Chuyển đổi số logistic - ‘tường lửa’ hay cơ hội vàng của doanh nghiệp Việt Nam
“Đại dịch Covid-19 đã đặt ra thách thức khiến các DN phải xem chuyển đổi số là nhiệm vụ bắt buộc. Trong đó, chuyển đổi số ngành logistic là hành trình dài, khó khăn mà bất kể DN nào muốn phát triển đều phải vượt qua”.
- "Ngành ngân hàng sẽ có sứ mạng đi đầu về chuyển đổi số"
- 'Bình dân' hóa Chuyển đổi số
- 5G VinaPhone đồng hành chuyển đổi số
Đó là nhận định của ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng Giám Đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (Satraco), công ty con của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco), đưa ra tại Hội thảo “Chuyển đổi số trong Logistics - Thực trạng vận hành Logistics và câu chuyện chuyển đổi số thành công tại Việt Nam” (TP.HCM, 18/10/2022) do Smartlog phối hợp HBA (Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM) và DTS Group (Liên minh Chuyển đổi số) tổ chức, với sự tham gia của của nhiều khách mời là các diễn giả, lãnh đạo của Hiệp hội các doanh nghiệp KCN, các công ty cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng cùng đại diện hơn 100 DN.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám Đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (Satraco) - một công ty thành viên của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải Khát Sài Gòn (SABECO), phát biểu tại hội thảo Chuyển đổi số trong logistics ngày 18/10.
Hội thảo nằm trong chuỗi chương trình phát triển doanh nghiệp số, nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết, giúp lãnh đạo và cán bộ, nhân viên DN sản xuất định hướng, lập kế hoạch và triển khai tốt lộ trình chuyển đổi số DN.
Chuyển đổi số - cơ hội phát triển và nguy cơ tụt hậu
Theo các chuyên gia tại Hội thảo, chuyển đổi số trong hoạt động logistics ngày càng được Chính phủ và các DN quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19 khi chuyển đổi số trở thành nhiệm vụ bắt buộc.
Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số.
Đến thời điểm hiện tại, các DN trong lĩnh vực này đã và đang thực hiện quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện hoạt động quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đào Xuân Đức - Phó chủ tịch thường trực HBA (Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM) khẳng định, thị trường logistics của Việt Nam trị giá khoảng 40-42 tỷ USD mỗi năm và chuyển đổi số chính là cơ hội cho DN phát triển mạnh mẽ. “Cuộc đua chuyển đổi số lĩnh vực logistic vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các DN chuyển đổi phương pháp tổ chức sản xuất truyền thống. Đây cũng là dịp để tất cả DN cùng khám phá, nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước”, ông Đức nhận định.
Hội thảo Chuyển đổi số về logistics thu hút sự tham gia của đại diện hơn 100 DN.
Trong làn sóng cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, các trung tâm logistics truyền thống đã được chuyển sang các trung tâm thế hệ mới sử dụng công nghệ cao. Dựa vào chuyển đổi kỹ thuật số, nhiều DN đã bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra năm 2021, bước đầu củng cố vị thế của mình trên thị trường đầy cạnh tranh này; thậm chí đã lập kỷ lục về sản lượng xếp dỡ và vận chuyển, tăng doanh thu.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Hội thảo, hiện chỉ có khoảng 40% DN trong lĩnh vực logistic đang tiến hành chuyển đổi số. Lý do là, ngành vận tải và logistics không giống như cách đây vài năm. Sự phát triển công nghệ, mở rộng kinh doanh, chuỗi cung ứng phức tạp và khoảng cách cạnh tranh gia tăng đã buộc các nhà lãnh đạo logistics phải nâng cao các tiêu chuẩn hoạt động để khác biệt với đồng nghiệp của họ, vượt qua khó khăn, cạnh tranh với nhau và phát triển.
Vì vậy hội thảo nhận định, nếu DN không bước vào hành trình chuyển đổi số, sẽ lập tức tụt hậu và đứng bên lề cuộc chơi của cuộc cách mạng công nghiệp đã và đang tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Chọn đúng ‘bạn đồng hành’ - chìa khóa chuyển đổi số thành công
Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng Giám Đốc Satraco cho biết, Sabeco đã chính thức khởi động hành trình chuyển đối số lĩnh vực logistics từ năm 2020, với quyết tâm cải thiện cách thức làm việc thông qua việc tối ưu hóa, chuẩn hóa và tự động hóa các quy trình, bắt đầu từ chuỗi cung ứng, vận hành kho bãi, bán hàng và hệ thống kinh doanh thông minh.
Hệ thống MTS giúp SABECO quản lý hiệu quả hoạt động vận tải.
Theo ông Giang, “chuyển đổi số ngành logistic là hành trình dài, khó khăn mà bất kể DN nào muốn phát triển đều phải vượt qua. Để bắt đầu hành trình này, DN cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ nhân sự, năng lực, tư duy đội ngũ, ngân sách, truyền thông... Việc chuẩn bị dữ liệu một cách chi tiết sẽ giúp quá trình chuyển đổi số thành công và đạt hiệu quả cao.
“Nhưng để thực sự thành công, phải có người đi cùng mình, là BẠN - người đồng hành, có năng lực phù hợp với mình để cùng hợp tác; cùng song hành, cùng tiến bước. Và thành công của cả Sabeco cũng chính là thành công của BẠN - đối tác và của khách hàng”, vị đại diện Sabeco khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Giang, “cho dù chúng ta có chuẩn bị tốt, chủ động đặt ra mọi tình huống thì quá trình chuyển đổi số chắc chắn có những thời điểm khó khăn, thời điểm mà chúng ta có cảm giác tất cả mọi thứ đều chống lại chúng ta. Lúc ấy thì vai trò và sự cương quyết của người lãnh đạo là cần thiết, phải hỗ trợ hết mình để vượt qua được thời điểm khó khăn đó”.
Ông Giang chia sẻ, Sabeco cũng đã gặp phải tình huống tương tự trong hành trình chuyển đổi số. “Nhưng bằng những bước đi phù hợp và sự cương quyết của lãnh đạo đã dẫn đến thành công hôm nay cho Sabeco, chúng tôi chia sẻ việc này để các DN cùng nhìn thấy những gì mà chúng tôi đã đi qua, đã thành công”, ông Giang cho biết và khẳng định, Sabeco vẫn tiếp tục hành trình của mình vì cách mạng công nghiệp luôn có sự thay đổi.
Thành lập vào năm 2003, Satraco là công ty do Sabeco sở hữu 100% vốn, phụ trách toàn bộ kho bãi và vận chuyển hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Sabeco.
Theo VietNamNet
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận