một xã hội thông minh. Trong đó, tiến bộ nhanh chóng về công nghệ số sẽ đem lại những lợi ích lớn lao, toàn diện, sâu sắc hơn thông qua công cuộc chuyển đổi số đang và sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở mọi doanh nghiệp, địa phương, lĩnh vực kinh tế – xã hội và quốc gia. Ba lợi ích lớn nhất mà công cuộc chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ mang lại là: năng suất lao động, chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Trước bối cảnh đó, một vấn đề rất lớn được đặt ra là sự sẵn sàng với đổi thay thường thấp; trong đó, tư duy và thói quen cũ thường là nguyên nhân chủ yếu.

Những nghiên cứu lịch sử cho thấy sự thiếu sẵn sàng của một xã hội khi đứng trước những tiến bộ vượt bậc về công nghệ. Chẳng hạn, vào đầu thế kỷ 20, nhiều thành phố lớn như London, New York vẫn làm qui hoạch dài hạn dựa trên giả định về nhịp độ tăng nhanh của xe ngựa và nhu cầu ngựa kéo. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng xe hơi sẽ không thể trở nên phổ biến vì tốc độ của nó quá nhanh, gây nguy hiểm chết người, khó được xã hội chấp nhận. Một số khác thì đưa ra lý do là rất khó tuyển dụng được lái xe bởi nghề này đòi hỏi một số kĩ năng và phẩm chất đặc biệt. Ngày này, cách tư duy này vẫn thường thấy ở khắp nơi khi thế giới chuyển sang thời đại Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Chuyển đổi số không đơn thuần là nỗ lực đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin mà là một công cuộc cải biến toàn diện và sâu sắc nhằm khai thác tối đa sức mạnh thời đại và tiến bộ công nghệ, từ đó nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và kiến tạo nền tảng căn bản cho hành trình phát triển lâu dài. Vì vậy, thấu hiểu toàn cầu và nâng tầm tư duy chiến lược đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cả công việc thiết kế lẫn triển khai công cuộc chuyển đổi số.

THẤU HIỂU XU THẾ TOÀN CẦU

Cục diện phát triển toàn cầu đang được định hình bởi những xu thế chủ đạo, trong đó các doanh nghiệp cần đặc biệt thấu hiểu tám xu thế dưới đây khi xem xét mỗi quyết định đầu tư cho mục tiêu phát triển trong tương lai.

Xu thế 1: Các biến động toàn cầu ngày càng dữ dội, đòi hỏi mỗi quốc gia và doanh nghiệp phải hội đủ ba điều kiện: tầm nhìn xa, ý chí cải cách mạnh mẽ và ý thức gia cường nền móng để vững vàng trước mọi xáo động trong khu vực và toàn cầu.

Xu thế 2: Gắn kết toàn cầu và khu vực, mặc dù còn phải trải qua không ít trắc trở, sẽ ngày càng sâu sắc, không chỉ trong thương mại và đầu tư mà cả trong du lịch, văn hóa và nhận thức xã hội.

Xu thế 3: Thế kỷ 21 là “thế kỷ trỗi dậy” của châu Á. Đặc biệt, Trung Quốc và Ấn Độ – mỗi quốc gia có hơn 1,3 tỷ dân và tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, sẽ nằm trong nhóm ba nền kinh tế lớn nhất thế giới trong các thập kỷ tới. Đông Nam Á, với số dân 650 triệu và qui mô kinh tế hiện tại xấp xỉ Ấn Độ và Nhật Bản, cũng đang trở thành một trọng điểm phát triển và động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Xu thế 4: Đô thị hóa sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Với tỷ lệ dân đô thị tăng nhanh tới mức trên 2/3 dân số toàn cầu trong ba thập kỷ tới, qui hoạch và quản lý đô thị sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quyết định năng suất lao động, chất lượng sống và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Với Việt Nam, qui mô các thành phố hiện tại dự kiến sẽ tăng từ 1,5 đến 2,5 lần trong ba thập kỷ tới.

Xu thế 5: Cuộc CMCN 4.0 đã và đang diễn ra với nhịp độ ngày càng nhanh, ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong mọi mặt của nền kinh tế và đời sống xã hội. Doanh nghiệp cần nắm bắt cuộc CMCN 4.0 theo ba hướng chủ đạo sau: Hướng thứ nhất là tăng hiệu quả vận hành kể cả phần cứng và phần mềm. Trong đó, các công cụ quản lý bằng phần mềm, ứng dụng điện toán đám mây, tiếp thị số, người máy, các công cụ điều khiển tự động, nhà máy thông minh, Thực tế ảo (VR) và Thực tế ảo Tăng cường (AR) là những công nghệ cần được nghiên cứu để ứng dụng. Hướng thứ hai là khai thác giá trị từ hiệu ứng cộng hưởng với đối tác, khách hàng và cộng đồng xã hội. Các mô hình gắn kết chia sẻ, đồng sáng tạo, gây quĩ đại chúng là những ứng dụng đem lại giá trị lớn trong thời gian cực nhanh. Hướng thứ ba là nâng cao chất lượng ra quyết định từ các nguồn dữ liệu lớn và nỗ lực nâng cao năng lực phân tích, học hỏi.

Xu thế 6: Dân số già hóa. Do tỷ lệ sinh đẻ thấp và tuổi thọ trung bình ngày càng cao nên dân số nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang già đi nhanh trong các thập kỷ tới. Thực tế cho thấy, sức sáng tạo và sống động của một dân tộc sẽ giảm sút khi mức độ già hóa đạt đến mức 1/3 dân số có tuổi trên 65. Việt Nam hiện đang ở giai đoạn dân số vàng, nghĩa là tỷ trọng lao động trên tổng dân số ở mức cao. Tuy nhiên, thuận lợi này sẽ giảm nhanh sau khoảng 20 năm nữa. Vào năm 2045, Việt Nam sẽ già như Nhật Bản năm 2000. Tức là nếu không trở thành một nước có mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam sẽ ở vào tình cảnh “già trước khi giàu”. Xu thế này đòi hỏi Việt Nam phải tăng tốc phát triển và có mức độ sẵn sàng cao hơn cho một xã hội với dân số già.

Xu thế 7: Phát triển bền vững sẽ ngày càng được coi trọng và trở thành yêu cầu “sống còn” trong mọi nỗ lực phát triển. Trong xu thế này, bảo vệ môi trường, đặc biệt là chất lượng nước và khí sẽ được coi trọng hàng đầu. Các doanh nghiệp gây ô nhiễm sẽ không được ủng hộ và nhanh chóng bị đào thải trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đầu tư vào năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và các công nghệ – mô hình kinh doanh hỗ trợ nỗ lực này sẽ có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn.

Xu thế 8: Trách nhiệm xã hội sẽ trở thành một lợi thế cạnh tranh vô hình ngày càng lớn. Trong xu thế này, các doanh nghiệp có triết lý kinh doanh nhân văn, coi trọng đặc biệt lợi ích cộng đồng và người lao động tương đồng với giá trị đem lại cho khách hàng và chủ đầu tư sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Đặc biệt, các nỗ lực có hiệu quả nhằm chung tay cùng cộng đồng giải quyết những thách thức lớn của xã hội sẽ mang lại những giá trị rất lớn cho doanh nghiệp.

TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG THÔNG TIN TỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ HIỆU QUẢ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP

Cuộc cách mạng thông tin diễn ra trong mấy thập kỷ qua đã và đang tạo nên những biến chuyển căn bản trong đời sống xã hội. Đặc biệt, nó đã, đang và sẽ đem lại những đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp.

Trên tổng thể nền kinh tế, cuộc cách mạng thông tin ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế qua năm kênh chính sau:

Thứ nhất, nó giúp tăng hiệu quả vận hành trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong sản xuất, dịch vụ thương mại và dịch vụ công. Trong đó, sự gắn kết hợp tác giữa thương mại và dịch vụ trực tuyến, tự động hóa, AI là các ứng dụng hàng đầu.

Thứ hai, nó làm gia tăng mạnh mẽ khối lượng và chất lượng thông tin, khả năng giao tiếp, liên lạc, giúp làm minh bạch hơn trên mọi lĩnh vực – từ chất lượng môi trường đến cảm nhận của người dân. Do đó, mọi hoạt động được giám sát, phối thuộc và xử lý kịp thời hơn; nhờ đó giúp tăng trưởng bền vững hơn.

Thứ ba, nó giúp doanh nghiệp và mọi người dân tăng vượt bậc khả năng tiếp cận tới tri thức toàn cầu và chia sẻ ý tưởng nhanh chóng, kịp thời. Tiến bộ này thúc đẩy học hỏi và sáng tạo, động lực chủ đạo của tăng trưởng.

Thứ tư, nó giúp tạo ra nền kinh tế chia sẻ và cộng đồng. Nguồn lực từ mọi ngõ ngách của cuộc sống xã hội được gắn kết với nhu cầu xã hội. Cả cung và cầu đều tăng mạnh với số lượng dồi dào và chất lượng phong phú hơn. Uber, AirBnB, Crowdfunding… là những ví dụ điển hình. Theo kênh này, tăng trưởng được tạo ra từ việc khai thác hiệu quả từ tác động cộng hưởng.

Thứ năm, nó giúp nâng cao chất lượng quy trình ra quyết định, đặc biệt trong phân bổ nguồn lực. Theo kênh này, tăng trưởng được tạo ra từ tăng hiệu quả đầu tư, phát triển. Trên thực tế, ICT đã trở thành một nguồn tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quan trọng của nhiều nước, trong đó có các nước ASEAN. Từ số liệu thống kê tổng hợp của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), ước tính từ phương pháp kế toán tăng trưởng cho thấy ICT đóng góp từ 0,5 điểm phần trăm (Philippines) tới 1,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2000-2016 (Bảng 1).

Bảng 1: Nguồn tăng trưởng GDP của các nước Asean, 2000-2016

Với Việt Nam, đóng góp của ICT vào tăng trưởng GDP thể hiện rõ xu thế tăng cả về lượng và chất. Lượng đóng góp trực tiếp tăng trưởng của ICT tăng từ 0,5 điểm phần trăm trong giai đoạn 2000-2010 lên 0,9 điểm phần trăm trong giai đoạn 2010-2016; trong khi tăng trưởng Năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) (trong đó ICT được coi là có đóng góp gián tiếp) chuyển từ - 0,4% sang +0,4% (Bảng 1).

TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ TỚI HIỆU QUẢ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP

Chuyển đổi số có tác động quan trọng tới nâng cao hiệu quả SXKD. Các doanh nghiệp bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số theo năm hướng chủ đạo. Đó là:

(i) Số hóa các sản phẩm và dịch vụ;

(ii) Số hóa tiếp thị và kênh phân phối;

(iii) Số hóa hệ sinh thái;

(iv) Số hóa quy trình sản xuất; và

(v) Số hóa chuỗi cung ứng.

Từ khảo sát trên 2.000 doanh nghiệp toàn cầu, Công ty Tư vấn McKinsey đưa ra ước tính cho thấy đóng góp của chuyển đổi số vào tăng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp là rất đáng kể, nhưng nó tùy thuộc vào độ sâu và toàn diện của nỗ lực chuyển đổi số. Với nỗ lực chuyển đổi số toàn diện, một doanh nghiệp điển hình có thể tăng doanh số thêm 11,2% và lợi nhuận trước thuế và lãi (EBIT) lên 7,3% (Hình 1).

Hình 1: Ước tính tác động của chuyển đổi số lên kết quả kinh doanh

Dựa trên ước tính của McKinsey về tác động của chuyển đổi số tới kết quả kinh doanh, ta có thể xây dựng ba kịch bản về tác động của chuyển đổi số tới hiệu quả kinh doanh của 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) như sau:

• Kịch bản #1: Nỗ lực chuyển đổi số của VNR500 ở mức như hiện nay, đạt khoảng 10% yêu cầu so với mức ứng đáp toàn diện.

• Kịch bản #2: Nỗ lực chuyển đổi số của VNR500 ở mức cao hơn hẳn hiện nay, đạt khoảng 20% yêu cầu so với mức ứng đáp toàn diện.

• Kịch bản #3: Nỗ lực chuyển đổi số của VNR500 chuyển biến vượt bậc, đạt khoảng 50% yêu cầu so với mức ứng đáp toàn diện. Theo ba kịch bản này, đóng góp của chuyển đổi số vào kết quả kinh doanh của VNR500 được ước tính trong (Bảng 2) dưới đây(1). Với nỗ lực vượt bậc trong công cuộc chuyển đổi số (Kịch bản #3), VNR500 sẽ tăng doanh thu thêm 5,6% và lợi nhuận 3,65%; nhờ đó đóng góp vào tăng trưởng GDP 1,3 điểm phần trăm với giá trị là 3,16 tỷ USD. Điều cần nhấn mạnh thêm là ước tính này giả định các doanh nghiệp chưa đầu tư gì thêm. Do vậy, nếu chuyển đổi số đi cùng các nỗ lực đầu tư phát triển khác sẽ tạo ra hiệu quả còn lớn hơn nhiều.

NÂNG TẦM TƯ DUY CHIẾN LƯỢC

Nâng tầm tư duy chiến lược có vai trò rất lớn và ý nghĩa quyết định đến giá trị mang lại của công cuộc chuyển đổi số. Trong nỗ lực này, lãnh đạo mỗi doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng tới bảy nội dung trình bày dưới đây.

Thứ nhất, xác định rõ tầm nhìn và định vị chiến lược cho doanh nghiệp trong hành trình phát triển phía trước.

Sức cạnh tranh và phát triển của một doanh nghiệp phụ thuộc không chỉ vào nguồn lực hiện có. Quan trọng hơn, đó là tầm nhìn và định vị chiến lược của công ty. Sức mạnh này có thể tăng lên gấp bội và bền vững hơn nhiều nếu tầm nhìn có sức thôi thúc cao và định vị chiến lược thể hiện sự kết hợp thông tuệ giữa năng lực cốt lõi với xu thế thời đại.

Thứ hai, kiến tạo giá trị cần là mục tiêu cốt lõi và tiêu chí chủ đạo.

Giá trị mà doanh nghiệp đem lại từ mỗi nỗ lực phát triển của mình được kiến tạo từ việc nâng cao hiệu quả vận hành, nâng cấp hiệu lực chiến lược và thúc đẩy hiệu ứng cộng hưởng. Nâng cao hiệu quả vận hành tăng lợi nhuận và giảm giá thành. Nâng cấp hiệu lực chiến lược gia cường sức cạnh tranh hiện tại và tương lai, đặc biệt trong đầu tư vào nền tảng phát triển lâu dài. Thúc đẩy hiệu ứng cộng hưởng làm sâu sắc mức độ gắn kết với khách hàng, đối tác và cộng đồng xã hội. Nỗ lực này không chỉ tạo ra giá trị hữu hình mà cả giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp có một vị thế xã hội được trân trọng và kỳ vọng hơn.

Thứ ba, hiểu rõ trở ngại chính yếu trong nỗ lực đi tới tầm nhìn chiến lược và phương cách vượt qua nó.

Bảng 2: Đóng góp ước tính của chuyển đổi số vào tăng hiệu quả kinh doanh và đóng góp vào tăng trưởng gdp của VNR500

Một doanh nghiệp, dù đã thành công đến đâu, cũng khó tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong lâu dài nếu không thấu hiểu thách thức chính yếu mà doanh nghiệp phải vượt qua trên hành trình phía trước. Hạn chế của nhiều doanh nghiệp có khát vọng lớn là ỷ vào nguồn lực và kinh nghiệm làm nên thành công trong quá khứ để nắm bắt cơ hội mới, trong khi xem nhẹ những thách thức họ sẽ phải đương đầu và vượt qua. Nâng tầm chiến lược đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp cần coi thách thức là trung tâm để huy động sức mạnh tổng hợp từ nguồn lực hiện có và thời cơ mới xuất hiện nhằm vượt qua nó. Cách tiếp cận này giúp doanh nghiệp đi đến tương lai một cách vững chắc và mạnh mẽ hơn.

Thứ tư, coi trọng học hỏi, tương tác và phát triển hệ sinh thái.

công lâu dài của một doanh nghiệp tùy thuộc rất nhiều vào năng lực và nỗ lực học hỏi của cả tổ chức. Hơn thế nữa, tăng mức độ tương tác và phát triển hệ sinh thái giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội.

Ba câu hỏi nên được đặt ra khi doanh nghiệp đứng trước một khó khăn nan giải là: Liệu có thể giải bài toán này bằng nỗ lực chuyển đổi số? Thế giới có bài học hay kinh nghiệm gì trong giải quyết bài toán này? Đâu là lời giải hay và vững bền nhất nếu cộng đồng doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương và Chính phủ đồng lòng chung sức tìm phương kế? Một ví dụ đơn giản là việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan công quyền thường được nhắc đến như một vấn nạn khó vượt qua, cho dù Chính phủ đã có những chỉ thị nhằm hạn chế tình trạng này. Với cách tiếp cận tổng hợp nêu trên, cộng đồng doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương và Chính phủ có thể giải bài toán này theo cách sau: Chính phủ lập một trang web đăng ký và giám sát việc thanh tra, kiểm tra trên toàn quốc.

Vì việc thanh tra, kiểm tra là cần thiết nếu nội dung đó là quan trọng, minh bạch nên mỗi cuộc thanh tra cần được đăng ký rõ danh sách đoàn thanh tra và người đứng đầu đoàn, đơn vị được thanh tra, chủ đề, ngày giờ làm việc… Sau buổi thanh tra, biên bản làm việc cần được lưu giữ trên trang mạng này. Ngoài ra, thống kê về các cuộc thanh tra có thể được tổng hợp hàng ngày để báo về các cơ quan liên quan, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ và Văn phòng UBND tỉnh. Các địa phương có nhiều thanh tra đem lại kết quả tốt cần được biểu dương, các địa phương và ngành có nhiều thanh tra không mang lại kết quả có ý nghĩa cần giải trình hàng tháng. Một khi những thông tin này trở nên minh bạch và được giám sát, tìm hiểu thấu đáo, chất lượng thanh tra, kiểm tra sẽ tăng và số lượng sẽ giảm căn bản.

Thứ năm, coi trọng tính minh bạch, sự trung thực và lòng tin của xã hội.

Mỗi doanh nghiệp cần gìn giữ và nâng cao tính minh bạch, sự trung thực và lòng tin của xã hội với doanh nghiệp của mình. Những tài sản vô hình này về lâu dài có giá trị hơn mọi loại tài sản khác vì khi mất nó, doanh nghiệp sớm muộn cũng sa sút dù có nguồn lực và tài năng dồi dào đến đâu. Các doanh nghiệp Việt Nam cần coi đây là một lợi thế cạnh tranh đặc trưng cần được hết sức chăm lo, phát triển trong nỗ lực làm chủ thị trường nội địa cũng như thâm nhập thị trường khu vực và thế giới.

Thứ sáu, tránh các cạm bẫy chiến lược.

Trong hơn ba thập kỷ cải cách vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm nên những kỳ tích phát triển đáng khâm phục. Những thành quả này sẽ trở thành nền tảng và động lực để các doanh nghiệp tiếp tục làm nên những kì tích mới, lớn lao hơn nếu vượt qua được ba loại cạm bẫy chiến lược: cạm bẫy nguồn lực, cạm bẫy năng lực và cạm bẫy thế lực. Những cạm bẫy này được gọi là cạm bẫy chiến lược vì nếu mắc phải nó, doanh nghiệp sẽ kẹt vào các điểm mù chiến lược và trở nên thiếu sáng suốt, thậm chí mù quáng, trong các quyết định chiến lược. Cạm bẫy nguồn lực liên quan đến sự ỷ lại vào nguồn lực để tạo danh tiếng trong khi coi nhẹ nỗ lực kiến tạo giá trị thực sự, có tính chiến lược trong phát triển lâu dài. Cạm bẫy năng lực là sự chủ quan, cho rằng năng lực xuất sắc mình đã có được sẽ vững bền trong tương lai mà không thấy hết sức hủy diệt – sáng tạo ghê gớm của sự đổi thay.

Công ty sản xuất giấy ảnh Kodak là một ví dụ điển hình. Cho đến đầu thập kỷ 1990, họ vẫn đứng đầu về các phát kiến sáng tạo liên quan đến giấy ảnh và rơi vào điểm mù chiến lược là ảnh kỹ thuật số sẽ không thể thay thế họ. Cạm bẫy thế lực liên quan đến danh tiếng và vị thế thị trường doanh nghiệp đã có được từ thành công trong quá khứ. Cạm bẫy này thường đưa đến ba hiểm họa là: sa lầy vào những dự án nặng về danh tiếng nhưng tốn kém và thiếu thực tế; thích nghe lời khen ngợi, ghét bỏ người có ý kiến trung thực nhưng trái chiều; và mất dần khả năng ứng đáp chiến lược với sự đổi thay nhanh chóng của thị trường và công nghệ.

Thứ bảy, cần có cách tiếp cận tổng hợp và toàn diện trong triển khai thực hiện.

Nỗ lực chuyển đổi số cần có cái nhìn toàn diện về các thành tố quyết định hiệu lực của toàn bộ quá trình này. Hệ số hiệu lực chuyển đổi số Q trong công thức dưới đây là một cách tiếp cận:

Trong công thức này, P (Pressure) chỉ áp lực của tình thế và kỳ vọng của xã hội; V (Vision) là tầm nhìn và ý chí của đội ngũ lãnh đạo; C (Competence) là năng lực của bộ máy quản lý, đặc biệt là đội ngũ chịu trách nhiệm thiết kế và thực thi quá trình chuyển đổi số; E (Enabler) là điều kiện khuyến tạo (chẳng hạn, chất lượng hạ tầng thông tin, cơ chế chính sách, năng lực của đối tác, nguồn cung tài chính và công nghệ…); L (Legacy) là di sản của cơ chế cũ, đặc biệt là những cản trở gây nên bởi tư duy, hệ thống pháp lý và tập quán đã trở nên lạc hậu; S (Selfishness) là tính ích kỷ cá nhân, lợi ích nhóm và tham nhũng. Để công cuộc chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần nỗ lực tăng hệ số hiệu lực Q với hai phương thức chủ yếu: tăng tử số và giảm mẫu số. Việc tăng tử số có thể đạt được nếu tăng mỗi thành tố trong bốn thành tố: áp lực (P), tầm nhìn (V), năng lực (C) và điều kiện khuyến tạo (E).

Việc giảm mẫu số có thể đạt được nếu giảm mỗi thành tố trong hai thành tố: di sản cũ (L) và tham nhũng (S). Điều cần nhấn mạnh là, nỗ lực tăng các thành tố ở tử số và giảm các thành tố ở mẫu số cần được phối thuộc thực hiện với một chiến lược nhất quán và toàn diện cùng việc nâng cao tầm nhìn đóng vai trò thành tố trung tâm.

Một tầm nhìn lớn và thôi thúc hơn sẽ tăng áp lực, nâng cao năng lực nhờ sức mạnh tổng lực và khai thác tốt hơn các điều kiện khuyến tạo; trong khi loại bỏ nhanh và quyết đoán hơn những di sản cũ và kiềm chế các hành vi tham nhũng, ích kỷ. Trong quá trình chuyển đổi số, mỗi dự án triển khai có thể đánh giá dựa trên chỉ số SMART sau đây: S (Strategic Purpose) đánh giá về tính chiến lược (ảnh hưởng lâu dài và nền tảng); M (Monitoring) chỉ sự tường minh của chỉ số giám sát kết quả và tiến bộ đạt được; A (Accountability) chỉ cá nhân và đơn vị chịu trách nhiệm về tiến bộ của dự án; R (Rethinking) đánh giá mức đổi mới tư duy – cách nghĩ và tính đột phá của dự án; T (Trust) đánh giá đóng góp của dự án vào tăng cường lòng tin của nhân viên với tương lai công ty.

Trên mỗi tiêu chí, người đánh giá cho điểm tử 1 (thấp nhất) đến 5 (cao nhất). Nếu dự án có chỉ số SMART trung bình cao hơn 4,0, đó là một dự án rất tốt và cần được ưu tiên đặc biệt trong triển khai thực hiện. Trái lại, nếu chỉ số SMART dưới 3,0, dự án cần được thiết kế lại, thậm chí là loại bỏ nếu cần thiết.

Chuyển đổi số là một công cuộc nâng cấp toàn diện không chỉ năng lực sản xuất kinh doanh mà cả chiến lược thích ứng với đổi thay của thời đại, để tăng sức cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp cả trong trước mắt và lâu dài. Vì vậy, nỗ lực chuyển đổi số cần bắt đầu bằng những nhận thức thấu đáo về xu thế phát triển và nâng cấp toàn diện tư duy chiến lược trong các nội dung trình bày ở trên.

PGS. TS. Vũ Minh Khương, Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Singapore

Theo Tạp chí Điện tử

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Gửi bình luận

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam tăng 15 bậc trong xếp hạng Chính phủ điện tử toàn cầu 2024, đạt vị trí 71/193 quốc gia

Việt Nam tăng 15 bậc trong xếp hạng Chính phủ điện tử toàn cầu 2024, đạt vị trí 71/193 quốc gia

Nhiều mini app của CQNN lập kỷ lục về lượng người dùng

Nhiều mini app của CQNN lập kỷ lục về lượng người dùng

Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Tây Ninh hợp tác chuyển đổi số giai đoạn mới

Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Tây Ninh hợp tác chuyển đổi số giai đoạn mới

Bắc Giang ra mắt mini app ‘Quy chế dân chủ’ trên Zalo

Bắc Giang ra mắt mini app ‘Quy chế dân chủ’ trên Zalo

Bắc Kạn số hoá dịch vụ hành chính công

Bắc Kạn số hoá dịch vụ hành chính công

Bộ TT&TT quyết liệt giải quyết các điểm nghẽn thuộc lĩnh vực TT&TT trong triển khai Đề án 06

Bộ TT&TT quyết liệt giải quyết các điểm nghẽn thuộc lĩnh vực TT&TT trong triển khai Đề án 06

Thấy gì từ tầm nhìn quản lý nước của Singapore?

Thấy gì từ tầm nhìn quản lý nước của Singapore?

mini app GoBus TPHCM ghi nhận lượt tải cao kỷ lục

mini app GoBus TPHCM ghi nhận lượt tải cao kỷ lục

Tuyên Hóa dẫn đầu về chuyển đổi số

Tuyên Hóa dẫn đầu về chuyển đổi số

VNeID trở thành 'chìa khóa' duy nhất thực hiện dịch vụ công trực tuyến

VNeID trở thành 'chìa khóa' duy nhất thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Mini App BR-VT Smart thu hút 18.000 người dùng sau 12 ngày triển khai

Mini App BR-VT Smart thu hút 18.000 người dùng sau 12 ngày triển khai

Đóng góp của chuyên gia WIPO vào việc xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Đóng góp của chuyên gia WIPO vào việc xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Tin mới cập nhật

Bộ tạo tín hiệu: Sự khác biệt giữa công nghệ Analog và Digital

Bộ tạo tín hiệu: Sự khác biệt giữa công nghệ Analog và Digital

Keysight AppFusion giải pháp hiển thị và bảo mật mạng toàn diện

Keysight AppFusion giải pháp hiển thị và bảo mật mạng toàn diện

Đột phá, cách mạng trong thực hiện Nghị quyết 57

Đột phá, cách mạng trong thực hiện Nghị quyết 57

Cuộc cách mạng trong ngành quảng cáo: Từ tìm kiếm đến trí tuệ nhân tạo

Cuộc cách mạng trong ngành quảng cáo: Từ tìm kiếm đến trí tuệ nhân tạo

Những dấu mốc nổi bật về khoa học công nghệ của Việt Nam 2024

Những dấu mốc nổi bật về khoa học công nghệ của Việt Nam 2024

Samsung và cuộc cách mạng 'AI cho mọi người'

Samsung và cuộc cách mạng 'AI cho mọi người'

ASUS đa dạng hóa hệ sinh thái laptop AI bằng sản phẩm mới Vivobook S 14

ASUS đa dạng hóa hệ sinh thái laptop AI bằng sản phẩm mới Vivobook S 14

Grab kết nối người dân với tuyến Metro số 1 bằng ưu đãi khủng

Grab kết nối người dân với tuyến Metro số 1 bằng ưu đãi khủng

Logitech triển khai chiến dịch mới mang tên 'I LOVE POP'

Logitech triển khai chiến dịch mới mang tên 'I LOVE POP'

 Viettel High Tech tiếp tục mở rộng tại thị trường châu Mỹ

 Viettel High Tech tiếp tục mở rộng tại thị trường châu Mỹ

Nhận diện các hình thức lừa đảo ngân hàng và biện pháp phòng tránh

Nhận diện các hình thức lừa đảo ngân hàng và biện pháp phòng tránh

Mục tiêu đến năm 2030, chuyển giao công nghệ AI cho 50% cơ sở y tế tuyến quận, huyện

Mục tiêu đến năm 2030, chuyển giao công nghệ AI cho 50% cơ sở y tế tuyến quận, huyện

Tin đọc nhiều

Bắc Kạn số hoá dịch vụ hành chính công

Bắc Kạn số hoá dịch vụ hành chính công

Thấy gì từ tầm nhìn quản lý nước của Singapore?

Thấy gì từ tầm nhìn quản lý nước của Singapore?

Chữ ký số - Chìa khóa xây dựng chính quyền điện tử

Chữ ký số - Chìa khóa xây dựng chính quyền điện tử

Đột phá để tạo sự thay đổi căn bản về dịch vụ công trực tuyến

Đột phá để tạo sự thay đổi căn bản về dịch vụ công trực tuyến

Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ 'điểm nghẽn' Đề án 06

Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ 'điểm nghẽn' Đề án 06

Hậu Giang triển khai "chính quyền điện tử thân thiện", hướng tới chính quyền số

Hậu Giang triển khai "chính quyền điện tử thân thiện", hướng tới chính quyền số

Tổng cục Hải quan: Số lượng seal định vị điện tử sử dụng đến tháng 8 đã đạt 14.823 lượt

Tổng cục Hải quan: Số lượng seal định vị điện tử sử dụng đến tháng 8 đã đạt 14.823 lượt

Ngành Công an đang trong giai đoạn "nước rút" cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử

Ngành Công an đang trong giai đoạn "nước rút" cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử

Chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ để phòng chống dịch COVID-19

Chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ để phòng chống dịch COVID-19

Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu của Doanh nghiệp Việt

Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu của Doanh nghiệp Việt

Video xem nhiều

Đại học Miami tạo ra cảm biến chất lượng không khí phát hiện Covid-19

Đại học Miami tạo ra cảm biến chất lượng không khí phát hiện Covid-19

Ford F-150 Lightning 2022 ra mắt: Bán tải chạy điện giá khởi điểm chưa đến 40 nghìn USD

Ford F-150 Lightning 2022 ra mắt: Bán tải chạy điện giá khởi điểm chưa đến 40 nghìn USD

Thông điệp lan tỏa mùa dịch COVID-19

Thông điệp lan tỏa mùa dịch COVID-19

Clip: Khuyến cáo đối với người lao động, người làm việc, người bán hàng tại khu dịch vụ trong dịch Covid-19

Clip: Khuyến cáo đối với người lao động, người làm việc, người bán hàng tại khu dịch vụ trong dịch Covid-19

Cỗ xe lai phản lực tăng tốc từ 0 - 1010 km/h trong 50 giây tham vọng phá kỷ lục thế giới

Cỗ xe lai phản lực tăng tốc từ 0 - 1010 km/h trong 50 giây tham vọng phá kỷ lục thế giới

“Rắn tiên tri” dự đoán đội tuyển Việt Nam thắng Thái Lan

“Rắn tiên tri” dự đoán đội tuyển Việt Nam thắng Thái Lan

Pretzel - Bánh quy cây: Biểu tượng văn hoá châu Âu với nhiều tranh cãi về nguồn gốc

Pretzel - Bánh quy cây: Biểu tượng văn hoá châu Âu với nhiều tranh cãi về nguồn gốc

Làm thế nào để nâng cao tương tác giữa loa và phòng nghe hiệu quả

Làm thế nào để nâng cao tương tác giữa loa và phòng nghe hiệu quả

Trực tiếp: Apple ra mắt Iphone 11 tại Cupertino, California, Mỹ

Trực tiếp: Apple ra mắt Iphone 11 tại Cupertino, California, Mỹ

Chiếc điều hòa cá nhân này của Sony là tất cả những gì bạn cần để sống sót qua mùa hè nóng nực

Chiếc điều hòa cá nhân này của Sony là tất cả những gì bạn cần để sống sót qua mùa hè nóng nực

Những gì bạn muốn biết về 5G

Những gì bạn muốn biết về 5G

5G thay đổi tương lai của bạn như thế nào?

5G thay đổi tương lai của bạn như thế nào?

Bàn về tầm nhìn và các trụ cột của công nghệ thông tin di động 6G
04/03/2022
Chip xử lý A15 Bionic của Apple có gì mới
15/09/2021
Sex Education mùa 3 được Netflix công chiếu vào 17/9
14/09/2021
iPhone 13 không thay đổi nhiều về ngoại hình, camera được nâng cấp mạnh
13/09/2021
Cách xem trực tiếp sự kiện ra mắt iPhone 13 và Apple Watch 7
10/09/2021
VNEID của Bộ Công an khác các ứng dụng đang được vận hành?
10/09/2021
'Cái tôi' thời 4.0 và tính hai mặt của mạng xã hội
04/09/2021
'Muôn màu' cảm xúc của trẻ trong ngày khai giảng online
24/08/2021
Chủ tịch Chu Ngọc Anh giải toả 'ách tắc' về Giấy đi đường cho người dân Thủ đô
10/08/2021
Hàng loạt Macbook M1 tự dưng vỡ màn hình, Apple có đồng ý bảo hành?
02/08/2021
6 bộ phim hay nhất để xem trên VieON
29/01/2021
Bắc Ninh: Không ký kết triển khai dự án Owifi 5G với CSE Singapore
27/06/2020
Bị World Bank cấm dự thầu 7 năm, công ty Sao Bắc Đẩu thừa nhận sai sót
27/06/2020
Wefinex - Mô hình hoạt động đa cấp "đội lốt" đầu tài chính trên mạng internet
10/06/2020
Khai trừ MISA khỏi Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam
27/05/2020
Chuyển đổi số - Nên hiểu như thế nào cho đúng
25/05/2020
Chống thất thu thuế là thách thức lớn đối với nền kinh tế số
29/04/2020
Cách chuyển tập tin sang máy tính mới
10/11/2019
VNPT, MobiFone, VTC sẽ hoàn thành cổ phần hóa trước năm 2021
20/08/2019
5G thay đổi tương lai của bạn như thế nào?
26/07/2019
Nhận diện hành vi lừa đảo trên không gian mạng
25/07/2019
Truyền hình OTT - Hướng đi mới của các “nhà Đài”
24/07/2019