Quản lý rác thải nhựa tại nguồn - Nền tảng để xây dựng kinh tế tuần hoàn tại Vũng Tàu
Đó là mục tiêu của dự án "Phân loại rác tại nguồn trên địa bàn dân cư hướng tới nền kinh tế tuần hoàn" được TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) triển khai hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6 bằng hình thức Hợp tác Công tư với Tập doàn SCG và Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn (LSP).
- Kinh tế tuần hoàn - Giải pháp bền vững để Việt Nam tạo môi trường không rác thải nhựa
- Ông Nguyễn Quang Vinh: "Kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích 4.500 tỷ USD mỗi năm"
- CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn có lợi nhuận ước đạt 1.803 tỷ đồng tại quý I/2021
Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 05/6, Thành phố Vũng Tàu cùng Tập đoàn SCG và LSP đã tổ chức chương trình mở rộng “Dự án phân loại rác tại nguồn trên địa bàn dân cư hướng tới nền kinh tế tuần hoàn" ở xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu.
Ông Ngọc Thanh Dũng, Trưởng phòng TN&MT, thành phố Vũng Tàu phát biểu về Kế hoạch phân loại rác tại thôn 1 xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu.
Chương trình sẽ giáo dục và khuyến khích người tham gia phân loại chất thải thành 3 loại: thùng màu xanh đựng chất thải hữu cơ, thùng màu cam (hoặc màu đỏ) đựng chất thải tái chế và thùng màu vàng đựng các loại chất thải khác.
Rác hữu cơ được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân xanh (compost). Rác còn lại chuyển cho đơn vị thu gom rác thải trên địa bàn. Rác tái chế được thu đổi theo 03 cách gồm: thu đổi định kỳ, thu hàng ngày, thu theo yêu cầu.
SCG và LSP đã thực hiện thành công dự án phân loại rác tại nguồn trong trường học tại Trường Tiểu học Long Sơn 1 và 2, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Năm nay, SCG và LSP tiếp tục cam kết thực hiện phát triển bền vững trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Công tư (PPC) hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam bằng cách phối hợp với Thành phố Vũng Tàu để mở rộng chương trình phân loại rác tại nguồn cho khu dân cư xã Long Sơn.
Đại diện công ty LSP, mGreen trao tặng “Quỹ Kế hoạch nhỏ” trong chương trình phân loại rác cho Trường tiểu học Long Sơn 1.
Những chia sẻ của Đại sứ môi trường Mai Huỳnh Ngọc Trâm lớp 3.1 Trường Tiểu học Long Sơn 1 về Dự án cũng như những tác động tích cực của việc phân loại rác triển khai tại trường học.
Tại chương trình, ông Thanapat Kaweetraiphop, Giám đốc Thương mại của LSP, chia sẻ “Điểm sáng trong chương trình quản lý rác thải khu dân cư tại Long Sơn là sự phối hợp chủ động và chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân, cụ thể là UBND TP.Vũng Tàu, UBND xã Long Sơn, Ban điều hành thôn 1, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (công ty thành viên của SCG Chemicals) và sự tham gia nhiệt tình của các cá nhân, tổ chức trong chuỗi quản lý rác thải như người thu gom rác, vựa phế liệu, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng đổi quà, ứng dụng công nghệ, và các đơn vị tái chế như Vesco, Gia Linh, Vựa phế liệu Anh Toàn, tạp hoá Minh Phương và mGreen.
Giám đốc thương mại của LSP Thanapat Kaweetraiphop cam kết phát triển bền vững của LSP trong xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại địa phương.
"Nhóm nòng cốt của Ban điều hành thôn là những đại sứ môi trường của dự án, những người phụ trách tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích bà con trong thôn thực hiện dự án" ông Thanapat Kaweetraiphop nhấn mạnh.
Cụ thể, các công ty, đơn vị này không chỉ muốn nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn (sản xuất – sử dụng – hoàn lại) bằng cách phân loại chất thải tại nguồn mà còn tạo ra một chương trình quản lý chất thải bền vững có thể nhân rộng ra các cộng đồng khác.
Đại diện công ty LSP, Duy Tân Plastic, mGreen hỗ trợ trang bị thùng phân loại rác tại nguồn ở Thôn 1, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu.
Ứng dụng di động mGreen được sử dụng để thu thập dữ liệu phân loại chất thải cho phép người tham gia có thể dễ dàng theo dõi giao dịch của họ trong thời gian thực. Chất thải tái chế có thể được đổi thành tiền mặt hoặc quà tặng hoặc điểm thưởng.
Bà Trần Thị Thoa, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội mGreen chia sẻ về ứng dụng di động mGreen trong việc khuyến khích và quản lý phân loại rác tại nguồn.
Các chủ nguồn thải được khuyến khích đổi rác vào Chủ nhật hàng tuần tại “Điểm thu gom rác tái chế được tích điểm đổi quà” (còn gọi là Green House). Năm nay, Thôn 1 sẽ triển khai ít nhất 5 điểm Green House trên địa bàn, gồm: Trụ sở thôn 1, Trường tiểu học Long Sơn 1, Trường mầm non Hướng Dương, Trường THCS Bạch Đằng, chùa Hưng Long Tự.
Người dân xã Long Sơn tham gia đổi rác tái chế lấy quà trên điện thoại vào chủ nhật hàng tuần tại Green House.
Học sinh trường THCS Bạch Đằng tham gia trò chơi “Kiến thức về phân loại rác”.
Chương trình phân loại rác tại nguồn trong khu dân cư sẽ được thực hiện thí điểm tại Thôn 1 với mục tiêu đến tháng 4 năm 2023, tất cả cư dân của Thôn 1 sẽ tham gia chương trình phân loại và hơn 50% chất thải có thể tái chế sẽ được thu gom và tái chế. Thành công của chương trình sẽ là bước đệm quan trọng để giải quyết vấn đề rác thải và tạo ra một cộng đồng kinh tế tuần hoàn.
Vũ điệu “Này này, Phân loại rác đi nào!” được các bạn trẻ Vũng Tàu thể hiện tại chương trình.
Tuân theo nguyên tắc phát triển bền vững, tập đoàn SCG và LSP luôn nỗ lực đóng góp cho cộng đồng địa phương nơi công ty hoạt động. Tại xã Long Sơn, SCG và LSP đã thực hiện nhiều dự án khác nhau nhằm cải thiện cuộc sống người dân trên nhiều lĩnh vực như phát triển nghề nghiệp, y tế, giáo dục và môi trường.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận