Cách cai nghiện điện thoại tại Trung Quốc
Trên Douban, một trang mạng xã hội ở Trung Quốc, có một nhóm được gọi là "Tránh xa màn hình điện thoại", thành lập năm 2020. Nhóm hiện có hơn 30.000 thành viên đang nỗ lực cai nghiện điện thoại, theo South China Morning Post.
Ảnh minh họa: Internet
Do ngày càng có nhiều người lo ngại việc dành quá nhiều thời gian cho điện thoại di động và đang vật lộn để bỏ thói quen này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giúp người dùng vượt qua cơn nghiện điện thoại đang phát triển mạnh.
"Thị trường này có triển vọng phát triển vì hiện có nhiều ứng dụng khiến người dùng khó lòng rời mắt một khi họ truy cập", Liu Yang (36 tuổi), chủ sở hữu Shiguang Box chuyên bán "hộp cách ly điện thoại", được quảng cáo là sẽ giúp khách hàng giảm thời gian sử dụng món đồ công nghệ này.
Chiếc hộp này sẽ giúp chủ nhân tách khỏi chiếc điện thoại với 4 bước đơn giản: mở hộp, đặt điện thoại vào trong, đóng lại và đặt khóa hẹn giờ. Khách hàng chỉ có thể mở hộp ra khi thời gian hẹn giờ kết thúc.
Theo Liu, anh nhận được tới 800 đơn hàng mỗi ngày và bán được tới 2.000 loại hộp khác nhau mỗi tháng trên trang mua sắm trực tuyến Taobao.
Liu cho biết hầu hết khách hàng của anh là học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp hoặc tuyển sinh đại học, vẫn có khách ở độ tuổi 30, 40 hoặc thậm chí lớn tuổi hơn.
"Một khách hàng đã cảm ơn tôi vì cô ấy có thể ngủ lâu hơn, ngon hơn sau khi sử dụng hộp", Liu nói, cho biết thêm một số người thậm chí còn đặt hàng các mẫu hộp tự thiết kế, in những dòng chữ động viên bên trên.
Ngoài "hộp cách ly", người nghiện điện thoại đã sử dụng nhiều phương pháp khác để giảm thời gian cắm mặt vào màn hình, một trong số đó là hoàn toàn không sử dụng chúng. Đây cũng là cơ hội kinh doanh cho một số mẫu điện thoại cũ như BlackBerry.
Bi Andi (29 tuổi) đã mua chiếc BlackBerry 9000 được sản xuất lần đầu năm 2008 với giá chưa đến 400 nhân dân tệ (63 USD) để thay thế cho chiếc iPhone 4S của cô vào năm 2015. Khi đó, Bi đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc.
"Tôi đã chi 800 nhân dân tệ (127 USD), khoảng 3/4 phí sinh hoạt hàng tháng, để thuê một chỗ ở phòng tự học. Tôi không muốn lãng phí bất cứ phút nào trên điện thoại".
Tuy nhiên, vì điện thoại thông minh được sử dụng rất rộng rãi, hầu hết mọi người không thể từ bỏ chúng hoàn toàn.
"Cách truyền thống không có tác dụng đối với cơn nghiện điện thoại của tôi vì tôi cần dùng một số ứng dụng cho công việc và cuộc sống hàng ngày, ví dụ như ứng dụng giao đồ ăn và mạng xã hội. Chiến lược bỏ điện thoại thông minh phổ biến hơn trong giới học sinh", Bi giải thích.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận