Làm việc trực tuyến cần đảm bảo sự cân bằng 'Công - Tư'
Khi dịch COVID-19 bùng phát nhiệm vụ chống dịch và phát triển kinh tế là yêu cầu cấp thiết, để hoàn thành nhiệm vụ kép thì làm việc trực tuyến sẽ là giải pháp tối ưu nhưng để hoàn thành nhiệm vụ với hình thức làm việc mới này thì người lao động cần cân bằng giữa công việc cơ quan với công việc cá nhân.
- Biện pháp bảo vệ thông tin an toàn khi làm việc trực tuyến
- Bùng nổ tấn công mạng vào hệ thống làm việc online mùa COVID-19
- Các phiên bản Zoom độc hại nhắm mục tiêu vào nhân viên làm việc từ xa
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giải pháp làm việc từ xa tiếp tục trở thành một phần của cuộc sống bình thường mới. Khi làm việc trực tuyến tại nhà, người lao động nên chú ý tới sự cân bằng giữa công việc và những yếu tố quan trọng khác trong đời sống như sức khỏe, hạnh phúc gia đình và các mối quan hệ bền vững.
Cần sự cân bằng trong xử lý công việc
Khi làm việc tại nhà, thời gian làm việc của các cá nhân không bị giới hạn bởi khung giờ hành chính. Để đạt tối ưu năng suất hay đuổi kịp tiến độ, một số người có thể hình thành xu hướng làm việc không ngừng nghỉ hoặc làm việc quá nhiều. Làm việc quá mức và những áp lực, lo lắng trong công việc có thể gây mất cân bằng cho sức khỏe tinh thần và thể chất của người lao động.
Người lao động không nên tự tạo áp lực khi triển khai công việc bằng hình thức trực tuyến.
Những nền tảng công nghệ thông tin giúp các cơ quan và doanh nghiệp thực hiện công việc một cách linh hoạt, mọi lúc, mọi nơi. Tuy vậy, sự kết nối liên tục này có thể xóa đi ranh giới giữa công việc và cuộc sống của người lao động.
Trong giờ nghỉ ngơi, nhiều người vẫn cố gắng duy trì kết nối trực tuyến với đồng nghiệp để có thể sẵn sàng trao đổi công việc. Việc phải trả lời email, cuộc gọi hay tin nhắn sau giờ làm việc sẽ khiến người lao động cảm thấy thêm căng thẳng và mệt mỏi. Hơn nữa, việc tập trung quá lâu vào màn hình thiết bị điện tử có thể gây khô, mỏi mắt, đau nhức vai gáy.
Giới chuyên môn khuyến cáo người lao động nên áp dụng những biện pháp chủ động giữ gìn sức khỏe trong thời gian làm việc tại nhà. Làm việc trực tuyến cần được kết hợp với các hoạt động thư giãn, vận động nhẹ nhàng, hoặc nói chuyện với người thân trong gia đình mỗi lúc giải lao.
Để cải thiện năng suất và tránh tiếng ồn, người lao động có thể dành cho bản thân một không gian riêng tư, thoải mái trong nhà để làm việc. Việc tắt thông báo từ máy tính, điện thoại sau giờ làm có thể giúp cơ thể được nghỉ ngơi một cách hiệu quả, cân bằng hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc sinh hoạt điều độ là một trong những biện pháp tốt nhất để tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân trong mùa dịch.
Những người làm việc trực tuyến nên ngủ đúng giấc, dùng bữa đầy đủ, giữ gìn vệ sinh, duy trì thói quen tập thể dục, hạn chế sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích để thư giãn sau giờ làm.
Thay vào đó, các hoạt động như tập thể dục, nghe nhạc, trò chuyện với người thân, bạn bè có thể làm giảm căng thẳng tâm lý cho những người làm việc nhiều.
Ngoài ra, người lao động nên điều chỉnh thời lượng sử dụng thiết bị điện tử trong ngày. Đôi mắt và não bộ rất cần được nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng.
Người lao động nên học cách yêu bản thân và suy nghĩ theo chiều hướng tích cực. Đối với nhiều người, làm việc tại nhà có thể kém hiệu quả hơn rất nhiều so với làm việc tại công sở. Tuy nhiên, người lao động nên giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, đặt ra những mục tiêu để phấn đấu và thư giãn sau khi hoàn thành công việc.
Việc tư không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ
Chính sách giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 buộc các trường học, công viên, nhà trẻ phải đóng cửa. Sự thay đổi lớn về môi trường và sinh hoạt hàng ngày có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, cảm xúc và sự phát triển của trẻ nhỏ.
Trong khi đó, đối với các ông bố, bà mẹ phải làm việc tại nhà, việc cân bằng giữa công việc và trách nhiệm với gia đình có thể gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí là trầm cảm.
Việc chia sẻ và duy trì thời gian biểu cho cả gia đình có thể giúp cha mẹ cân bằng giữa việc nuôi dạy con và công việc của bản thân. Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), việc sinh hoạt theo nề nếp có thể giúp các thành viên nhỏ tuổi của gia đình học được tính tự chủ và vững vàng trước những thay đổi trong mùa dịch.
Ví dụ, trẻ có thể học cùng bố vào buổi sáng khi mẹ bận làm việc, hay giúp mẹ nấu ăn, dọn dẹp vào buổi chiều khi bố tham gia họp trực tuyến. Các bậc phụ huynh cũng nên tạo điều kiện cho trẻ tự lựa chọn những hoạt động vui chơi, học tập cho riêng mình. Sau mỗi 1 đến 2 giờ làm việc online, cha mẹ có thể nghỉ giải lao, kiểm tra và giao “nhiệm vụ” mới cho con.
Những bậc cha mẹ nên chia sẻ trách nhiệm quan tâm, chăm sóc con trong thời gian làm việc tại nhà. Nhờ vào lợi thế thời gian và sự linh hoạt, các phụ huynh có thể nghỉ luân phiên để làm việc nhà, hỗ trợ con học trực tuyến hoặc tham gia các hoạt động vui chơi cùng với con.
Trong trường hợp gia đình có con nhỏ, cần được trông nom và chăm sóc thường xuyên, cha mẹ nên báo cáo với công ty, tổ chức để thu xếp và điều chỉnh công việc một cách hợp lý.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tình yêu và sự hòa thuận giữa cha mẹ có thể giúp trẻ cảm thấy được yêu thương và vững tâm hơn. Cha mẹ nên trở thành tấm gương cho trẻ bằng cách suy nghĩ tích cực, luôn lắng nghe và thấu hiểu.
Trong giai đoạn khó khăn này, những thành viên trong gia đình nên cố gắng dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với nhau. Khi xảy ra mẫu thuẫn, mỗi người trong gia đình cần phải cố gắng điều chỉnh cảm xúc, giữ bình tĩnh, ưu tiên tìm cách hòa giải.
Trong thời gian ở nhà, cha mẹ có thể cùng trẻ tổ chức các hoạt động mang tính sáng tạo như ca hát, tô màu, làm bánh hoặc chơi ghép hình. Những hoạt động này có ý nghĩa rất lớn trong việc gắn kết và xây dựng tình cảm gia đình.
Tìm kiếm phương án tối ưu cho các mối quan hệ bền vững
Trong gia đình, tình thương yêu, sự thấu hiể và gắn kết có thể giúp các thành viên cảm thấy hạnh phúc, bớt lo lắng, căng thẳng hay buồn chán trong thời dịch bệnh. Tuy nhiên, việc tích cực duy trì những mối quan hệ khác cũng vô cùng quan trọng.
Cha mẹ có thể dùng điện thoại hay các ứng dụng hội thoại trực tuyến để cho bản thân và con cái có cơ hội được kết nối với người thân và bạn bè, đồng nghiệp.
Qua việc tiếp xúc, học hỏi từ những người khác, trẻ có thể rèn luyện kĩ năng giao tiếp và ứng xử. Các bậc cha mẹ cũng giải tỏa được áp lực, căng thẳng khi được nói chuyện và tâm sự với những người thân ngoài gia đình.
Bên cạnh đó còn có nhiệm vụ phải duy trì các mối quan hệ bền vững trong công việc.
Đối với những người phải ở xa gia đình và người thân trong thời buổi giãn cách xã hội, việc duy trì các mối quan hệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sự cô độc và cảm giác cô đơn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý và thể chất của những người sống và làm việc một mình. Hơn nữa, việc hạn chế ra ngoài do yêu cầu giãn cách xã hội có thể gây ra cảm giác chán nản hoặc trầm cảm.
Đối với người lao động, việc không tiếp xúc trực tiếp với đồng nghiệp có thể mang lại nhiều khó khăn trong việc cộng tác hoặc giải đáp thắc mắc trong công việc. Vì vậy, những người làm việc tại nhà nên chủ động kết nối với đồng nghiệp để nhanh chóng tìm hướng giải quyết.
Những phương pháp trao đổi trực tiếp như gọi điện thoại hoặc tổ chức họp trực tuyến có thể giúp đề cao tính tương tác giữa những cá nhân trong cùng một cơ quan. Sau những giờ làm việc, những người đồng nghiệp có thể cùng thăm hỏi và hỗ trợ lẫn nhau về mặt tinh thần.
Theo tạp chí Forbes, một số doanh nghiệp như Công ty phần mềm GitLab (Mỹ) đã khuyến khích các nhóm làm việc từ xa sử dụng những phòng họp trực tuyến riêng để trò chuyện và chia sẻ trong giờ giải lao.
Qua các nền tảng như mạng xã hội hay ứng dụng trò chuyện qua video, những người làm việc tại nhà có thể gặp gỡ và tâm sự với bạn bè, người thân hay đồng nghiệp.
Bằng việc giữ liên lạc thường xuyên qua các công nghệ trực tuyến, những người có cùng hoàn cảnh có thể xây dựng và duy trì những “mạng lưới” hỗ trợ tinh thần trong mùa dịch.
Hơn nữa, mạng xã hội còn là một công cụ hữu ích trong việc truyền tải những thông tin chính thống, quan trọng về dịch bệnh. Những thông điệp tích cực trên các kênh truyền thông có thể giúp gắn kết, kêu gọi người thân, bạn bè cùng chung tay phòng chống đại dịch COVID-19.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận