Phát triển các Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam
Thời gian qua, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm phát triển nền công nghiệp Việt Nam dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh. Điều này càng phù hợp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Đây là vận hội lớn. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành một cường quốc về công nghệ, một nước Công nghiệp phát triển.
Để đạt được mục tiêu đó, BKAV - một trong các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam thể hiện nguyện vọng: Chính phủ nên chọn ra khoảng 5 Doanh nghiệp Công nghệ mũi nhọn để thúc đẩy phát triển.
Hàn Quốc là đất nước xây dựng thành công các Tập đoàn Công nghệ hàng đầu thế giới. Chỉ với 3 Công ty Công Nghệ mũi nhọn là Samsung Electronics, LG Electronics, SK Hynix đã đạt doanh thu trên 300 tỷ USD, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế và khoa học công nghệ của Hàn Quốc.
Trung Quốc đầu tư các Doanh nghiệp Công nghệ mũi nhọn như Huawei, Xiaomi. Các doanh nghiệp này đã làm chủ và sở hữu công nghệ lõi, từng bước chiếm lĩnh lại thị phần smartphone nội địa vốn trước đó thuộc về Samsung và Apple. Samsung đang ở vị trí dẫn đầu, đến nay chỉ còn chiếm chưa đầy 1% thị phần smartphone nội địa Trung Quốc.
Từ bài học kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc và Trung Quốc, Việt Nam nên đầu tư vào các Doanh nghiệp Công nghệ mũi nhọn. Điều này giúp các công ty mũi nhọn đủ tiềm lực cạnh tranh với các Tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Việc thành công trong lĩnh vực khoa học công nghệ như câu chuyện Hàn Quốc, Trung Quốc là hoàn toàn khả thi.
Tập đoàn Công nghệ BKAV sau 9 năm nghiên cứu phát triển, đã ra mắt điện thoại Bphone thế hệ thứ 3, chiếc smartphone cao cấp Made in Vietnam. Với công nghệ đột phá, thiết kế sáng tạo, Bphone được giới công nghệ và người tiêu dùng đánh giá cao.
BKAV là nhà sản xuất gốc, sở hữu công nghệ lõi nên có thể làm chủ sự Đổi mới Sáng tạo. Do đó, có thể sản xuất smartphone chất lượng tương đương với sản phẩm của Samsung, Apple nhưng với giá tốt hơn. Nếu so sánh với các sản phẩm Trung Quốc, Bphone có chất lượng tốt hơn hẳn với mức giá cao hơn không đáng kể.
Gần đây, thị trường smartphone Việt Nam có thêm sự tham gia của Tập đoàn Vingroup. Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới, có thể làm chủ việc sản xuất smartphone từ sản phẩm giá rẻ tới các sản phẩm cao cấp.Cùng với BKAV, các nhà sản xuất smartphone Việt Nam hoàn toàn có thể lặp lại câu chuyện tại thị trường Trung Quốc, các nhà sản xuất nội địa vươn lên chiếm thị phần từ các tập đoàn toàn cầu. Riêng với BKAV, mục tiêu đến năm 2023, giành được 34,7% thị phần smartphone tại Việt Nam tương đương doanh thu 2 tỷ USD, làm nền tảng để phát triển, mở rộng ra thị trường toàn cầu.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc BKAV
Dù nguồn lực hạn chế, đến nay chỉ với 1500 nhân viên nhưng BKAV đã có thể làm chủ thiết kế, sản xuất smartphone cao cấp, dần chiếm lĩnh thị phần smartphone trong nước. Giả định BKAV là Doanh nghiệp Công nghệ mũi nhọn, có sự giúp sức của Chính phủ, việc BKAV chiếm thị phần thay thế các thương hiệu điện thoại nước ngoài khác như Samsung, Oppo, Apple là hoàn toàn khả thi. Khi đó, BKAV cùng các Doanh nghiệp Công nghệ mũi nhọn khác đóng vai trò dẫn đầu chuỗi giá trị giống như Samsung hay Apple, kéo theo hàng nghìn doanh nghiệp khác phát triển.
Làm thế nào để có doanh nghiệp Khoa học công nghệ mũi nhọn
Để nước ta có những Doanh nghiệp Công nghệ mũi nhọn, điều kiện tiên quyết là các doanh nghiệp trong nước cần làm chủ nghiên cứu, thiết kế và sản xuất sản phẩm công nghệ. Những Doanh nghiệp Công nghệ mũi nhọn được lựa chọn phải sở hữu những công nghệ, sản phẩm nổi trội, có thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm của các tập đoàn toàn cầu.
Dựa trên nền tảng có sẵn của doanh nghiệp, Chính phủ giúp sức với vai trò tạo môi trường, cùng tháo gỡ các khó khăn để doanh nghiệp phát triển bùng nổ, có như vậy việc hỗ trợ mới đảm bảo tính hiệu quả cao.
Một vấn đề lớn cần tháo gỡ đối với các Doanh nghiệp Công nghệ là cơ chế tiếp cận tín dụng. Hiện nay, cơ chế tín dụng truyền thống đang áp dụng tại các ngân hàng Việt Nam chỉ phù hợp với các lĩnh vực có các tài sản hữu hình như Bất động sản, thương mại… chưa thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ, vốn có các đặc thù riêng so với các loại hình phổ biến khác ở Việt Nam.
Lấy ví dụ, BKAV trong hơn 9 năm nghiên cứu sản xuất smartphone, đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, tất cả bằng tiền mặt, nhưng việc tiếp cận nguồn tín dụng chỉ 200 tỷ đồng cũng là điều rất khó khăn. Điều này bởi vì, kết quả của nghiên cứu là những sản phẩm smartphone công nghệ cao, rất khó để định giá so với những tài sản hữu hình như Bất động sản, vốn dễ định giá.
Không chỉ BKAV mà các Doanh nghiệp Công nghệ khác tại Việt Nam đều gặp những khó khăn này. BKAV mong muốn Chính phủ có thể chỉ định một số ngân hàng đầu tư, thương mại hoặc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc trực tiếp với các Doanh nghiệp Công nghệ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế tín dụng.
Trích bài tham luận của ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 15/01/2019.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận