VNNIC hỗ trợ Hải Phòng triển khai chuyển đổi IPv6, đáp ứng yêu cầu CĐS
Nhằm thực hiện mục tiêu đặt ra trong năm 2022 - Hải Phòng đứng trong top 10 tỉnh, TP dẫn đầu về Chuyển đổi số (CĐS). Trong 3 ngày, từ 22/3/2022 - 25/3/2022, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT triển khai đào tạo, tập huấn chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6, cho cán bộ phụ trách CNTT các sở, ngành, UBND các quận, huyện của Hải Phòng.
- IPv6 For Gov - Giao thức nền tảng của Chính phủ điện tử
- Việt Nam chuyển đổi sang IPv6 sẵn sàng cho CMCN 4.0
- IPv6 sẽ mở rộng cửa cho định hướng chuyển đổi số của Việt Nam
Chương trình tập huấn, đào tạo, hướng dẫn chuyển đổi từ địa chỉ IPv4 sang IPv6 trong các cơ quan nhà nước (CQNN) TP. Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025 được Sở TT&TT TP. Hải Phòng tổ chức, VNNIC chủ trì chuyên môn, đào tạo với sự tham gia của gần 100 cán bộ phụ trách CNTT các sở, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện. Trong khuôn khổ chương trình, Sở TT&TT Hải Phòng phối hợp với VNNIC thực hiện khảo sát, chuyển đổi IPv4 sang IPv6 một số hệ thống ưu tiên trong năm 2022.
Hải Phòng là thành phố đầu tiên trong năm 2022 triển khai chương trình đào tạo mới này. Nội dung tập huấn, đào tạo được VNNIC xây dựng mới, cập nhật các công nghệ, thông tin mới nhất, sát thực tiễn địa phương để giúp các học viên nắm bắt về yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ của công tác chuyển đổi IPv6, xây dựng, triển khai kế hoạch chuyển đổi IPv6 tại địa phương, các công nghệ chuyển đổi, kỹ thuật kết nối, định tuyến và triển khai dịch vụ DNS trên nền IPv6.
Nỗ lực chuyển đổi hạ tầng, hệ thống CNTT TP. Hải Phòng sang thế hệ Internet mới IPv6
Phát biểu chỉ đạo tại tại hội nghị, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xúc tiến nhanh công tác chuyển đổi hạ tầng, hệ thống CNTT TP. Hải Phòng sang thế hệ Internet mới IPv6, rà soát, đánh giá tổng thể mạng, hệ thống CNTT, kế hoạch chuyển đổi IPv6, hoàn thiện chuyển đổi IPv6, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số (CĐS) của thành phố.
Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường yêu cầu các lãnh đạo, cán bộ phụ trách CNTT các Sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện tham gia hội nghị đào tạo, hướng dẫn tập trung tiếp thu kiến thức, thảo luận, trao đổi với các giảng viên VNNIC để triển khai chuyển đổi IPv6 tại cơ quan, đơn vị; phối hợp và đồng hành cùng Sở TT&TT trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyển đổi từ địa chỉ IPv4 sang IPv6 trên toàn địa bàn thành phố.
Việt Nam đi đầu trong chuyển đổi IPv6
Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC, tại Việt Nam, công tác triển khai IPv6 được thực hiện từ năm 2008. Tính đến tháng 3/2022, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet Việt Nam đạt 50% với hơn 54 triệu thuê bao FTTH, 3G, 4G hoạt động tốt với IPv6. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong chuyển đổi IPv6, được ghi nhận, đánh giá cao tại khu vực và quốc tế (đứng thứ 8 toàn cầu, tăng 2 bậc so với 2020, thứ 2 khu vực ASEAN; thứ 3 châu Á sau Ấn Độ và Malaysia).
Giám đốc VNNIC Hoàng Minh Thắng phát biểu tại Hội nghị.
Sau khi hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (2011-2019), công tác triển khai IPv6 Việt Nam được tiếp tục với mục tiêu chuyển đổi toàn bộ Internet Việt Nam sang IPv6, sẵn sàng khả năng hoạt động thuần IPv6 như nội dung xác định tại Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, tập trung triển khai các hoạt động chuyển đổi IPv6 kết hợp tái cơ cấu hạ tầng mạng lưới CNTT CQNN theo Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho CQNN giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình IPv6 For Gov).
Đối với khối CQNN, hiện đã có 68 Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch IPv6 (đạt 80%); 22 Cổng Thông tin điện tử, cổng dịch vụ công của Bộ, ngành, địa phương đã hoạt động tốt với IPv6 (đạt 26%); 36 Bộ, ngành, địa phương quy hoạch và sử dụng IP, ASN độc lập (đạt 42%).
Với sứ mệnh thúc đẩy phát triển, an toàn Internet Việt Nam, được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ chủ trì triển khai Chương trình IPv6 For Gov, ông Nguyễn Hồng Thắng cam kết VNNIC sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các địa phương, trong đó có TP. Hải Phòng trong phát triển tài nguyên Internet, chuyển đổi IPv6 kết hợp tái cơ cấu hạ tầng mạng lưới nhằm phát triển hạ tầng số.
Các cán bộ CQNN Hải Phòng tham gia đào tạo chuyển đổi IPv6
Chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến hiệu quả với các dịch vụ số sử dụng tên miền ".vn"
Trong khuôn khổ chương trình, VNNIC, Sở TT&TT và Sở Công Thương TP. Hải Phòng đã có buổi làm việc về hợp tác thúc đẩy phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) địa phương chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến hiệu quả với các dịch vụ số sử dụng tên miền ".vn".
Buổi làm việc giữa đại diện VNNIC, Sở TTTT và Sở Công Thương TP. Hải Phòng.
Hải Phòng hiện xếp thứ 21 cả nước về Chỉ số đánh giá CĐS (DTI) năm 2020. Ban chỉ đạo CĐS của Thành phố thống nhất mục tiêu đặt ra trong năm 2022 - Hải Phòng đứng trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về CĐS.
Các chỉ số phản ánh mức độ sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" bao gồm: số tên miền quốc gia .VN/1.000 dân, tỷ lệ DN có website sử dụng tên miền quốc gia .VN hiện là những chỉ số đánh giá CĐS cấp tỉnh, thuộc trụ cột Kinh tế số của bộ chỉ số đánh giá CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc hỗ trợ cho các DN, tổ chức, cá nhân, trên địa bàn Thành phố thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến hiệu quả với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia .VN sẽ góp phần giúp Hải Phòng đạt được mục tiêu CĐS trong năm 2022.
Thực hiện nội dung chỉ đạo của Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường, Sở TT&TT, Sở Công Thương TP. Hải Phòng đề nghị VNNIC phối hợp triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác, nhằm xúc tiến, hỗ trợ DN địa phương chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến hiệu quả với các dịch vụ số sử dụng tên miền ".vn".
Ngoài ra, các bên cũng sẽ hợp tác triển khai các nội dung khác nhằm phát triển tài nguyên số, hạ tầng số cho Thành phố như thúc đẩy sử dụng ứng dụng đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam (i-Speed) và chia sẻ thông tin quản lý, tốc độ kết nối của mạng Internet, sử dụng IPv6 trên địa bàn TP. Hải Phòng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận