Internet sẽ phủ không sót chỗ nào với 20.000 vệ tinh bao bọc hành tinh
SpaceX dự kiến đưa 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo thấp, OneWeb muốn xây dựng "chòm sao" với 1.980 vệ tinh. Amazon không chịu thua đã nhắm đến con số 3.236 vệ tinh.
Trong tương lai, “chòm sao vệ tinh” sẽ hình thành trên quỹ đạo thấp như thế này - Ảnh: ESA
Internet băng thông rộng đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị. Nếu bạn có mặt ở sa mạc, núi non, rừng rậm, biển cả hoặc tại các nước chưa xây dựng cơ sở hạ tầng thì đành chào thua, không thể truy cập Internet được. Chính vì vậy hiện có 4 tỉ người không thể dùng Internet.
Từ đó, các doanh nghiệp lớn nảy sinh ý tưởng triển khai hàng ngàn vệ tinh nhân tạo trên quỹ đạo thấp để xây dựng "chòm sao vệ tinh" (nhiều vệ tinh kết nối với nhau) có chức năng phát Internet băng thông rộng. Nổi tiếng nhất có các đại gia SpaceX, OneWeb và Amazon.
120 vệ tinh của SpaceX
Năm 2020 sẽ là năm bước ngoặt của Tập đoàn SpaceX ở California (Mỹ). Tháng 5/2017, SpaceX đã đưa ra dự án Starlink đáng kinh ngạc nhằm triển khai 12.000 vệ tinh trên quỹ đạo thấp từ 500km đến 1.200km, trong đó 8.000 vệ tinh ở quỹ đạo 500km và số còn lại cách Trái đất 1.200km
Dự án Starlink hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ Internet trên toàn thế giới, kể cả các khu vực cực kỳ xa xôi không thể tiếp cận với mạng mặt đất. Cho dù ở đâu trên Trái đất, chỉ cần một thiết bị nhỏ kết nối với các vệ tinh, bạn sẽ có thể truy cập Internet băng thông rộng ổn định.
Năm 2019, SpaceX đã hai lần đưa 120 vệ tinh lên quỹ đạo với 60 vệ tinh cho mỗi lần phóng tên lửa vào tháng 5 và tháng 11/2019.
Ngày 13/11/2019, tên lửa phóng Falcon 9 cất cánh từ bãi phóng Cape Canaveral (Mỹ) đưa 60 vệ tinh nhỏ của SpaceX lên quỹ đạo - Ảnh: YOUTUBE
Sang năm 2020, bà Gwynne Shotwell - chủ tịch SpaceX, tuyên bố sẽ tăng số lần phóng lên 38 lần, trong đó có 23 lần phóng vệ tinh dành cho dự án Starlink. Như vậy tính ra bình quân mỗi tháng có ba lần phóng vệ tinh.
SpaceX dự kiến sẽ tăng dần số lượng vệ tinh đến 120 vệ tinh cho mỗi tháng.
Trong năm 2020, SpaceX mong muốn phủ sóng toàn bộ các bang ở miền Nam nước Mỹ. Khu vực này thường chịu nhiều rủi ro về khí hậu, đặc biệt là lốc xoáy. SpaceX xác định đây là cơ hội để chứng minh tính hiệu quả của dịch vụ Internet.
Ngoài dự án Starlink, trong năm 2020 SpaceX còn thực hiện một số công việc thay cho không quân Mỹ hoặc dự án dân sự như tiếp nhiên liệu cho Trạm không gian quốc tế (ISS), phóng vệ tinh quân sự.
Dự án Starlink sẽ còn mất nhiều năm nữa mới hoàn thành bởi phải phóng đến 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo.
Từ OneWeb đến Kuiper
Ông Adrian Steckel - tổng giám đốc OneWeb, cho biết ở giai đoạn một, OneWeb dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ đưa vào khai thác thương mại 648 vệ tinh khi "chòm sao" đã phủ sóng trên toàn cầu. Giai đoạn hai chú trọng nâng cao hiệu suất các vệ tinh để đến năm 2024 đạt số lượng 1.980 vệ tinh.
Tỉ phú Jeff Bezos - tổng giám đốc Amazon nuôi tham vọng triển khai 3.236 vệ tinh lên ba quỹ đạo - Ảnh: YOUTUBE
648 vệ tinh trong đợt đầu do Tập đoàn Airbus của châu Âu sản xuất với tiến độ 15 vệ tinh mỗi tuần.
Công ty Arianespace (Pháp) phụ trách phóng vệ tinh bằng tên lửa Soyuz từ ba bãi phóng ở Kourou (tỉnh hải ngoại Guyane của Pháp), Baikonur (Kazakhstan) và Vostochny (Nga). Dự kiến vào tháng 9/2020, tên lửa phóng Ariane 6 sẽ được đưa vào sử dụng.
Không chịu thua trong cuộc đua giành thị phần vệ tinh phát Internet trên quỹ đạo, tháng 4-2019 Công ty Amazon ở Seattle (Mỹ) đã công bố dự án Kuiper. Mục đích dự án nhằm triển khai 3.236 vệ tinh lên ba quỹ đạo gồm 784 vệ tinh ở quỹ đạo 590km, 1.296 vệ tinh ở quỹ đạo 610km và 1.156 vệ tinh ở quỹ đạo 630km.
Hiện nay Amazon vẫn chưa phóng vệ tinh nào. Cuối năm 2019, Amazon thông báo sẽ xây dựng nhà máy rộng bằng bốn sân bóng đá ở Redmond (bang Washington) để phát triển và sản xuất vệ tinh. Nhà máy bắt đầu hoạt động từ năm 2020.
Lắp ráp những vệ tinh đầu tiên của OneWeb ở Toulouse (Pháp) - Ảnh: AIRBUS DEFENCE & SPACE
Mốt vệ tinh nhỏ
Từ năm năm nay, ngành công nghiệp vệ tinh đã phát triển theo xu hướng sản xuất hàng loạt vệ tinh nhỏ chứ không còn là vệ tinh cồng kềnh như trước. Vệ tinh Starlink của SpaceX nặng chỉ 250 kg, có hình dạng phẳng và hoạt động bằng pin mặt trời lớn.
Công ty nghiên cứu không gian Euroconsult (Pháp) dự báo số vụ phóng vệ tinh nhân tạo nhỏ lên không gian sẽ tăng gấp bảy lần trong thập niên 2020 với khoảng 800 vệ tinh mỗi năm từ năm 2021.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận