Nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không dân dụng từ phương tiện bay không người lái
Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2021 vào chiều 15-10, Cục trưởng Đinh Việt Thắng phát biểu: "Tôi chỉ báo cáo sơ lược trong 9 tháng đầu năm 2021 phát hiện 3 vụ phương tiện bay không người lái xâm phạm khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (1 vụ) và Nội Bài (2 vụ). Tuy chưa gây sự cố nhưng tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không dân dụng rất cao".
- Động vật hoang dã - Mối đe dọa mất an toàn hàng không
- Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu đảm bảo an toàn bay kể từ nhân viên dịch vụ mặt đất
- Bamboo Airway đã hiện thực hoá được "giấc mơ Mỹ" của hàng không Việt
Theo đánh giá của Cơ quan an ninh Bộ Công an, hiện ở Việt Nam đã xuất hiện các phương tiện bay không người lái, vật thể bay siêu nhẹ với chủng loại đa dạng, tính năng kỹ thuật rất cao.
Có những phương tiện có khả năng nâng vật nặng đến 10kg, bay ở độ cao 5.000m, tốc độ tối đa 120km/h, khoảng cách điều khiển đến 7km và bay liên tục 40 phút.
Một số thiết bị được cập nhật tính năng tự động cao như bay theo tọa độ, độ cao định sẵn, được điều khiển bằng sóng radio, có khả năng tránh chướng ngại vật, có cánh tay robot để cầm nắm, thả các loại đồ vật.
"Với những phương tiện trên, chúng tôi đánh giá các đối tượng xấu có thể sử dụng để đâm va vào máy bay, công trình; có thể sử dụng để chở vũ khí, thiết bị nổ nhằm trực tiếp gây nổ hoặc thả vũ khí, vật nổ vào bên trong khu vực hạn chế của sân bay, công trình hàng không; sử dụng để do thám công trình.
Chúng tôi đánh giá nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không dân dụng từ những phương tiện bay siêu nhẹ là rất cao" - ông Thắng nhận định.
Theo ông Thắng, hiện nay có 3 văn bản liên quan đến quản lý nhà nước với phương tiện bay không người lái, vật thể bay siêu nhẹ. Tuy nhiên các văn bản này đang tập trung quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; tiêu chuẩn cấp giấy phép cho cơ sở sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm cho các phương tiện trên.
Riêng việc can thiệp ứng phó bất hợp pháp vào hàng không dân dụng bằng phương tiện bay không người lái, vật thể bay siêu nhẹ, các văn bản trên chưa quy định trách nhiệm ứng phó, nhất là trách nhiệm đầu tư các trang thiết bị cần thiết trong việc giám sát, phát hiện, ứng phó với các phương tiện bay không người lái.
"Chúng tôi đề xuất cần phân định trách nhiệm giám sát, phát hiện phương tiện bay không người lái, vật thể bay siêu nhẹ xâm nhập sân bay, công trình hàng không; phân định trách nhiệm việc cưỡng chế hạ cánh khẩn cấp các thiết bị trên khi vi phạm khu vực hạn chế, cấm bay; tăng cường tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về an ninh, an toàn hàng không và các phương tiện bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ" - cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đề nghị.
Máy bay đỗ dài ngày có đảm bảo điều kiện khai thác?
Theo ông Đinh Việt Thắng, đại dịch COVID-19 tác động rất nghiêm trọng tới hoạt động hàng không. Máy bay dừng không khai thác trong thời gian dài làm tăng nguy cơ hỏng hóc thiết bị máy bay.
Cục Hàng không đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản hướng dẫn bảo dưỡng máy bay. Đồng thời trao đổi với các nhà chức trách hàng không của Mỹ, châu Âu, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đưa ra các biện pháp tăng cường để đảm bảo máy bay dừng đỗ dài ngày luôn đảm bảo điều kiện kỹ thuật, sẵn sàng bay.
"Các giải pháp thực hiện hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng như: hằng ngày mở bọc bảo quản để kiểm tra, bôi chất chống gỉ đảm bảo thiết bị được bảo quản tốt; hằng tuần phải nổ máy kiểm tra cảm biến, hệ thống điện tử của máy bay; hằng tháng, bắt buộc máy bay phải bay lên để kiểm tra. Đến nay, tất cả các máy bay đều đảm bảo điều kiện khai thác" - ông Thắng cho biết.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận