Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình chuyển đổi số
Yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số, Chính phủ điện tử, giao dịch điện tử, là nhằm theo kịp xu thế, đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần giảm thiểu rủi ro từ dịch bệnh.
- "Ngành ngân hàng sẽ có sứ mạng đi đầu về chuyển đổi số"
- EHA - REV: Hướng đến thành công của chuyển đổi số ngành y tế
- Y tế thông minh - Công cụ hữu hiệu trong phòng chống dịch bệnh
Đã có một số bộ, tỉnh ban hành Chương trình/Kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị mình như: TP.HCM, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn và Bộ Xây dựng.
Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số, Chính phủ điện tử, giao dịch điện tử , theo lý giải của Chính phủ tại Nghị quyết 118 về phiên họp thường kỳ tháng 7/2020 mới ban hành, là nhằm theo kịp xu thế, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Cũng theo đó chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vận động toàn dân cài đặt ứng dụng Bluezone - phần mềm hỗ trợ truy vết người nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, Bộ TT&TT còn có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền về biện pháp phòng chống dịch Covid-19, các giải pháp, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh thông tin trên mạng xã hội; xử lý nghiêm khắc những trường hợp thông tin sai sự thật, tin độc, hại; báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho ngành báo chí trong bối cảnh dịch Covid-19.
Đối với việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan tiếp tục thực hiện nghiêm việc gửi nhận văn bản điện tử và đổi mới phương thức làm việc thông qua xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, đặc biệt đề cao vai trò của lãnh đạo các cấp gương mẫu, đi đầu trong sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt hồ sơ, văn bản điện tử, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Đề cao vai trò của lãnh đạo các cấp gương mẫu, đi đầu trong sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt hồ sơ.
Khẩn trương ban hành hướng dẫn về mẫu kết quả thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực theo dõi trong tháng 9/2020 để làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền cung cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP.
Các bộ, cơ quan cũng được yêu cầu tập trung tái cấu trúc quy trình, hoàn thành việc xây dựng, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia các dịch vụ công ưu tiên năm 2020 và 30% dịch vụ công trực tuyến đang triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và Quyết định số 411/QĐ-TTg; khẩn trương hoàn thành tích hợp đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ và tích hợp thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nghị quyết 118 của Chính phủ nêu rõ, các bộ, cơ quan được giao báo cáo chỉ tiêu kinh tế - xã hội tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện các chỉ tiêu, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối và cung cấp dữ liệu về các chỉ tiêu KT-XH, thông tin báo cáo hàng ngày trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng Chương trình đầu tư công về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025 thay cho nhiệm vụ xây dựng Đề án xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm tuân thủ theo các quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Tư pháp được yêu cầu phải khẩn trương ban hành hướng dẫn thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.
Bộ Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định 893 ngày 25/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Bộ TN&MT và Bộ Công an khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo phân công.
Dự kiến, ngày 26/8 tới, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử họp phiên thứ hai trong năm 2020. Bên cạnh việc rà soát, đánh giá tình hình triển khai Chính phủ điện tử để từ đó đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 17, các đại biểu sẽ trao đổi các kinh nghiệm, cách làm để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số tại Việt Nam.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận