Bộ Công Thương lại đề xuất rút phương án “điện một giá”
Ngày 18/8, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp bàn về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014, được Bộ đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia và người dân trong thời gian qua. Tại cuộc họp, sau khi tính toán và cân nhắc, nhiều ý kiến đã đề xuất rút phương án “điện một giá”.
- Người tiêu dùng có thể lựa chọn phương án điện một giá
- Điện một giá - Người dùng ít điện sẽ chịu thiệt
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, vừa qua, Cục Điều tiết điện lực đã đưa ra dự thảo biểu giá điện bán lẻ với 2 phương án biểu giá điện gồm 5 bậc thang và biểu giá điện một giá để lấy ý kiến dư luận.
Sau khi Bộ Công Thương đưa ra các phương án lấy ý kiến rộng rãi dư luận, Bộ nhận được nhiều ý kiến. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào các phương án 2A, 2B (có lựa chọn điện một giá) đem lại khách hàng nhiều sự lựa chọn, nhưng có điểm hạn chế khi không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, trong khi đây là chủ trương lớn của Chính phủ.
“Vì vậy, Cục Điều tiết điện lực kiến nghị cho rút các phương án giá điện một giá tại phương án 2A và 2B. Thứ hai, tiếp tục giảm số bậc thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc và điều chỉnh phù hợp với nhu cầu sử dụng điện của nhân dân”, ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất.
Cũng theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, phương án điện một giá, qua tính toán của Đề án thì dự kiến, phương án giá này có tỷ lệ hộ tiêu dùng điện áp dụng rất ít, chỉ khoảng 2% trong tổng số hộ. Số các hộ có thể lựa chọn có lợi trong việc sử dụng điện một giá. Đó là phương án chưa được phổ biến lắm.
Ảnh minh họa
Ông Dũng cho rằng, số ít các hộ này là những người có thu nhập cao, không bị ảnh hưởng bởi mức độ tiêu thụ điện nhiều, lại được giảm tiền điện khi lựa chọn phương án điện một giá thì chủ trương khuyến khích tiết kiệm điện sẽ không đảm bảo được. Đây là khiếm khuyết trong phương án này. Rất nhiều chuyên gia và người dân không đồng tình với phương án này.
“Chính vì vậy, cá nhân tôi cũng đề xuất nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, không đưa phương án này trong đề xuất báo cáo Chính phủ lần này. Còn với phương án 5 bậc thì hợp lý vì đảm bảo lợi ích của các bên, khuyến khích tiết kiệm điện, đảm bảo chính sách hỗ trợ hộ nghèo… Việc phải làm là cải tiến hệ thống đo đếm, ghi chỉ số để hạn chế sự sai sót của con người trong đo đếm chỉ số công tơ”, ông Hoàng Tiến Dũng nói.
Tại cuộc họp, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và pPát triển bền vững (Bộ Công Thương) cũng đồng tình rút phương án điện một giá. Ông Kim đề xuất, cần có cơ sở rõ hơn để làm rõ một số nội dung, cách tính khoảng cách giữa các biểu giá mà dư luận quan tâm. Phân tích kỹ hơn các phương án 5 bậc, 4 bậc, và có thể là 3 bậc…
Đồng thời, có sự giám sát trong việc thực hiện, áp dụng các chỉ số đo xa, ghi chỉ số chuẩn, chốt chỉ số, xác định giá điện chính xác, tránh sự ảnh hưởng con người trong quá trình vận hành. Cục Điều tiết điện lực có thể phối hợp với EVN để xây dựng giá điện bán lẻ tốt nhất, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, biểu giá điện nào cũng phải đảm bảo các yếu tố: hỗ trợ các hộ nghèo, chính sách; đảm bảo đủ điện cho đời sống hoạt động, sinh hoạt người dâ; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Việc đề xuất điện một giá sẽ thêm lựa chọn cho khách hàng, nhưng số lượng người được hưởng lợi, cũng như lựa chọn phương án này còn ít. Do vậy, có thể bỏ phương án điện một giá ra khỏi Đề án, báo cáo Chính phủ.
Tiếp thu những ý kiến tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, về biểu giá điện, Cục sẽ tiếp thu và sửa đổi để đảm bảo các nguyên tắc đưa ra. Ngoài ra, Cục định hướng đẩy mạnh phát triển công tơ điện tử và đo xa, nếu trang bị được thì các địa phương lớn như Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh,... có thể chính xác hơn trong việc này. Từ nay đến 2025, vì liên quan kinh phí tương đối lớn, nên sẽ có kế hoạch dài hạn.
Trao đổi tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nắng nóng thời gian qua khiến tiêu thụ điện tăng cao, khiến tiền điện người dân trả rất lớn, chưa kể bộc lộ về ghi chỉ số công tơ, tính toán tiền điện. Từ đó, Bộ Công Thương đã tập trung nghiên cứu, xây dựng ngay biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, để giải quyết vướng mắc liên quan tiền điện của người dân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, biểu giá điện phải đảm bảo nguyên tắc của Chính phủ, bên cạnh thỏa mãn nhu cầu người dân trong đời sống sinh hoạt, chế độ chính sách cho người nghèo thì còn hướng đến sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Các doanh nghiệp ngành điện như EVN cũng phải đảm bảo có biên độ lợi nhuận đủ để tái đầu tư cho phát triển năng lượng quốc gia. Vì vậy, xây dựng biểu gía bán lẻ điện sinh hoạt luôn là trọng tâm của Bộ và các bộ, ngành liên quan.
Qua phản ánh của chuyên gia và người dân, dư luận đang băn khoăn và lo lắng về điện một giá. Cơ chế điện một giá đang đánh đồng người dùng nhiều và dùng ít, cùng chung một mức giá. Việc này đi ngược với chính sách an sinh của nhà nước và khuyến khích tiết kiệm điện.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, điện một giá có thể thực hiện được, nhưng phải có các điều kiện khác đi kèm như có thị trường điện cạnh tranh và chính sách của nhà nước, như hỗ trợ các hộ nghèo…, lúc đó cơ chế điện một giá mới có ý nghĩa. Nếu không sẽ có tác động mạnh đến xã hội. Phương án điện một giá cần có cơ sở nhất định, hiện nay chưa phù hợp để áp dụng.
Kết thúc cuộc họp, Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo, Cục Điều tiết điện lực cần tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân để tiếp cận đầy đủ với các quan điểm của xã hội, xây dựng biểu giá bán lẻ điện đảm bảo yêu cầu, các nguyên tắc căn bản. Cục Điều tiết Điện lực lắng nghe, tiếp thu, phân tích làm rõ các ý kiến đóng góp... Trên cơ sở đó hoàn chỉnh phương án đơn giản nhất, hiệu quả nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, giá điện bình quân không thay đổi, cho dù giá đưa ra là 3 bậc, 5 bậc... Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không có cách khác được ngoài giá điện bậc thang. Nhưng những bậc thang như thế nào, giá ra sao, thì phải nghiên cứu thực hiện.
"Thứ hai, tổ công tác của Cục Điều tiết điện lực phải bổ sung người của các tổ chức khác để cùng tham gia, nhất là Bộ lao động thương binh và xã hội, để đảm bảo mọi khía cạnh. Sau khi làm rõ, hoàn thiện biểu giá, sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia để có độ xác thực cao, tính khả thi của các phương án, trước khi có báo cáo cuối cùng lên Chính phủ", Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Các phương án đưa ra của Bộ Công Thương gồm: Phương án 1 (5 bậc), ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành; giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101-200 kWh; ghép các bậc từ 201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới; tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: 401-700 kWh và trên 700 kWh.
Phương án 2, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như trên và giá bán lẻ điện một giá. Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá; trong đó, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700 kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.
Ở phương án 2 này, Bộ đưa ra 2 kịch bản (2A và 2B), với kịch bản 2A, Bộ Công Thương trình 5 bậc giá, lần lượt bằng 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 141% (bậc 3), 160% (bậc 4), 274% (bậc 5) so với giá bán lẻ điện bình quân. Nếu không chọn tính theo bậc thang, khách hàng có thể chọn điện một giá với mức giá bán bằng 145% so với giá bán lẻ điện bình quân.
Kịch bản 2B, Bộ Công Thương chia các bậc tương tự như phương án 1, nhưng giá bán thay đổi, lần lượt là: 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 141% (bậc 3), 160% (bậc 4), 185% (bậc 5) so với giá bán lẻ điện bình quân. Phương án điện một giá được đề xuất với giá bán lẻ bằng 155% so với giá bán lẻ điện bình quân...
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận