Tài xế taxi Pháp đình công, xuống đường biểu tình phản đối Uber tháng 1/2016. Ảnh: Reuters
Trải qua một thời gian tham gia vụ kiện nói trên, nhóm taxi truyền thống tập trung vào hoạt động của UberPop trong năm 2014 và 2015. Tính năng này cho phép người dùng có thể gọi xe với giá rẻ và nhanh chóng do ưu tiên các tài xế gần vị trí người dùng.
Mô hình này được Uber quảng bá là "chia sẻ xe" hoặc "đi chung", có lợi cho cả người dùng và những người có xe còn trống chỗ muốn kiếm thêm.
Tuy nhiên, theo Liên đoàn taxi Paris, đây là một hình thức kinh doanh vận tải và rất nhiều người không có giấy phép hành nghề taxi đang hoạt động như tài xế taxi chuyên nghiệp.
Bức xúc của cánh tài xế taxi truyền thống chủ yếu là vì họ phải tốn thời gian và tiền bạc đi học, xin cấp giấy phép hành nghề trong khi các tài xế UberPop thì không cần. Chi phí cho giấy phép này thường khá cao, có thể lên tới 100.000 euro tại Paris, theo Hãng thông tấn AFP.
Theo nhóm này, do Uber tuyển các tài xế không có giấy phép nên không tốn chi phí thủ tục, nhờ vậy giá cước rẻ đáng kể so với taxi truyền thống và khiến họ bị thất thu.
Trong phán quyết ngày 10/9, tòa án nhận thấy việc sử dụng tài xế chưa qua đào tạo đã làm tổn hại đến hình ảnh và danh tiếng của các tài xế taxi được cấp phép.
Trên cơ sở đó, tòa yêu cầu Uber bồi thường 192 euro cho mỗi người trong số 910 tài xế và 5.000 euro cho Liên đoàn taxi Paris.
"Đây là một quyết định đúng đắn và nó sẽ giúp ngăn chặn các nền tảng khác cung cấp hoạt động vận tải bất hợp pháp", người đứng đầu liên đoàn taxi Christophe Jacopin nói với AFP về phán quyết.
Trong thông cáo sau sự việc, Uber tuyên bố không còn hợp tác với các tài xế không có giấy phép hành nghề taxi ở Pháp kể từ năm 2015. Tập đoàn này cũng nhấn mạnh các tài xế Uber hiện nay đều trải qua quá trình đào tạo như các tài xế taxi truyền thống.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận