Tik Tok "tham chiến" vào thị trường số hoá doanh nghiệp tại Indonexia
Để gia tăng mức độ ảnh hưởng của mình ở xứ vạn đảo, Tik Tok đã tham gia vào cuộc đua số hoá doanh nghiệp SMEs và trở thành đối thủ nặng ký của các nền tảng thương mại điện tử khác như Tokopedia hay Lazada.
TikTok - một trong những nền tảng truyền thông xã hội phát triển nhanh nhất thế giới - đã tham gia vào cuộc đua số hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Indonesia.
Đại diện của TikTok Indonesia ngày 10/7 cho biết nền tảng chia sẻ video này của Trung Quốc muốn tiếp cận 6 triệu SME Indonesia bằng dịch vụ quảng cáo mới dành cho các doanh nghiệp.
Nền tảng video phát triển nhanh nhất thế giới đến từ Bắc Kinh xác định mục tiêu chịu lỗ 100 triệu USD để "tham chiến" thị trường số hoá doanh nghiệp đầy tiềm năng của thế giới.
Theo ông Pandhu Wiguna, lãnh đạo bán hàng trực tiếp của TikTok Indonesia, đây là thời điểm lý tưởng cho TikTok trong bối cảnh nhiều SME ở quốc gia Đông Nam Á này đổ xô đến các nền tảng trực tuyến để tiếp thị sản phẩm giữa lúc đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường.
Trong một tin nhắn gửi tờ Jakarta Post sau khi tham dự một hội thảo trực tuyến, ông Pandhu cho hay TikTok đang nhắm mục tiêu đến tất cả các SME ở bất kỳ địa điểm hoặc phân khúc kinh doanh nào.
Chủ sở hữu của TikTok - công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh - có kế hoạch chịu lỗ 100 triệu USD trong năm nay nhằm cung cấp dịch vụ quảng cáo miễn phí cho các SME trên toàn thế giới.
Với thông báo hôm 10/7, TikTok đã chính thức có mặt trong danh sách các đối thủ công nghệ nặng ký, trong đó có nền tảng chia sẻ ảnh Instagram và các nền tảng thương mại điện tử Tokopedia và Lazada, tham gia vào kế hoạch số hóa 2 triệu SME của Chính phủ Indonesia trong năm nay.
Kế hoạch nói trên được Tổng thống Joko Widodo khởi xướng vào ngày 14/5 vùa qua với mục đích đào tạo các SME trong việc sử dụng các dịch vụ kinh doanh trực tuyến.
Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Hợp tác xã và SME, ông Teten Masduki cho biết Chính phủ Indonesia hy vọng sẽ có 10 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chuyển đổi kỹ thuật số vào cuối năm nay để phục hồi tốt hơn sau đại dịch.
Bộ trưởng Teten cho biết thêm rằng hiện Indonesia có khoảng 8 triệu MSME có sự hiện diện trực tuyến, thông qua các nền tảng thương mại điện tử hoặc phương tiện truyền thông xã hội, chiếm khoảng 13% MSME trên toàn quốc. Trước đó, hai hãng đặt xe công nghệ Gojek và Grab cũng đã công bố các nỗ lực riêng nhằm số hóa các SME ở Indonesia.
Cũng tại cuộc hội thảo ngày 10/7, Thư ký Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư Odo Manuhutu cho biết đã có 789.000 SME được số hóa trong tháng Năm đến tháng Sáu, tương đương 40% tổng mục tiêu của cả năm 2020.
Tuy nhiên, ông Odo cho hay có sự phân phối không đồng đều của các SME được số hóa. Theo đó, khoảng 86% tại đảo Java và 14% còn lại từ ba tỉnh Sulawesi, Bắc Sumatra và Bali. Không ai trong số họ đến từ các khu vực nghèo khó ở miền Đông Indonesia.
Một nghiên cứu gần đây của Viện nghiên cứu Mandiri cho thấy các MSME kinh doanh online có thời gian tồn tại dài hơn các doanh nghiệp kinh doanh offline.
Tác động của các MSME đối với nền kinh tế có thể lớn hơn nữa nếu có nhiều doanh nghiệp kinh doanh online hơn. Ngoài ra, các MSME được số hóa có thể giúp Indonesia giảm 1,5% thiệt hại của đại dịch COVID-19 đối với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo báo cáo mới nhất của Hootsuite và tổ chức We Are Social, mặc dù tăng trưởng nhanh, tính đến tháng 12 năm ngoái, TikTok chỉ đứng thứ 13 trong số các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến tại Indonesia.
Tuy số người sử dụng ứng dụng chia sẻ video này đã tăng mạnh trong thời gian Indonesia áp đặt các hạn chế xã hội quy mô lớn, song các nền tảng truyền thông xã hội Mỹ vẫn chiếm các ngôi vị đầu bảng tại quốc gia vạn đảo.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận