Nước có mùi lạ, cơ quan chức năng của Hà Nội ở đâu?
Sau 5 ngày kể từ ngày phát hiện nước có mùi lạ trên hệ thống cấp nước sử dụng nguồn nước từ Sông Đà, vấn đề đặt ra trong dư luận hiện nay là các cơ quan chức năng của Hà Nội ở đâu khi không có bất kỳ khuyến cáo hay trách nhiệm thuộc về đơn vị nào.
- Hà Nội: Nghịch lý nước sạch cấp tận nhà nhưng người dân không dùng!
- Nước sạch có mùi lạ, Hà Nội “không vội”, dân lo lắng, bất an
Đã 5 ngày trôi qua, nước sạch cung cấp cho người dân ở một số quận: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị nhiễm mùi lạ (khét, hắc), khiến người dân lo lắng, cuộc sống đảo lộn. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ quan nào của Hà Nội đứng ra nhận trách nhiệm cũng như có những khuyến cáo để người dân yên tâm và chủ động hơn trong việc đối phó với tình trạng nước chưa an toàn.
Nước sạch có mùi lạ được nhiều người dân các quận, huyện kể trên phát hiện vào ngày 10/10. Đây có thể coi là sự việc liên quan đến môi trường liên tiếp xảy ra trên địa bàn Hà Nội trong 2 tháng qua.
Nước có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10.
Website của Sở Xây dựng, Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội đều không có thông tin khuyến cáo của cơ quan chức năng liên quan đến nước sạch ở các quận, huyện trên có mùi lạ. Điều đang khiến người dân, doanh nghiệp hết sức lo lắng, thậm chí bức xúc.
Giám đốc Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông (Hà Nội) Lại Văn Thịnh thẳng thắn thừa nhận, sau khi nước sạch bốc mùi, công ty đã hai lần yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (đơn vị sản xuất nước có trụ sở tại tỉnh Hòa Bình) làm rõ nguyên nhân gây mùi nhưng chưa nhận được câu trả lời chính thức.
Ông Thịnh nhấn mạnh, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông là một trong nhiều đơn vị mua nước từ Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà, sau đó bán lại cho người dân nên công ty rất cần câu trả lời chính thức từ phía Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà về tình trạng nước bốc mùi, nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Chị Lâm Quỳnh Chi ở quận Thanh Xuân gay gắt, người dân mất tiền mua nước, trong trường hợp chậm nộp tiền nước hàng tháng là bị đe dọa cắt nước. Tuy nhiên ở đây, nước có mùi lạ, hàng ngày người dân phải bỏ tiền mua nước sạch về sử dụng lại không nhận được lời xin lỗi hay giải thích từ phía nhà cung cấp.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, trách nhiệm trước hết là Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà. Bởi đơn vị sản xuất nước đã công bố và cam kết với cơ quan chức năng, người dân về sản phẩm của mình an toàn.
Nguyên nhân nước có mùi lạ chưa thể kết luận do đơn vị sản xuất nước hay đơn vị cung cấp. Tuy nhiên, ở các nước tiên tiến trên thế giới, khi xảy ra sự cố kể trên, trước hết nhà sản xuất phải tạm dừng không cung cấp nước khi ghi nhận có mùi lạ và thực hiện xả hết nước đang nghi ngờ không đảm bảo.
Cùng với đó, phía nhà cung cấp nước phải thực hiện ngay việc chở nước an toàn đến cho khách hàng kịp thời sử dụng. Các bên liên quan đứng ra xin lỗi khách hàng và thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật nếu có sự tổn thất khi không có nước sạch sử dụng.
Đối chiếu cách thức xử lý sự cố của các nước phát triển trên thế giới, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, các cơ quan hữu trách của thành phố Hà Nội đã thiếu trách nhiệm trong xử lý sự việc. Vì nước là một nhu cầu tối thiểu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của người dân nên cần được đặc biệt quan tâm.
Trong khi đó, về phía cơ quan chức năng, Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc kiểm tra xét nghiệm mẫu nước tại Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đến nay chưa có kết quả do quy trình xét nghiệm, phân tích phải mất khoảng 1 tuần.
Một số tờ báo cũng dẫn lời của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đã chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc làm rõ nguyên nhân sự cố nước sạch bốc mùi. Thành phố sẽ công bố sớm kết quả xét nghiệm nước trong thời gian tới.
Nguyên nhân là gì, nước sạch có an toàn hay không? Câu hỏi này của hàng nghìn người dân Thủ đô đang rất cần phía cơ quan chức năng của thành phố trả lời.
Trước đó, ngày 28/8 tại Hà Nội, vụ cháy xảy ra nhà kho Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ở phường Hạ Đình, Thanh Xuân (Hà Nội) làm phát tán thủy ngân ra môi trường, nguy cơ cao gây hại tới sức khỏe con người.
Tuy nhiên, sau vụ cháy, cơ quan chức năng thành phố chưa kịp thời đưa ra khuyến cáo về sự độc hại cho người dân biết cách ứng phó và phòng ngừa chất thủy ngân xâm nhập cơ thể.
Gần đây nhất, ứng dụng quan trắc không khí của nước ngoài xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Sự thật có đúng như vậy không hay là nhận định trên phản ánh chưa khách quan không khí ở Hà Nội? Song việc này cũng không được cơ quan hữu trách của thành phố Hà Nội đưa ra quan điểm nhanh chóng và chính thống.
Chỉ đến khi nhiều cơ quan báo chí "truy vấn", thông tin mới được Sở TN&MT Hà Nội cung cấp. Điều đó cũng khiến người dân hoang mang, đi tìm mua nhiều loại máy lọc không khí, khẩu trang chống bụi mịn một cách vội vàng.
Lần này cũng vậy, chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm hay khuyến cáo về việc nước sạch cung cấp cho người dân ở một số quận, huyện trên có mùi lạ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận