Tranh cãi về sự nguy hiểm của điện toán lượng tử so với AI
Một số chuyên gia đánh giá công nghệ lượng tử là mối đe dọa lớn đối với nhân loại, nhưng số khác lại tin AI mới cần bị kiểm soát.
- IBM giới thiệu máy tính lượng tử đầu tiên tại châu Âu
- Đổi mới sáng tạo, kiến tạo năng lượng tương lai
- Gương mặt giả - Mặt hàng mới trên internet được phát triển bởi công nghệ AI
Từ lâu, không ít chuyên gia cho rằng AI rất nguy hiểm và liệt vào danh sách các công nghệ cần phải kiểm soát. Tuy nhiên, ngày 21/8, nhà báo kiêm chuyên gia công nghệ Vivek Wadhwa và Mauritz Kop, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Stanford, có bài viết trên tạp chí Foreign Policy, nhấn mạnh điện toán lượng tử nguy hiểm hơn AI.
Điện toán lượng tử nguy hiểm hơn AI?
"Bất chấp những cường điệu xung quanh AI rằng chúng có tri giác, công nghệ này chưa thể đi vào cuộc sống. Nó thậm chí không thành công khi thực hiện các tác vụ đơn giản hàng ngày, chẳng hạn khi điều khiển phương tiện giao thông và đối mặt với tình huống bất ngờ đòi hỏi trực giác. Lúc này AI không thể làm gì, còn con người chỉ cần tư duy ở mức thấp đã có thể xử lý", hai tác giả mở đầu bài viết.
CEO Sundar Pichai (trái) đứng cạnh một trong những máy tính lượng tử của Google, tháng 10/2019. Ảnh: Reuters
Theo Wadhwa và Kop, AI hiện chỉ là một công nghệ thô sơ được thổi phồng. Trong khi đó, điện toán lượng tử có tác động tiềm tàng lớn hơn nhiều. Sức mạnh của nó thậm chí ngày càng vượt trội nếu được kết hợp với chính công nghệ AI.
"Dù vẫn còn sơ khai, tính toán lượng tử hoạt động theo nguyên lý rất khác so với máy tính hiện nay. Nếu các dự án hiện có trên khắp thế giới thành công, các cỗ máy này sẽ vô cùng mạnh mẽ, thực hiện các nhiệm vụ chỉ trong vài giây mà máy tính thông thường phải mất hàng triệu năm mới thực hiện được", Wadhwa cho biết.
Máy tính lượng tử hiện xử lý thông tin theo cách khác biệt. Với máy tính thông thường, dữ liệu được mã hóa thành số nhị phân (bit) và gán cho hai giá trị Tắt và Mở, tương ứng là 0 và 1. Nó chỉ có thể xử lý lần lượt một trong hai giá trị 0 hoặc 1. Trong khi đó, máy tính lượng tử sử dụng đơn vị tính toán gọi là qubit, cho phép tồn tại đồng thời ở nhiều trạng thái như 1-0, 1-1, 0-1 và 0-0 cùng lúc, từ đó lượng thông tin được xử lý nhanh hơn nhiều máy tính bình thường.
"Nếu vật lý lượng tử rời khỏi giai đoạn thử nghiệm để ứng dụng hàng ngày, nó sẽ làm được rất nhiều thứ và thay đổi nhiều khía cạnh cuộc sống", bài viết nêu. "Với sức mạnh tính toán đó, máy tính lượng tử có thể nhanh chóng thu thập lượng dữ liệu khổng lồ, áp đảo bất kỳ hệ thống nào hiện nay".
Tuy nhiên, cả hai lo ngại công nghệ này sẽ bị lợi dụng cho những mục đích bất chính, như chế tạo các loại vật liệu, vũ khí sinh học mới độc hại hơn. Nhưng nguy cơ tiềm tàng nhất là bẻ khóa hệ thống mật khẩu hoặc mã hóa dữ liệu.
Thực tế, sức mạnh giải mã của máy tính lượng tử là vô hạn. Cyber News lấy ví dụ, nếu các đơn vị tình báo được trang bị máy tính lượng tử, họ có thể phá vỡ mã hóa RSA 2048-bit trong chưa đầy 8 tiếng. Trong khi đó, nếu đưa nhiệm vụ tương tự cho siêu máy tính nhanh nhất thế giới và thực hiện giải mã bằng kỹ thuật truyền thống, cỗ máy này có thể mất khoảng 300 nghìn tỷ năm mới vượt qua.
Các cơ quan quản lý cũng bắt đầu nhận thức về vấn đề này. Tổ chức Tiêu chuẩn và Công nghệ (NIST) thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã nghiên cứu cái gọi là Mật mã kháng lượng tử, trong đó phát triển hệ thống mật mã an toàn để chống lại cả khả năng bẻ khóa của máy tính lượng tử.
Điện toán lượng tử cũng đang dần xuất hiện trong doanh nghiệp. Theo dự đoán của IDG, khoảng 25% công ty trong danh sách Fortune 500 có thể dùng máy tính lượng tử trong ba năm tới. "Chúng có thể đẩy nhanh các quá trình về giải mã, thu thập dữ liệu và vi phạm quyền riêng tư. Thậm chí, sẽ có sự chạy đua vũ trang giữa các công ty với nhau", trang Deloitte bình luận.
Theo Wadhwa và Kop, các chính phủ trên thế giới cần tính đến chuyện kiểm soát sự phát triển của điện toán lượng tử vì công nghệ này "có nguy cơ tiềm tàng" hơn hẳn AI nếu bị sử dụng sai mục đích.
Ý kiến phản đối
Sau ý kiến của Wadhwa và Kop, chuyên gia hệ thống thông tin Tristan Greene phản bác. "Tôi đồng ý với quan điểm lượng tử có tiềm năng trở thành công nghệ có tác động lớn, thậm chí khiến lịch sử sang trang. Nhưng nỗi lo về mối đe dọa của nó có thể là thừa", Greene nêu trên The Next Web.
Lấy ví dụ về việc giải mã các dữ liệu bí mật, ông cho rằng máy tính lượng tử chỉ nhằm mục đích tăng tốc. Trong khi đó, hiện thế giới đã có những cách thức để giảm thiểu mối đe dọa từ việc giải mã lượng tử. Quan trọng hơn, chi phí hàng tỷ USD cho một cỗ máy lượng tử cũng là rào cản lớn mà không phải ai cũng có thể đầu tư. Với các tổ chức hoặc phòng thí nghiệm đã sở hữu loại máy này, họ cũng đang phải chịu sự quản lý và kiểm soát của cơ quan quản lý cấp chính phủ.
"Vậy tác hại tiềm tàng mà máy tính lượng tử có thể gây ra là gì? Theo tôi, nó sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề sẽ đưa vào phân tích, như sai lệch thuật toán", Greene nói. "Điện toán lượng tử giống như một phản ứng tổng hợp. Nó có khả năng gây ra tác hại lớn ở quy mô chưa từng có, nhưng chi phí đầu vào đủ cao để ngăn phần lớn mọi người trên hành tinh tiếp cận".
Trong khi đó, ông cho rằng AI hiện phổ biến hơn nhiều. Với Internet và một chiếc máy tính, mỗi người có thể tự lên mạng, tải AI về và trải nghiệm. "Chỉ với một chút chuyên môn và kỹ năng, mỗi người đều có thể học cách xây dựng và triển khai mô hình AI", Greene nhấn mạnh. "Khả năng tiếp cận dễ dàng của AI khiến nó trở thành mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu đối với từng con người trên Trái đất".
Không chỉ Greene, nhiều người cũng lo ngại AI có thể gây hại cho nhân loại nếu sử dụng sai cách. Trò chuyện tại nhà máy Tesla ở California đầu năm nay, tỷ phú Elon Musk cho biết nỗi sợ hãi lớn nhất của ông là "AI hoạt động sai". Hồi tháng 3/2018, ông cũng nhấn mạnh "AI nguy hiểm hơn hạt nhân nhiều".
Trong tháng 8, giới công nghệ cũng liên tục tranh cãi sau khi Blake Lemoine, cựu chuyên gia AI của Google, kết luận chatbot thông minh LaMDA mà Google đang phát triển "có tư duy của một đứa trẻ".
Nhiều người cho rằng AI hiện nay chỉ đơn giản phản hồi lệnh mà người dùng đưa vào sao cho phù hợp dựa trên khối lượng dữ liệu khổng lồ đã có. Tuy nhiên, không ít chuyên gia nhận định "AI có tư duy hoàn toàn có thể xuất hiện trong 10-20 năm nữa, nên các chính phủ cần kiểm soát loại công nghệ này chặt chẽ hơn so với hiện tại".
Trong khi đó, điện toán lượng tử mới ở giai đoạn sơ khai dù phát triển nhanh. Hiện máy tính lượng tử do công ty QuEra chế tạo được cho là mạnh nhất hiện nay với 256 qubit, cao hơn Jiuzhang 2 của Trung Quốc với 66 qubit. Cuối năm ngoái, IBM cũng ra mắt chip lượng tử Eagle với 127 qubit nhưng chưa áp dụng trên hệ thống nào. Hãng cũng dự định ra Quantum Osprey 433 qubit năm nay và Quantum Condor 1.121 qubit vào năm sau.
Theo VnExpress
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận