Đề xuất cải thiện quy định công nhận chức danh GS và PGS: Nên giao quyền cho các Trường Đại học
Nhiều chuyên gia cho rằng những quy định công nhận chức danh giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) hiện nay vẫn còn khá nhiều bất cập, đồng thời đề nghị giao quyền cho các Trường Đại học làm việc này.
Sau khi đạt chuẩn, ứng viên sẽ được cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm chức danh PGS. Trong ảnh: Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trao quyết định bổ nhiệm chức danh PGS năm 2022 cho giảng viên của trường - Ảnh: TRẦN HUỲNH.
Từ thực tiễn hoạt động của hội đồng GS các cấp, hiện nay chúng ta cần cải thiện nhiều nội dung. Trước hết cần có quy định chuẩn mực về tính liêm chính khoa học và nghiêm khắc đối với đạo văn (định nghĩa, hành vi, giám sát và phương thức, mức độ xử lý).
Hội đồng GS nhà nước công nhận danh sách tạp chí khoa học quốc tế chất lượng hằng năm và kịp thời cập nhật theo thông tin chính thống từ các tổ chức theo dõi chất lượng khoa học quốc tế. Việc công nhận tuân theo các quy định quốc tế. Hội đồng nào thẩm định chưa chính xác phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.
Cá nhân vi phạm liêm chính khoa học, trước, trong và sau khi được công nhận chức danh, sẽ bị xem xét và theo quy định, xử lý đúng mức, kể cả thu hồi công nhận chức danh, ngay khi phát hiện và kiểm chứng sự việc dù đã được công nhận chức danh.
Công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế là sinh hoạt học thuật và là công việc bình thường ở trường đại học, viện nghiên cứu. Tuy nhiên hiện nay, cùng với xếp hạng đại học và yêu cầu ngày càng cao về công bố quốc tế, nhất là ở các nước đang phát triển, thì sự minh bạch, liêm chính trong công bố khoa học bị "nhiễm khuẩn".
PGS.TS Phan Thanh Bình
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì vấn đề đảm bảo liêm chính khoa học và cần có quy định và hướng dẫn thực hiện liêm chính khoa học trong toàn hệ thống, yêu cầu các cơ sở đào tạo phải có quy chế về liêm chính trong nội bộ đơn vị và có hội đồng liêm chính để xử lý các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, ần làm rõ nhiệm vụ của chức danh GS, PGS. Cần có quy định GS, PGS định kỳ báo cáo hoạt động chuyên môn của mình sau khi được bổ nhiệm chức vụ với các đơn vị quản lý.
Từ những nhận thức về vấn đề liêm chính khoa học và tác động đến quá trình công nhận chức danh GS, PGS như trên, tôi kiến nghị nên nghiên cứu để chuyển giao việc xét duyệt và công nhận GS và PGS về cho cơ sở thực hiện theo những quy chuẩn chung. Hội đồng GS nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn, quy định và giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm, khiếu kiện trong quá trình xét duyệt và công nhận GS, PGS của các cơ sở.
Mới đây, GS.TS Võ Văn Tới (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM) đã chia sẻ với Báo chí:
Giao các trường công nhận nhưng phải kiểm soát chặt
Ở Mỹ, chức danh PGS, GS đều do các trường đại học bổ nhiệm. Các trường được toàn quyền tự phong PGS, GS nhưng phải thông qua một hội đồng GS với luật định rất chặt chẽ. Những quy định này được nhà trường đặt ra, nhưng phải được hội đồng GS chấp nhận. Ngoài ra khi nhà trường muốn xét bổ nhiệm PGS, GS cho người nào đó, không phải chỉ nội bộ nhà trường xem xét quyết định mà họ còn lấy ý kiến của người bên ngoài. Sau đó, hội đồng trường sẽ mời một trong số những GS đã tham gia đánh giá hồ sơ của ứng viên đến trao đổi với hội đồng để đưa ra quyết định cuối cùng.
Ở các nước, GS của một trường đại học có thứ hạng thấp có thể được nhận vào làm việc ở trường đại học có thứ hạng cao hơn (tất nhiên phải qua hội đồng tuyển dụng), nhưng người đó không được công nhận GS mà phải làm lại từ đầu. Ở Việt Nam, chức danh PGS, GS do Nhà nước bổ nhiệm được thực hiện với quy định tiêu chuẩn, thủ tục bài bản, nhưng thực tế tôi thấy có những người xứng đáng nhưng lại chưa được bổ nhiệm. Theo tôi, Nhà nước nên giao quyền cho các trường đại học tự làm việc này.
GS.TS Nguyễn Ngọc Châu (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát.
Thông thường để có bài báo cần thời gian khác nhau giữa nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, nhưng nhanh nhất cũng cần 3 - 12 tháng từ lúc xây dựng ý tưởng nghiên cứu, thu thập số liệu, xử lý số liệu, viết bài, nộp bài, sửa bài đến lúc công bố. Do vậy, nếu một ứng viên PGS 10 năm không có công bố quốc tế trong khi chỉ sáu tháng đầu năm 2023 lại có tới năm bài thì chắc chắn là bất bình thường. Một nhà khoa học giỏi cũng không thể sản xuất và công bố bài báo SCI-E với năng suất như vậy. Trừ trường hợp nhà khoa học cùng lúc có nhiều đề tài hợp tác quốc tế, do nhiều người viết mà ứng viên là đồng tác giả.
Thực ra quy định "đếm bài SCI-E/SCOPUS để tính điểm" cũng chỉ là một tiêu chí mà thôi. Để trở thành GS, PGS còn cần hàng chục tiêu chí khác mà ứng viên phải đáp ứng (như H-index - mức độ ảnh hưởng tích lũy của một nhà khoa học - của ứng viên). Và điều quan trọng nhất là hội đồng GS các cấp và người được phân công thẩm định hồ sơ của ứng viên, dư luận cộng đồng khoa học, báo chí cũng có vai trò không nhỏ.
Sản phẩm nghiên cứu gồm bài báo công bố (original research papers) và phát minh sáng chế (patents) cùng với chỉ số tham khảo (citation index) dùng để đánh giá, xếp loại tạp chí khoa học trên toàn thế giới. Số lượng bài báo và sáng chế phát minh không chỉ là thước đo quan trọng năng lực của nhà khoa học (H-index) mà còn là chỉ số cơ bản đánh giá năng lực của tổ chức khoa học công nghệ, rộng lớn hơn là năng lực khoa học và đổi mới quốc gia. Theo tôi, những quy định xét công nhận chức danh đạt tiêu chuẩn chức danh PGS, GS hiện nay vẫn còn khá nhiều bất cập. Việc hoàn thiện các quy định như tăng cường kiểm tra, giám sát cả ứng viên và hội đồng GS các cấp là yêu cầu thực tế cấp thiết.
Có sự chạy chọt ở hội đồng GS cấp cơ sở
Để viết và công bố một bài báo khoa học chất lượng và đăng được trên một Tạp chí quốc tế uy tín đòi hỏi mất nhiều công sức nghiên cứu khoa học. Thời gian có khi kéo dài cả 6 tháng đến 1 năm nếu thấy đạt được yêu cầu thì mới xuất bản. Thực tế đang cho thấy không ít ứng viên GS, PGS có quá trình nghiên cứu không liên tục và cố "chạy" bài báo để làm hồ sơ rất bất thường và tính liêm chính khoa học dễ bị nghi ngờ.
Hiện vẫn còn những hồ sơ ứng viên dưới sàn quy định "lọt lưới". Theo tôi, đó là trách nhiệm của các hội đồng GS cơ sở đã bỏ qua quy định của Hội đồng GS nhà nước. Việc này có thể do vô ý do năng lực hạn chế và rất có thể do "tình cảm" vì nể "anh dễ cho người của tôi, tôi dễ cho người của anh", có sự chạy chọt ở hội đồng GS cấp cơ sở.
Để đạt được chức danh GS, PGS đòi hỏi ứng viên nhiều năng lực và phẩm chất. Việc không biết tạp chí dỏm, không phù hợp với chuyên ngành của mình như giải thích của một số ứng viên cho thấy phẩm chất rất có vấn đề và cần loại vĩnh viễn những hồ sơ đó ra khỏi quá trình đăng ký xét duyệt.
Thực tế cho thấy hội đồng cơ sở có chất lượng thẩm định không cao. Nên chăng phải có quy định về năng lực chuyên môn của thành viên hội đồng, có thể mở rộng đối tượng trở thành thành viên chỉ cần có học vị tiến sĩ, nhất là những người được đào tạo xuất sắc ở nước ngoài, vì không cứ GS đã là giỏi, không phải "cứ lấp lánh ngỡ là vàng".
TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT).
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng