Năm 2023: năm bản lề đưa báo chí lên các nền tảng số
Năm 2023 được xem là bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ngành báo chí tại Việt Nam, nhằm hướng đến mục tiêu 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số vào năm 2030. Đây là một phần trong kế hoạch chuyển đổi số quốc gia nhằm xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí.
Ngày 06/4/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số… làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Năm 2022, cả nước có 815 cơ quan báo chí trong đó có 138 báo và 677 tạp chí, trong đó có 29 cơ quan báo chí chỉ thực hiện loại hình điện tử. Bên cạnh đó, cả nước có 72 cơ quan hoạt động phát thanh, truyền hình với 02 đài truyền hình quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; 64 đài phát thanh truyền hình địa phương; 01 Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam và 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng riêng với 79 kênh phát thanh; 198 kênh truyền hình. Về nhân lực, cả nước có khoảng 18.000 nhà báo được cấp thẻ.
Xem thêm: Những bước đi cần thiết trong quá trình chuyển đổi số báo chí Việt Nam
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí nước ta đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới. Báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước các khó khăn, thách thức mới, trong đó có sự ảnh hưởng vừa tích cực vừa có nhiều biến động trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thách thức, cơ hội của tiến trình chuyển đổi số trên thế giới và tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Đưa báo chí lên các nền tảng số
Thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí, là sự thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí. Đồng thời, là hoạt động phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chính trị như định hướng thông tin và định hướng dư luận trong bối cảnh mới của cách mạng Việt Nam.
Trên cơ sở đó, các cơ quan báo chí hoạt động vận hành phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số, cơ quan báo chí đưa nội dung trên các nền tảng số và ứng dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung, ứng dụng trí thông minh nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2023 là năm đưa báo chí lên các nền tảng số.
Tại hội nghị giao ban quản lý quý 1, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm 2023 là năm đưa báo chí lên các nền tảng số.
Theo các chuyên gia, việc đưa báo chí lên các nền tảng số sẽ mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, người đọc có thể dễ dàng tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị di động. Thứ hai, các cơ quan báo chí có thể mở rộng phạm vi phát triển khán giả, tăng lượt tương tác. Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp đổi mới phương thức sản xuất nội dung, tạo ra những sản phẩm đa dạng, phong phú.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu trên, các cơ quan báo chí cần chuẩn bị tốt cả về cơ sở hạ tầng lẫn nguồn nhân lực. Cụ thể, các cơ quan báo chí cần đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, trang bị các thiết bị phục vụ sản xuất nội dung số. Bên cạnh đó, việc đào tạo, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên cũng rất cần thiết để thích ứng với môi trường làm việc mới.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị các cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ để đồng hành cùng các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số. Cụ thể có thể hỗ trợ về mặt tài chính, công nghệ; đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách pháp lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Ảnh minh họa
Kỷ nguyên báo chí số
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp báo chí, truyền thông, thời đại của kết nối internet vạn vật và trí thông minh nhân tạo. Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là sự ảnh hưởng của chuyển đổi số, cách làm báo đã hoàn toàn thay đổi so với môi trường truyền thống.
Tại Lễ bế mạc Hội Báo toàn quốc năm 2023, chiều 19/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí. Chính phủ sẽ ban hành Đề án về chuyển đổi số trong báo chí. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan báo chí đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam: Chính xác, đại chúng, nhân văn, khách quan. Đồng thời, tạo lập môi trường để những các cơ quan báo chí, truyền thông, người làm báo phát huy sức sáng tạo; phát triển ngành công nghiệp truyền thông của Việt Nam hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.
Theo đó, chuyển đổi số nhằm xây dựng báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả.
Chuyển đổi số đã mang lại xu thế của sự hội tụ về công nghệ, xuất bản theo yêu cầu của người dùng và các nền tảng báo chí mới đã ra đời nhằm đáp ứng các yêu cầu đó. Báo chí, truyền thông Việt Nam đang dần chuyển dịch để bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên báo chí số.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí Điện tử và Ứng dụng số 06 tháng 12/2023).
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng