Mảng điện thoại gặp khó, Huawei chuyển mũi nhọn công nghệ cho ngành chăn nuôi lợn
Đài BBC (Anh) ngày 18/2 đưa tin Huawei đã bị cấm nhập khẩu các linh kiện quan trọng sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump quy chụp “gã khổng lồ” viễn thông của Trung Quốc là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.
- Huawei đang đàm phán bán thương hiệu Honor
- "Sự tồn tại" chứ không phải doanh số là ưu tiên số 1 của Huawei
- ARM tiếp tục cấp phép bản quyền kiến trúc vi mạch cho Huawei
Theo đó, nhà chế tạo linh kiện viễn thông lớn nhất thế giới này chỉ có thể sản xuất các thiết bị 4G do thiếu giấy phép nhập khẩu linh kiện cho điện thoại 5G.
Doanh số bán điện thoại thông minh của Huawei đã sụt giảm tới 42% trong quý cuối năm 2020 trong bối cảnh hãng này phải chật vật với nguồn cung vi mạch hạn hẹp.
Trang trại nuôi lợn cao 9 tầng tại Trung Quốc. Ảnh minh họa
Cụ thể, doanh số nội địa của Huawei trong 3 tháng cuối năm ngoái đã giảm 44% xuống 18,8 triệu điện thoại. Trước đó, Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDC) cho biết số hàng xuất ra nước ngoài của Huawei cũng đã giảm 43% xuống 32 triệu sản phẩm.
Theo nhà nghiên cứu Nicole Peng của Canalys, đây nhiều khả năng là giai đoạn khó khăn nhất của Huawei khi công ty gặp khó khăn ngay ở thị trường trong nước.
Ngoài ra, tập đoàn viễn thông này cũng bị “cấm cửa” phát triển cơ sở hạ tầng 5G một số quốc gia, trong đó có Anh, do gây lo ngại về an ninh quốc gia.
Các báo cáo cho thấy khả năng hãng này có thể giảm sản xuất điện thoại thông minh tới 60% trong năm nay. Một người phát ngôn của Huawei tiết lộ với BBC: “Vấn đề ở đây không phải là chất lượng hay trải nghiệm sản phẩm của chúng tôi gặp sự cố. Đó không phải một sân chơi bình đẳng đối với Huawei khi đang vướng vào những căng thẳng địa chính trị”.
Để đối phó với tình trạng sụt giảm doanh số điện thoại, Huawei đang tìm kiếm những nguồn doanh thu khác từ sản phẩm công nghệ như dịch vụ máy tính đám mây, xe thông minh và thiết bị công nghệ đeo tay. Bên cạnh đó, Huawei cũng để mắt đến một vài ngành công nghiệp truyền thống hơn như chăn nuôi và khai thác than.
Trên thực tế, Trung Quốc là nước chăn nuôi lợn lớn nhất thế giới và là nơi cung cấp 1/2 lượng lợn sống trên toàn cầu. Công nghệ đang giúp hiện địa hóa các trang trại nuôi lợn với trí tuệ thông minh (AI) được ứng dụng để chẩn đoán bệnh và theo dõi vật nuôi.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể giúp định danh từng con lợn, trong khi những công nghệ khác lại giám sát trọng lượng, khẩu phần ăn và sức khỏe của chúng. Được biết, Huawei đã bắt tay vào phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Một số “ông lớn” công nghệ khác ở Trung Quốc, trong đó có JD.com và Alibaba, đang phối hợp với các trại lợn để đưa ra các công nghệ mới. Người phát ngôn của Huawei cho biết thêm: “Chăn nuôi lợn là một ví dụ khác về cách thức chúng tôi cố gắng hồi sinh một số ngành công nghiệp truyền thống bằng công nghệ thông tin và truyền thông để tạo ra nhiều giá trị hơn cho các ngành công nghiệp trong kỷ nguyên 5G”.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận