Kiến nghị sớm có hướng dẫn xử lý hình sự lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn
Đó là nội dung được Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất trong báo cáo chuyên sâu về "Quản lý nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam" sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Hiện trường vụ tai nạn tại Bắc Giang làm 3 người chết đêm 2-6 - Ảnh: Công an TP Bắc Giang
TS Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết cơ quan này vừa có kiến nghị cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn xử lý hình sự lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn theo điều 260 Bộ luật hình sự.
Bộ Luật hình sự quy định các hành vi nguy hiểm như sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ vượt quá mức quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng nội dung này chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Theo Báo cáo tình hình Trật tự an toàn giao thông (ANGT) Việt Nam 2019, 2020 và 2021 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UB ATGT QG) , tại Việt Nam trong những năm gần đây, có tới 70% số vụ va chạm giao thông đường bộ liên quan tới nhân tố con người, 40% số vụ va chạm giao thông đường bộ do hành vi có nguy cơ cao dẫn tới mất an toàn giao thông hoặc hậu quả lớn: vi phạm về tốc độ, sử dụng ma túy, sử dụng rượu bia, sử dụng điện thoại...
Ông Minh cho rằng, số vụ tai nạn do rượu bia được báo cáo còn thấp hơn so với thực tế. Chưa kể là việc xử phạt nồng độ cồn tại các địa phương còn chưa đồng bộ. Lãnh đạo Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đề nghị các địa phương tăng xử phạt, nếu nới lỏng thì tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông sẽ tái diễn.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức nói, các nước phát triển đều có lộ trình xử lý vi phạm nồng độ cồn gây mất an toàn giao thông. Đầu tiên là xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa bỏ tù người vi phạm.
PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, ĐH Y tế công cộng cho biết, nồng độ cồn làm ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh. Do đó, người sử dụng rượu, bia vào cơ thể sẽ làm cho khả năng quan sát, xử lý bị ảnh hưởng, sử dụng càng nhiều, các khả năng trên càng giảm và càng dễ xảy ra tai nạn giao thông.
PGS.TS Phạm Việt Cường cho rằng, mức phạt tiền của hành vi này đối với thu nhập của người Việt Nam là khá cao, nhưng so với quốc tế thì chúng ta vẫn cần phải có nhiều thay đổi để có tính răn đe hơn.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận