Google mở trung tâm điện toán đám mây đầu tiên tại Indonesia
Để khai thác thị trường cũng như tạo thế cạnh tranh cho Google tại Indonesia, ông lớn công nghệ này đang hoàn tất để đưa vào vận hành trung tâm dịch vụ điện toán đám mây để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cao tại xứ vạn đảo.
- Google Docs: Cài đặt đồng bộ hóa ngoại tuyến để tránh mất dữ liệu
- CMC Cloud - nền tảng Cloud duy nhất tại Việt Nam kết nối trực tiếp với AWS, Microsoft và Google
- Vì sao nhiều doanh nghiệp chọn VNPT Smart Cloud?
Theo một giám đốc điều hành cấp cao của Google, gã khổng lồ công nghệ này sẽ mở trung tâm dữ liệu đầu tiên tại Indonesia trong năm nay nhằm khai thác nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ điện toán đám mây tại quốc gia này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jakarta ngày 4/3, Giám đốc của Google Cloud tại Indonesia, bà Megawaty Khie, cho biết với việc thành lập trung tâm dữ liệu khu vực tại Jakarta trong vài tháng tới, công ty sẽ có thể cung cấp cơ sở hạ tầng đám mây đáng tin cậy cho các khách hàng địa phương.
Bà Megawaty cho hay Google lần đầu tiên công bố kế hoạch mở Google Cloud tại Indonesia tại Hội nghị Cloud Summit diễn ra ở Jakarta vào năm 2018. Tiếp đó, tại hội nghị Google Cloud NEXT tại San Francisco (Mỹ) hồi tháng 4/2019, hãng cho biết sẽ ra mắt dịch vụ đám mây tại Indonesia vào nửa đầu năm 2020.
Theo bà Megawaty, cho tới nay, Google đã hoàn tất chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, nhân lực và chỉ còn chờ đợi để khai trương. Hiện một số công ty của Indonesia đang sử dụng dịch vụ Google Cloud, trong đó có các công ty lớn trong ngành bán lẻ như chợ điện tử Blibli.com và chuỗi cửa hàng tiện lợi Alfamart với dịch vụ mua sắm trực tuyến Alfacart được khai trương gần đây.
Ngoài việc cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu, công cụ quản lý và bảo mật và học máy, dịch vụ điện toán đám mây cho phép các doanh nghiệp dự báo về nhu cầu của khách hàng nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và quản lý. Cả Blibli và Alfamart đều cho biết sẽ dự báo nhu cầu của người tiêu dùng với sự trợ giúp của các dịch vụ đám mây.
Theo một nghiên cứu do hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG) thực hiện vào năm 2019, bên cạnh việc mang lại lợi ích cho các công ty riêng lẻ, dịch vụ đám mây còn có tiềm năng to lớn để tạo ra sự khác biệt trong nền kinh tế Indonesia.
Theo đó, các công ty sử dụng dịch vụ này có thể đóng góp khoảng 36 tỷ USD vào GDP của Indonesia trong giai đoạn 2019-2023, đồng thời tạo khoảng 350.000 việc làm trong nhiều lĩnh vực.
Google không phải là hãng công nghệ duy nhất tìm cách khai thác ngành công nghiệp đám mây tại Indonesia. Trước đó, hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon Web Services - một công ty con của Amazon - cho biết đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực tại Jakarta vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Tuy nhiên, Alibaba Cloud - công ty con của tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) - mới là người tiên phong khi khai trương một trung tâm dữ liệu tại Indonesia vào năm 2018.
Bên cạnh đó, Công ty viễn thông quốc doanh Telkom Indonesia mới đây cũng tuyên bố sẽ đầu tư xây dựng nền tảng điện toán đám mây, bao gồm các trung tâm dữ liệu, nhằm khai thác tiềm năng to lớn từ quá trình chuyển đổi số tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới này.
Theo ước tính của Giám đốc điều hành Telkom Indonesia, ông Ririk Adriansyah, giá trị thị trường điện toán đám mây của Indonesia có thể đạt 120-150 tỷ USD vào năm 2024, chiếm khoảng 10% GDP.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận