NFT là gì? Ứng dụng của NFT
Thời gian gần đây, NFT là cái tên được truyền thông, báo chí nhắc đến rất nhiều. Đây là một sản phẩm của thời đại công nghệ mới và được dự đoán sẽ bùng nổ với những con số đáng kinh ngạc trong tương lai gần. Vậy NFT là gì? Ứng dụng của công nghệ này ra sao? Các bạn hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
- Ảnh động NFT có giá gần 1 triệu USD
- Cậu bé Ahmed đã kiếm được hơn 350,000 USD nhờ NFT
- Blockchain là gì, công nghệ Blockchain được ứng dụng như thế nào?
1. NFT là gì?
NFT là viết tắt của cụm từ Non-fungible token (tài sản không thể thay thế), đây là đơn vị dữ liệu trên sổ cái kỹ thuật số của blockchain.
Theo khái niệm blockchain thì nó là từ được ghép bởi 2 từ block và chain tức khối và chuỗi. Khi một khối được hình thành, nó sẽ được gắn vào khối trước đó, khối trước đó được gắn vào khối trước nữa, cho đến khối đầu tiên (genesis block), từ đó thì chúng tạo thành một chuỗi.
Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu cho phép truyền tải một cách an toàn dựa trên chức năng mã hóa hash vô cùng phức tạp (hash function).
Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu, từ khi hình thành các khối chuỗi này tương tự như cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà thông tin giao dịch được giám sát chặt chẽ và ghi nhận trên hệ thống mạng ngang hàng.
Có thể hiểu một cách tóm tắt blockchain chính là sổ cái (Distributed Ledger Technology), lưu trữ lại tất cả các giao dịch từng xảy ra trong các khối sắp xếp theo thứ tự thời gian.
Với ngân hàng truyền thống, sổ cái này thuộc về ngân hàng, và chỉ có ngân hàng mới có thể truy cập vào đó (private). Trong blockchain, sổ cái này không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ ai, và ai cũng có thể truy cập (public) và duy trì nó.
Như vậy, nói một cách đơn giản, NFT là loại tài sản số, được xuất hiện trên một chuỗi số (blockchain). Chuỗi này có nhiệm vụ như một sổ cái giúp bảo đảm tính xác thực của tài sản chủ sở hữu.
Mỗi sản phẩm NFT là duy nhất
Hầu hết các tài sản, nội dung kỹ thuật số trước nay đều có khả năng tái sản xuất vô hạn. Nhưng đối với NFT thì sẽ khác, mỗi vật thể sẽ có chữ ký số riêng biệt, vậy nên nó có tính độc nhất.
Mỗi loại NFT được đúc có một mã định danh riêng và thuộc một chủ sở hữu duy nhất. Vì là một tài sản số, NFT cũng sẽ thường được giao dịch bằng tiền điện tử, một vài trường hợp người ta vẫn có thể giao dịch bằng đồng USD.
NFT là một dạng mã hóa để lưu trữ
Bản thân NFT là một loại mã hóa để lưu trữ, giao dịch trên nền tảng số. Khi bạn mua một bức tranh dưới dạng NFT, không có nghĩa là bạn sẽ được cầm tài sản đó về treo trong phòng khác, mà bạn đã thực hiện mua quyền sở hữu của tác phẩm đó.
Tài sản số với giá trị lớn?
Vấn đề nảy sinh ở đây là “ai cũng có thể tải miễn phí hoặc có thể xem một bức tranh trên internet. Nhưng tại sao lại có người bỏ ra rất nhiều tiền chỉ để nắm quyền sở hữu nó?
Để dễ hiểu bạn hãy nghĩ đến bức họa nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo de Vinci. Chúng ta dễ dàng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó chỉ với một vài thao tác tìm kiếm, thậm chí nếu muốn bạn có thể in ra, vẽ lại, sao chép,… Nhưng chỉ có duy nhất bức tranh gốc được trưng bày tại bảo tàng Louvre mới là bản gốc có giá trị thực sự(nó đang được định giá khoảng 700 triệu USD).
Giá trị của NFT nằm ở quyền sở hữu độc quyền
Tương tự như vậy, giá trị của loại token này không phải nằm ở sản phẩm sưu tầm, mà là ở quyền sở hữu độc quyền của chúng, được bảo đảm và chứng nhận bởi chuỗi blockchain.
Một người hoàn toàn có thể tạo ra các NFT từ sản phẩm kỹ thuật số và bán nó; các hoạt động, giao dịch, chuyển nhượng đối với NFT đều được lưu lại trên sổ cái kỹ thuật số của blockchain phi tập trung dưới chế độ công khai.
Bất kỳ ai cũng có thể truy xuất, xác minh nguồn gốc và quyền sở hữu của tài sản. Qua đó có thể tránh được việc sao chép, đạo, nhái, làm giả một sản phẩm nào đó.
2. Ứng dụng của NFT
NFT có thể được sử dụng đa dạng trong rất nhiều lĩnh vực như trò chơi điện tử: vật phẩm game, giao diện... hoặc trong lĩnh vực nghệ thuật như: âm nhạc, trang ảnh, video... hay bất cứ sản phẩm nào được thể hiện dưới dạng kỹ thuật số.
NFT tạo điều kiện cho người sáng tạo nội dung kiếm thêm thu thập
Công nghệ blockchain và NFT tạo điều kiện cho những người sáng tạo nội dung cơ hội để kiếm thu nhập từ sản phẩm của họ mà không phải thông qua bên thứ ba. Game thủ có thể chế tạo, chơi game, trao đổi vật phẩm và bán chúng; các album, bài hát tiếp cận với người nghe mà không phải thông qua iTunes, Spotify…
Việc không phải làm việc với bên trung gian, nên lợi nhuận chủ sở hữu tài sản sẽ thu về lợi nhuận lớn hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể được trả tiền các sản phẩm NFT được bán sang cho chủ sở hữu mới.
Cơ hội để sưu tầm những sản phẩm độc đáo
Đối với người có nhu cầu mua, đây là cơ hội để họ sưu tầm những sản phẩm giới hạn, độc đáo. Những người này sẽ có toàn quyền khai thác, sử dụng các tài sản đó, kể cả bán lại cho người khác.
Giao dịch này hoàn toàn khác với khi ta mua nhạc trên các nền tảng, các tác phẩm nhạc được mua trên mạng thì bạn chỉ có quyền sử dụng chứ không thể chuyển nhượng hay bán chúng.
NFT có phải là tài sản tương lai?
Thị trường NFT đang trở nên “khiêu gợi” cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ và sự phổ biến của khái niệm Metaverse (vũ trụ ảo). Mới đây, tại hội nghị Connect, công ty mẹ của Facebook là Meta đã có đoạn video ngắn giới thiệu về vũ trụ ảo, trong đó nội dung của video có nhắc đến NFT như một mảnh ghép quan trọng trong việc xây dựng Metaverse.
Trong nghệ thuật, nhóm nhạc đình đám Kpop là BTS cũng đã công bố kế hoạch ra mắt bộ NFT của riêng họ. Theo thông tin từ HYBE (công ty chủ quản của BTS) sẽ phát hành thẻ ảnh của các thành viên nhóm nhạc dưới dạng NFT với công nghệ bảo mật blockchain, họ cũng dự định ra mắt truyện tranh, trò chơi điện tử và tiểu thuyết mạng liên quan đến BTS.
Tuy nhiên, cũng có điểm giống tiền điện tử, nó đã xuất hiện hơn 10 năm trên thế giới và đã có những khẳng định tích cực đối với nền kinh tế thế giới. Dù vậy thì sự an toàn và tương lai của loại tài sản này vẫn rất là một con số bí ẩn.
Như vậy, Non-Fungible Token có là tương lai của những loại tài sản hay không thì vẫn chưa ai có thể chắc chắn được. Về tính hợp pháp của NFT khiến chúng ta băn khoăn bởi chúng được trao đổi trên nền tảng blockchain của tiền điện tử, vốn vẫn chưa được chấp thuận ở phần lớn các quốc gia.
3. Kết luận
Mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh NFT, nhưng chúng ta phải công nhận rằng, khi nền kinh tế số dần mở rộng và trở thành xu hướng tất yếu, NFT vẫn tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm. Mong rằng bài viết sẽ mang đến những hiểu biết cơ bản và những thông tin hữu ích, để các bạn có thể tiến xa hơn trên con đường chinh phục tri thức.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận