Cuộc chiến Fortnite vs Apple làm phát lộ những điều bí ẩn trong thoả thuận giữa nền tảng và nhà phát triển
Apple dọa cắt đứt mọi liên hệ đến công cụ nhà phát triển iOS và Mac của Epic Games để trả đũa vụ Fortnite vi phạm chính sách App Store.
- Epic Game "quyết chiến" đến cùng với Apple
- Apple cắt đứt hoàn toàn với Epic Games
- Apple tự bào chữa gì trước vụ kiện độc quyền của Epic Game?
- Trận chiến Apple với Epic Games có thể ảnh hưởng đến hàng trăm trò chơi
Ngày 14/8, Epic Games giới thiệu phương pháp thanh toán mới trong game Fortnite, vi phạm chính sách của App Store, dẫn tới Apple xóa game này trên chợ. Ngay sau đó, Epic Games cũng khởi kiện Apple vì hành vi độc quyền, khẳng định “táo khuyết” áp đặt hạn chế phi pháp đối với việc phân phối các ứng dụng iOS.
Epic không phải là nhà phát hành/phát triển đầu tiên lên tiếng phản đối chính sách của Apple. Năm 2019, Spotify đã lên tiếng kiện hành vi độc quyền của Apple, bao gồm cả việc Apple đẩy mạnh quảng bá cho Apple Music lẫn khoản phí 30% của App Store.
Tháng 6 năm ngoái, vụ việc Apple gỡ bỏ ứng dụng email "Hey" khỏi chợ App Store cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi: Apple buộc nhà phát triển phải trích 30% khoản tiền người dùng chi trả, và cũng cấm nhà phát triển không được cung cấp (hay gợi ý) phương thức thanh toán độc lập (không thông qua Apple) trong ứng dụng iOS.
Bằng mọi giá, chiếm được 30%
Theo quy định của Apple, nhà phát triển đưa ứng dụng lên iOS phải chia sẻ 30% tiền bản quyền ứng dụng hay vật phẩm game, hoặc 15% doanh thu gói dịch vụ lâu dài sau 1 năm đầu. Nói cách khác, nếu gamer mua 10 USD trị giá Vbucks (tiền ảo Fortnite) trên App Store, Appl sẽ hưởng 3 USD.
Nguyên tắc bất biến của App Store: Chia sẻ 30% doanh thu cho Apple.
Phần lớn các nhà phát triển đều cho rằng khoản tiền nói trên là vô lý. Apple và cũng không cho phép nhà phát triển ứng dụng được quyền cung cấp biện pháp thanh toán riêng trên ứng dụng đưa lên App Store. Nếu ứng dụng iOS có đòi hỏi thanh toán, việc thanh toán phải được thực hiện qua Apple.
Cách lách luật duy nhất là nhà phát triển phải ép người dùng phải thanh toán ở nơi khác trước khi dùng app. Vấn đề là cách làm này gây ra rất nhiều phiền toái. Ví dụ, Spotify cũng đã từng tìm cách "ép" người dùng mua gói nghe nhạc trên web rồi mới đăng nhập vào ứng dụng iOS.
Chỉ ít lâu sau, dịch vụ nghe nhạc số 1 hành tinh đã phải đưa kênh thanh toán trở lại, với mức giá tăng 30% so với giá gốc - có vẻ như, cách "lách luật" nói trên là quá nhiều bước, quá phiền toái cho người dùng.
Chưa hết, Apple còn CẤM nhà phát triển không được đề cập đến các biện pháp thanh toán bên ngoài ứng dụng iOS. Bằng mọi giá, Apple và sẽ thu về 30% của nhà phát triển.
Giải phóng iOS?
Không mấy ngạc nhiên, nhiều gã khổng lồ đã lên tiếng phản đối chính sách 30%. Theo thông báo chính thức của Facebook, doanh nghiệp mua quảng cáo trên phiên bản iOS của mạng xã hội này cũng phải chịu thêm 30% chi phí, sau khi Apple phớt lờ yêu cầu miễn phí của Facebook.
Mục tiêu đầu tiên của Epic khi khởi kiện là để tránh được khoản phí quá cao này. Theo lời CEO Tim Sweeney, nhà phát triển Fortnite thực tế đang đòi hỏi Apple cho phép nhiều phương thức thanh toán khác nhau để nhà phát triển lựa chọn.
Nhưng chưa hết, Epic còn muốn tiến xa hơn: Epic muốn Apple cho phép các công ty khác được quyền tạo ra chợ ứng dụng riêng trên iOS. Mục đích sâu xa đằng sau vẫn là 30%: nếu Epic có thể đưa chợ ứng dụng riêng lên iOS để tự phát hành Fortnite, công ty này chẳng cần chia sẻ doanh thu với ai nữa cả.
Thậm chí, Epic sẽ còn được các nhà phát triển/phát hành khác chia sẻ doanh thu. Ngay từ bây giờ, Epic đã có chợ ứng dụng riêng cho PC (Epic Games Store), với tỉ lệ chia sẻ doanh thu thấp hơn hẳn các nền tảng khác.
Lợi ích của 30%
Ở phía ngược lại, sự xuất hiện (giả tưởng) của Epic Games Store trên iOS chưa chắc đã thực sự mang lại lợi ích hữu hình cho các nhà phát triển. Trong 13 năm qua, cuộc cách mạng di động của Apple đã tạo ra một cộng đồng người dùng có khả năng chi trả tới 100 tỉ USD mỗi năm cho các nội dung ảo. Khi đưa ứng dụng lên iOS các nhà phát triển sẽ ngay lập tức được tiếp cận với khối người dùng khổng lồ nói trên.
Một lợi ích khác dành cho nhà phát triển là sự "chứng nhận" từ Apple. Trong khi các biện pháp bảo mật của App Store không phải là hoàn hảo, người dùng iPhone vẫn có lý do để tin rằng lớp phòng vệ của Apple tốt hơn bất kỳ một bên thứ ba nào khác.
Nhà phát triển đưa ứng dụng lên App Store sẽ dễ dàng lấy được lòng tin của người dùng hơn là các nhà phát triển chỉ dùng chợ jailbreak hay chỉ phát hành qua các chợ ứng dụng Trung Quốc chẳng hạn.
Đưa ứng dụng lên App Store, các nhà phát triển ngay lập tức tiếp cận khối người dùng khổng lồ.
Không phải vô tình mà thông điệp đầu tiên của Apple đều mang một luận điểm chung: ông lớn di động này cấm các biện pháp thanh toán bên ngoài để "bảo vệ người dùng". Nếu iOS bị mở ra cho nhiều chợ ứng dụng, chắc chắn lớp bảo vệ dành cho hệ điều hành này sẽ suy yếu.
Apple có chịu làm không công?
Trên tất cả, yêu cầu của Epic có thể coi là công bằng với Apple? Để có được vị thế như ngày hôm nay, Apple đã phải đánh bại Nokia, BlackBerry và Microsoft, những đối thủ từng thống trị thế giới.
Hệ điều hành iOS không phải là các sản phẩm trực tiếp sinh ra doanh thu, trái lại, chúng là sản phẩm hỗ trợ cho các nguồn thu khác. Với Apple, đó là doanh thu từ iPhone và mảng dịch vụ, vốn có tỉ trọng càng ngày càng cao trong báo cáo tài chính của nhà Táo.
Nếu bị buộc phải mở cửa iOS cho các công ty khác kiếm lời, công sức hơn 1 thập kỷ của Apple sẽ bị buộc phải chia sẻ cho những kẻ khác. Một khoản doanh thu quan trọng sẽ bị bào mòn.
Chắc chắn, Apple sẽ không chấp nhận kịch bản cay đắng này. Họ sẽ tìm mọi cách để đánh bại Epic. Nếu không, tương lai của iOS sẽ thay đổi - và không ai dám chắc thay đổi đó là có ích hay có hại cho các nhà phát triển, cho người dùng smartphone.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận