Cuộc chiến tại Ukraine đã chi phối đến cả công nghệ
Cuộc chiến tại Ukraine đang tiếp tục diễn ra căng thẳng không chỉ trên thực địa mà mở rộng sang cả thế giới công nghệ.
- Bitcoin và tiền ảo trong cuộc chiến Nga – Ukraine
- Google Maps tạm thời vô hiệu hóa dữ liệu giao thông ở Ukraine
- TikTok Trung Quốc thẳng tay loại bỏ những video liên quan đến Nga - Ukraine
Ukraine đã và đang sử dụng các công cụ kỹ thuật số để giúp chống lại cuộc tấn công của Nga - Ảnh: Reuters
Theo Nikkei Asia, Bộ Chuyển đổi số Ukranie hiện đang đứng đầu cuộc phản công với Nga trong mặt trận công nghệ. Tính tới ngày 14/3, Bộ này đã yêu cầu sự hợp tác của hơn 200 công ty công nghệ với việc dừng hoạt động tại Nga nhằm gây tổn thương tinh thần của người dân nước này, đồng thời chặn đứng tin giả tại nguồn. Đây được xem là một trọng tâm trong chiến lược số của Bộ này.
Nền tảng chia sẻ video YouTube, thuộc sở hữu của Google, hôm 11/3 cho biết đã bắt đầu chặn các tài khoản “có liên quan tới hoạt động truyền thông do Chính phủ Nga tài trợ trên toàn cầu”.
Bộ Chuyển đổi số Ukraine trước đó cũng đã xây dựng một trang web để nhận quyên góp bằng tiền ảo và huy động được hơn 50 triệu USD trong vòng nửa ngày kêu gọi trên mạng xã hội Twitter.
Cũng nằm trong chiến lược này, nhiều người tấn công mạng (hacker) tình nguyện cũng được chiêu mộ. Hôm 26/2, hai ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, Bộ Chuyển đổi số đã thông báo thành lập “Đội quân IT của Ukraine”, gồm những người nhận phân công công việc hàng ngày qua ứng dụng nhắn tin Telegram. Gần 300.000 người trên khắp thế giới đã gia nhập nhóm này để thực hiện các cuộc tấn công mạng vào các ngân hàng và tổ chức khác của Nga.
Ông Oleksandr Bornyakov, Thứ trưởng Bộ Chuyển đổi số Ukraine, cho biết sự linh hoạt của Bộ này đã góp phần tăng cường chức chống chịu nằm ngoài mong đợi của Ukraine. Theo ông, nhờ đó mà thủ đô Kiev của nước này vẫn kiên cường bất chấp nhiều dự đoán rằng nó sẽ thất thủ chỉ vài ngày sau cuộc tấn công của Nga.
“Ukraine đã thành công trong việc lật ngược tình thế trước một nước Nga được cho là bậc thầy về chiến tranh thông tin", Peter Singer, giáo sư tại Trung tâm Tương lai Chiến tranh của Đại học bang Arizona (Mỹ), nhận xét trên tờ Politico.
“Đội quân IT của Ukraine” kêu gọi người dùng tiến hành các cuộc tấn công mạng vào các tổ chức của Nga thông qua ứng dụng Telegram - Ảnh: Nikkei Asia
Tuy vậy, chiến lược công nghệ của nước này cũng có những giới hạn nhất định.
Những nỗ lực nhằm loại bỏ Nga khỏi thế giới internet đã không thành công. Tập đoàn Internet Cấp số và Tên miền (ICANN) – một tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm điều phối hệ thống tên miền trên internet – đã từ chối yêu cầu của Kiev về việc thu hồi các tên miền cấp cao của Nga như tên miền có đuôi .ru.
"Trong khuôn khổ sứ mệnh của mình, chúng tôi duy trì tính trung lập và hành động nhằm ủng hộ hệ thống internet toàn cầu", Chủ tịch ICANN Goran Marby nói với Chính phủ Ukraine trong một bức thư hôm 2/3.
Các công ty bao gồm Microsoft, Google và Amazon Web Services đã dừng ký kết hợp đồng điện toán đám mây mới tại Nga. Tuy nhiên, họ sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ này cho những khách hàng hiện tại, tránh việc dừng hoạt động hệ thống đám mây hiện có.
“Tôi nghĩ cho rằng chúng ta nên để cho mọi công dân Nga được tiếp cận thông tin tốt hơn để họ có thể thấy được những gì mà họ đang bỏ lỡ”, Cựu CEO của Google, Eric Schmidt, nói với CNBC tuần trước.
Tuy nhiên, cũng có nhiều quan ngại cho rằng người dùng mạng xã hội Nga đang chuyển sang các kênh thông tin mà ở đó tin giả có thể lan truyền dễ dàng hơn.
Mạng xã hội của Nga VKontakte đầu tuần này cho biết đã đạt mức kỷ lục mọi thời đại với 50 triệu người dùng hàng ngày. Nền tảng này đang lấp đầy khoảng trống mà những dịch vụ như Facebook để lại sau khi các mạng xã hội nước ngoài bị chặn tại Nga.
Các công ty mạng xã hội, đặc biệt là Meta – công ty mẹ của Facebook, hiện cũng đang đối mặt với nhiều chỉ trích vì sự thiếu nhất quán trong việc xử lý những vấn đề như tin giả.
Hôm 11/3, công ty này thông báo đang tạm thời nới lỏng các nguyên tắc chống lại những nội dung kêu gọi bạo lực chống lại người Nga trong bối cảnh Moscow tấn công Ukraine. Các công tố viên của Nga đã yêu cầu tòa án công nhận Meta là một tổ chức cực đoan.
Nick Clegg, chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, thừa nhận rằng đã có "rất nhiều thông tin và cuộc thảo luận" về phản ứng của công ty với tình hình hiện tại.
“Nhưng nếu chúng tôi áp dụng các chính sách nội dung tiêu chuẩn của mình mà không có bất kỳ điều chỉnh nào, thì giờ đây chúng tôi sẽ xóa cả nội dung của những người Ukraine bình thường đang thể hiện sự phản kháng và giận dữ của họ trước các lực lượng quân sự tấn công họ. Đây là điều không thể chấp nhận được”, ông Clegg viết trên Twitter.
Việc ngày càng nhiều người tin rằng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ có thể trở thành vũ khí càng nhấn mạnh tránh nhiệm và lựa chọn khó khăn mà các tập đoàn công nghệ phải đối mặt trong những tình huống như thế này. Một nguồn tin của Nikkei tại một hãng công nghệ châu Âu được Chính phủ Ukraine tiếp cận cho biết họ giữ quan điểm trung lập trong vấn đề này để tránh các rủi ro địa chính trị.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận