Hà Nội sẽ xây dựng bản tin dự báo chất lượng không khí hàng ngày
“Diễn biến chất lượng không khí có thể được dự báo trước 1 - 2 ngày như thời tiết. Vì vậy, chúng tôi sẽ đưa nội dung dự báo chất lượng không khí lên bản tin thời tiết, phát trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo cho người dân sớm nhất có thể”, bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết.
- Nước có mùi lạ, cơ quan chức năng của Hà Nội ở đâu?
- UBND TP Hà Nội đưa ra cảnh báo với tình trạng ô nhiễm môi trường ở Thủ đô
Xây dựng nguồn thông tin chính thống
Tại Hội thảo "Ô nhiễm không khí - hành động của chính quyền và người dân" được Sở TN&MT phối hợp cùng Mạng lưới Không khí Sạch (VCAP) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live and Learn) vừa diễn ra, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, hiện nay, người dân Thủ đô có nhiều kênh để tham khảo thông tin về chất lượng môi trường không khí. Tuy vậy, chính vì có nhiều nguồn để tìm hiểu, lại khác nhau về hệ quy chiếu, khác nhau về số liệu đo đã dẫn đến tình trạng bị “ngợp thông tin”.
Người dân Thủ đô mong đợi có dự báo về chất lượng không khí. Ảnh: Hoàng Minh
Nhận xét về các kênh thông tin này, TS. Hà Đăng Sơn cho rằng, có sự chênh lệch giữa các kết quả đo khiến người dân hoang mang. Trong khi các trạm quan trắc của Chi cục Bảo vệ Môi trường là các trạm đủ tiêu chuẩn, cho con số đáng tin cậy, nhưng có độ trễ nhất định, số liệu không tức thời, nhanh nhạy, các trang quan trắc như: AirVisual, Pam Airthường sử dụng các thiết bị cảm biến, cầm tay, giá rẻ, đo đạc được ở nhiều địa điểm nhưng độ chính xác không cao.
“Chúng ta càng có nhiều thông tin thì càng có nhiều dữ liệu phân tích đánh giá nhưng chúng ta cần chọn lọc và có cách ứng xử phù hợp. Bởi có những nguồn thông tin chỉ để tham khảo do độ tin cậy không cao, không được các cơ quan chuyên môn quản lý xác thực”, ông Sơn khuyến nghị.
Còn TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, những trang web, app đo chất lượng không khí hiện nay xuất hiện rất nhiều, độ chính xác đến đâu thì khó có thể kiểm định hết được. Do đó, người dân nên chọn đúng những trang đo chất lượng không khí được cơ quan chức năng công nhận.
Thông tin về nguồn phát thải gây ô nhiễm
Chỉ ra nguyên nhân gây ô nhiễm không khí Hà Nội, GS. Hoàng Xuân Cơ - Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội nhấn mạnh, điểm đặc biệt là chất lượng không khí ở Việt Nam là thay đổi rất nhanh, cả theo thời gian và không gian, do các nguồn phát thải của chúng ta chưa ổn định, đồng thời, điều kiện khí tượng lại hay thay đổi.
“Chúng ta đang trong giai đoạn phát triển thì nguồn thải gây ô nhiễm không khí không ổn định, các nguồn thải sẽ vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Chỉ khi nào Việt Nam đạt đến mức độ GDP nhất định, các chỉ số ô nhiễm mới có thể giảm, chất lượng môi trường có điều kiện cải thiện do kinh tế được nâng cao”, GS. Hoàng Xuân Cơ nhận định.
Nhận xét về nỗ lực của TP. Hà Nội trong việc ứng phó với ô nhiễm không khí thời gian qua, GS. Hoàng Xuân Cơ cho rằng, việc Sở TN&MT chỉ ra 12 nguồn gây ô nhiễm không khí mới chỉ ở mức độ định tính chứ chưa định lượng. Quá trình định lượng này phải có nghiên cứu chuyên sâu, rõ ràng, cụ thể của các cơ quan chức năng và các nhà khoa học.
Để tìm đúng, chính xác nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thông tin, Sở TN&MT Hà Nội đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) nghiên cứu định lượng nguồn phát thải ô nhiễm ở Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, đại diện WB cho biết thêm, việc nghiên cứu nguồn gốc ô nhiễm không khí đang được thực hiện ở một số thành phố của 7 quốc gia như: Trung Quốc, Ai Cập, Nam Phi… Tại Việt Nam, WB triển khai điều tra tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và trên cơ sở kết quả nghiên cứu sẽ hỗ trợ các địa phương xây dựng giải pháp đồng bộ để quản lý chất lượng không khí.
“Dự án sẽ giúp Hà Nội phân tích nguồn gốc của bụi PM2.5 đến từ đâu. Chúng ta nói nhiều đến các nguyên nhân từ giao thông, các nhà máy xung quanh thành phố, đốt rơm rạ, bếp than, khói từ làng nghề… nhưng cần phải có con số định lượng trên nguyên tắc không để lọt những nguồn thải chính. Đến tháng 5/2020 sẽ có kết quả”, bà Thu nói.
Dự báo chất lượng không khí sẽ kèm theo cảnh báo
Trao đổi với phóng viên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho hay, TP. Hà Nội phối hợp với WB chạy mô hình GAIN để tính toán lan truyền ô nhiễm, dự báo được ô nhiễm không khí trong 1 - 2 ngày tiếp theo.
Chi cục sẽ đưa nội dung dự báo chất lượng không khí lên bản tin thời tiết phát trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo cho người dân sớm nhất có thể.
Theo bà Chi, để phục vụ công tác thông tin về mức độ an toàn không khí,TP. Hà Nội sẽ bổ sung 33 trạm quan trắc môi trường vào năm 2020, trong đó, 20 trạm cố định, 12 trạm cảm biến và 1 trạm lưu động (hiện nay Hà Nội có 11 trạm quan trắc).
Chính quyền Thủ đô sẽ yêu cầu các khu công nghiệp, nhà máy trên địa bàn lắp hệ thống quan trắc, cập nhật số liệu về đầu mối là Chi cục Bảo vệ môi trường.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận