Dự báo xâm nhập mặn 4.0 - Công nghệ khống chế "mẹ thiên nhiên"
Trước tình hình xâm thực của nước biển ngày càng gia tăng, các chuyên gia nhận định việc áp dụng công nghệ 4.0 vào quá trình dự báo về xâm nhập mặn sẽ giúp cơ quan quản lý cùng với người dân sẽ có những giải pháp ứng phó kịp thời để tăng cường hiệu quả canh tác.
- Công nghệ phát hiện sớm hạn hán tại Thái Lan, giúp ngầm hiểu giá nông sản tăng cao
- Đông Nam Á đã từng chịu siêu hạn hán cách đây 1.000 năm
Theo GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, thời gian qua, tình hình hạn mặn khó dự đoán gây ra bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tình hình sản xuất của người dân và nhiều doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long. Thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất đã trở thành mối đe dọa thường xuyên đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh, thành trong khu vực, không còn là chu kỳ vài năm mới xảy ra một đợt. Do vậy, ứng dụng công nghệ 4.0 trong dự báo về biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn mang lại hiệu quả tích cực cho các tỉnh thành, người dân có biện pháp ứng phó kịp thời khi hạn mặn xảy ra.
Theo đó, Trường Đại học Thủy lợi đã phát triển phần mềm dự báo mức độ xâm nhập mặn trên sông Mê Kông (http://waterdata.vn/mekong/mrss) mang lại lợi ích cho các nhà quản lý, vận hành, các cơ quan dự báo khí tượng mà bất kỳ người dân nào có nhu cầu đều có thể sử dụng để cập nhật nhanh chóng về tình hình hạn mặn.
Dự báo xâm nhập mặn bằng công nghệ sẽ là giải pháp tối ưu cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
PGS.TS Nghiêm Tiến Lam, Trưởng Bộ môn Quản lý Tổng hợp vùng ven biển, Đại học Thủy Lợi, người trực tiếp triển khai, phát triển ứng dụng dự báo hạn mặn cho biết, đây là một trong các module của phần mềm biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, giúp mô phỏng sự biến đổi lưu lượng, chất lượng nước và vận chuyển bùn cát ở cửa sông, hệ thống tưới, kênh dẫn và các hệ thống dẫn nước khác tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Lam, phần mềm đã khắc phục được nhiều hạn chế của các bản tin dự báo trước đây về độ phân giải theo không gian và thời gian. Thay vì chỉ cho kết quả tại một số vị trí trọng yếu và chỉ cho giá trị lớn nhất theo tuần, với phần mềm này có thể dự báo chi tiết về mức nước, độ mặn lên tới từng giờ tại bất cứ khu vực nào tại Đồng bằng sông Cửu Long trong khoảng thời gian lên tới 30 ngày.
Bên cạnh đó, với nhiều ưu điểm mới về không gian, thời gian, các dữ liệu luôn được cập nhật nhanh chóng, phần mềm dự báo hạn mặn được kỳ vọng sẽ là công cụ đắc lực, không chỉ đưa ra dự báo về một khu vực mà còn là cái nhìn toàn thể về vùng, từ đó hỗ trợ các sở, ban, ngành địa phương sớm có phương án đối phó, hỗ trợ người trong dân sinh hoạt, sản xuất.
Đặc biệt, phần mềm được tối ưu hóa đơn giản cho người dùng thông qua các hình ảnh và biến động trực quan nhằm phổ biến đến mọi đối tượng sử dụng, không chỉ bó hẹp trong các đơn vị nghiên cứu hoặc các cơ quan quản lý mà hướng tới để mỗi người dân, mỗi gia đình đều có thể theo dõi và chủ động trước các diễn biến của hạn mặn tại địa phương.
Tại buổi hội thảo, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch hội Cấp thoát nước Việt Nam đã đánh giá cao về tính ứng dụng thực tế, có giá trị thiết thực của phần mềm dự báo hạn mặn. Đây chính là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0, không chỉ góp phần giúp các sở ban, ngành địa phương và người dân chủ động trong việc ứng phó với thiên tai mà còn là nguồn dữ liệu hỗ trợ rất lớn trong việc nghiên cứu, dự báo và chống biến đổi khí hậu.
Hiện mô hình đang được đưa vào ứng dụng trong việc đo đạc độ mặn, theo dõi sát diễn biến của hạn mặn, phục vụ cho công việc sản xuất tại các nhà máy nước sạch của DNP Water.
Sau những kết quả ban đầu, Đại học Thủy lợi sẽ tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các số liệu, hiệu chỉnh tính năng ngày càng hoàn thiện, hướng tới mục tiêu có thể cung cấp miễn phí đến người dân và các nhà quản lý khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để kịp thời ứng phó hạn mặn trong thời gian tới đây.
Phó Tổng giám đốc Công ty DNP Water Vũ Anh Tuấn thông tin, ứng dụng phần mềm dự báo hạn mặn đã hỗ trợ rất nhiều cho các nhà máy nước Đồng Tâm (Tiền Giang), nhà máy nước Nhị Thành (Long An) trong việc chủ động lên kế hoạch sản xuất trong mùa hạn mặn. Song song với việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, công ty cũng đã đề xuất dự án “Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải” nhằm mục tiêu cung cấp nguồn nước thô ổn định, đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm mặn cho 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn trong thời gian tới.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận