Quy hoạch điện VIII sẽ ra sao sau cam kết của Việt Nam với COP26
Đây là lần thứ 3 trong năm nay 2021, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các quy định tại Quy hoạch điện VIII đảm bảo cung cầu nội vùng, cân đối dự phòng công suất cũng như tiếp thu thông điệp của Việt Nam tại COP26 trong đó cần đưa năng lượng tái tạo phát triển nhanh hơn bên cạnh việc loại bỏ điện than.
- Hướng đi nào cho Quy hoạch điện VIII
- Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII gồm những ai?
- Quy hoạch điện VIII bị cho là 'xiết' năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương nói gì?
Năng lượng sạch cần là trụ cột trong cấu trúc năng lượng quốc gia
Theo ông Sean Huang – Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners (COP) – đơn vị đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho hay, ông đánh giá cao về tầm nhìn của Chính phủ tới năm 2045 cho việc mở đường về sự phát triển bền vững lâu dài, với năng lượng sạch là trụ cột chính của cấu trúc năng lượng quốc gia.
Các dự án năng lượng tái tạo đang ngày càng khẳng định vai trò trong công tác bảo vệ môi trường toàn cầu.
Tuy nhiên, do những thách thức sắp xảy ra trong việc cung cấp nguồn tài chính cho nhiệt điện, tăng cường tập trung vào Net Zero, vấn đề an ninh năng lượng và các mối đe dọa ngày càng tăng về địa chính trị, chúng tôi cho rằng so với dự thảo Quy hoạch Điện VIII hiện tại, Chính phủ có thể xem xét một cách tiếp cận chủ động hơn để phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ nhanh hơn.
Về tiềm năng điện gió ngoài khơi, ông Sean Huang cho rằng: “Với bờ biển dài và tốc độ gió lý tưởng, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi, tiềm năng kỹ thuật lên tới 175 GW. Để tận dụng tối đa tiềm năng này, chúng tôi đặc biệt khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn cho ngành điện gió ngoài khơi đến năm 2030.
Theo đó, Chính phủ áp dụng giá ưu đãi FIT đối với các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm cho một số công suất nhất định, chẳng hạn như 5 GW, trước khi chuyển sang đấu thầu, thay vì cơ chế chuyển đổi theo khung thời gian định sẵn để đảm bảo đúng việc cân đối giữa sự khởi động ngành điện gió ngoài khơi và việc đảm bảo khả năng tài chính cho dự án.
Vị đại diện COP cho rằng, cơ chế như vậy tạo nên một giai đoạn cần thiết để chuỗi cung ứng trong nước được thiết lập, phát triển và khung pháp lý cũng có thể hoàn thiện trước khi đi vào giai đoạn triển khai quy mô lớn.
Các chính phủ ở những thị trường thành công trong lĩnh vực này đã thực hiện cách tiếp cận theo hướng hợp tác thông qua việc chia sẻ những rủi ro và làm việc với các nhà phát triển có kinh nghiệm để hoàn thiện khung pháp lý và định hướng thị trường.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, các nhà đầu tư/nhà phát triển sẽ hỗ trợ đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần thiết như lưới điện hoặc cảng hậu cần giúp Việt Nam chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành điện gió ngoài khơi.
Quan trọng hơn, việc có khung pháp lý và các cơ chế để đảm bảo các dự án thí điểm được phát triển và xây dựng bởi các tập đoàn lớn có kinh nghiệm về cả năng lực kỹ thuật và tiềm lực tài chính vững chắc sẽ là yếu tố trọng yếu để dẫn dắt ngành điện gió ngoài khơi tới thành công trong giai đoạn ban đầu...
Giảm thải khí nhà kính bằng việc loại bỏ điện than
Theo nhận định của ông Chu Bá Thi – chuyên gia năng lượng của World Bank, để sớm thực hiện chuyển dịch năng lượng, hướng tới phát thải bằng 0 vào năm 2050 thì cần nhanh chóng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo.
Điện than vẫn luôn được nêu tên trong các quan ngại từ các quốc gia trong việc bảo vệ môi trường toàn cầu.
Cùng với đó, Việt Nam cần có lộ trình giảm thải nhà kính bằng các biện pháp loại bỏ dần nhiệt điện than. Nếu Việt Nam dừng phát triển điện than vào năm 2025, thay thế bằng các dạng năng lượng tái tạo và tăng công suất lên lưới bằng các nguồn lưu trữ thì có thể giảm phát thải tới 80%.
Với kịch bản thực hiện theo Quy hoạch điện VIII đang được dự thảo, Việt Nam có thể giảm phát thải 40% vào năm 2040. Ngoài ra Việt Nam cần xây dựng phát triển chuỗi điện khí, gồm khung pháp lý và cơ chế giá, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn để thay dần cho điện than...
Cũng theo chia sẻ của ông Sean Huang, phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch sẽ khiến Việt Nam rơi vào nguy cơ thiếu điện, khủng hoảng năng lượng như các nước Trung Quốc, Ấn Độ... đang gặp phải. Chính sự biến động của giá than, khí là một thách thức đối với Việt Nam trong việc quản lý hoạt động và cân bằng giữa chi phí nhiên liệu và hiệu quả.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương, bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng năng lượng là chúng ta cần tiếp tục thực hiện chuyển dịch năng lượng thông qua việc thực hiện triệt để các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển hài hòa giữa năng lượng mới và năng lượng truyền thống. Đầu tiên, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng để giảm nhu cầu năng lượng. Việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo cần tiếp tục thực hiện với một lộ trình khả thi phù hợp với chi phí đầu tư công nghệ năng lượng tái tạo và giá bán điện.
Ngoài ra, nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng nhập khẩu điện và các dạng năng lượng sơ cấp cũng cần được thúc đẩy. Các yếu tố này cần thực hiện đồng bộ để đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam diễn ra hiệu quả và ngăn ngừa được các tác động tiêu cực.
“Phát triển triệt để các nguồn điện năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu nhưng cũng cần cân nhắc đến các vấn đề về đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện và đảm bảo giá điện ở mức chấp nhận được, có khả năng chi trả. Điều này đảm bảo lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trong hoạt động sản xuất và kinh doanh”, ông Dũng cho hay.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận