Ô nhiễm không khí ở Hà Nội luôn ở mức xấu kéo dài trong ngày
Đo ảnh hưởng của không khí lạnh suy yếu nên Hà Nội và các tỉnh phía Bắc luôn có sương mù dày đặc khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí luôn ở mức xấu và rất xấu gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.
- Chất lượng không khí Hà Nội sau những ngày Tết Canh Tý "sạch"
- Chất lượng không khí ở Hà Nội hôm nay thế nào?
- Chất lượng không khí ở Hà Nội sẽ cải thiện tốt từ cuối tháng 3
Trong các ngày 20-21/1 và dự báo những ngày tiếp theo, cùng với kết quả quan trắc của các ứng dụng PAM Air, AirVisual cảnh báo chất lượng không khí cho thấy, nhiều nơi ở Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, Hòa Bình, đặc biệt tại Hà Nội bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày, hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông, không khí ô nhiễm nặng, một số nơi chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Ô nhiễm tập trung cao vào đêm và sáng, có nhiều ngày ô nhiễm kéo dài cả ngày do tình trạng sương mù dày duy trì nên không có nắng, trời lặng gió. Ở những thời điểm ô nhiễm bụi tăng cao, các bác sỹ khuyến cáo, người dân mang những loại khẩu trang có kích thước lọc nhỏ, cần hạn chế ra đường.
Tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội hiện nay chủ yếu do ảnh hưởng của khối không khí lạnh suy yếu.
Đặc biệt là vào giờ cao điểm bởi thời điểm này nồng độ bụi mịn cao do lượng xe lưu thông lớn, kẹt xe làm thời gian tiếp xúc dài với bụi mịn và lượng bụi mịn đi vào cơ thể nhiều; hạn chế các hoạt động thể lực, thể thao gần đường giao thông, hạn chế hút thuốc lá, đốt hương.
Người dân sắp xếp chế độ sinh hoạt hay đi lại phù hợp, chẳng hạn nếu vào thời điểm mức độ ô nhiễm không khí tăng cao thì nên ở trong nhà, hạn chế ra ngoài đường, chạy máy lọc không khí, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài.
Theo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT), trong các tháng đầu năm 2021, chất lượng môi trường không khí tại các đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức xấu.
Một số đợt ô nhiễm không khí có thể sẽ tiếp tục diễn ra, vì vậy người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động.
Người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban đêm và sáng sớm, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng loại khẩu trang ngăn được bụi mịn khi không khí ô nhiễm.
Các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương cần tiếp tục thực hiện kiểm soát ô nhiễm không khí theo hướng dẫn của Bộ TN&MT tại Công văn số 7442/BTNMT-TCMT ngày 30/12/2020 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Với các điều kiện khí tượng bất lợi vào mùa Đông, cộng hưởng với gió mùa Đông Bắc mang theo một lượng lớn bụi từ phía Bắc đến Việt Nam gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Thời gian xuất hiện ô nhiễm không khí với chỉ số chất lượng không khí ở mức cao tiếp tục diễn ra chủ yếu vào ban đêm vào sáng sớm.
Các nghiên cứu khoa học đã giải thích cho hiện tượng ô nhiễm không khí tại khu vực miền Bắc tăng cao vào ban đêm và sáng sớm, đó là sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.
Kết quả quan trắc chất lượng không khí tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021 tại các trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, giá trị trung bình 24 giờ của thông số bụi PM2.5 tại thành phố Hà Nội cao hơn so với các đô thị khác.
Riêng thủ đô Hà Nội đã có 22/34 ngày giá trị trung bình 24 giờ của thông số bụi PM2.5 vượt giới hạn cho phép so với QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,2 đến 2 lần. Có ngày, thông số PM2.5 trung bình 24 giờ đã vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận