Tiền kỹ thuật số - Tương lai của nền tài chính thế giới
Tiền kỹ thuật số đã được chú ý nhiều hơn kể từ sau khi dịch bệnh bùng phát và các giải pháp giao dịch trực tuyến "lên ngôi" đã khiến các quốc gia phải tính đến phương tiện thanh toán phù hợp.
- G7 sẽ kiểm soát chặt chẽ thị trường tiền kỹ thuật số đảm bảo an ninh tài chính
- "Đặt cược" vào các công ty công nghệ và tiền ảo đã giúp các quỹ đầu tư thắng lớn
- My Aladdinz - Ứng dụng tiền ảo đa cấp cần cảnh giác?
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang đẩy mạnh nghiên cứu về tiền kỹ thuật số, trong bối cảnh các đồng tiền điện tử như bitcoin vẫn ít được sử dụng làm phương tiện thanh toán.
Vào tháng 10/2020, Bahamas trở thành quốc gia đầu tiên tung ra đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) của mình. BIS cho biết một số quốc gia khác đang chuẩn bị ra mắt CBDC trong ngắn hạn. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trung ương, trong đó có Ngân hàng trung ương Canada, đã bắt đầu đặt nền móng đưa CBDC vào kế hoạch dự phòng.
Tiền kỹ thuật số sẽ là phương án khả quan nhất phù hợp với thực tế tình hình dịch bệnh lại đảm bảo khả năng thanh toán cho các giao dịch.
Ngân hàng trung ương Canada đã nghiên cứu về CBDC trong nhiều năm và tăng cường nỗ lực này trong năm 2020. Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada, Tim Lane, nhận định rằng Ngân hàng Trung ương Canada cần “rảo bước”, vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đẩy nhanh việc áp dụng hệ thống thanh toán trực tuyến.
Kết quả khảo sát các ngân hàng trung ương toàn cầu cho thấy, 86% các ngân hàng đang tiến hành nghiên cứu để tung ra CBDC của riêng mình - hoạt động như một loại tiền kỹ thuật số.
Con số 86% này tăng một phần ba so với bốn năm trước, phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của các cơ quan quản lý tiền tệ về xu hướng giảm sử dụng tiền mặt và tăng cường số hóa hệ thống thanh toán.
Việc giảm giao dịch tiền mặt có thể làm tăng sức mạnh thị trường của các tổ chức tài chính thuộc khu vực tư nhân và khiến những người không tiếp cận với dịch vụ ngân hàng khó tham gia vào nền kinh tế.
Tổng Giám đốc BIS Agustin Carstens cho rằng các ngân hàng trung ương không cần phải lo ngại là việc bitcoin hay các loại tiền điện tử khác sẽ được sử dụng rộng rãi như một phương thức thanh toán, vì bitcoin là một tài sản đầu cơ hơn là tiền.
Theo ông Carstens, tài sản kỹ thuật số của khu vực tư nhân - được gọi là “stablecoin”, chẳng hạn như đồng Libra của Facebook, gần đây đã được đổi tên thành Diem - đang đặt ra nhiều thách thức hơn đối với hệ thống tiền tệ truyền thống. Các tổ chức tư nhân phải duy trì mức tài sản thích hợp để hỗ trợ stablecoin và điều này có thể gây quan ngại lớn về vấn đề quản trị.
Ông Carstens cho rằng các ngân hàng trung ương cần đóng vai trò dẫn dắt đối với bất kỳ sự thay đổi lớn nào liên quan đến tiền kỹ thuật số. Có nhiều việc cần phải làm để đảm bảo CBDC sẽ không phá vỡ hệ thống tài chính hiện có hoặc làm suy yếu khả năng điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Ông Carstens đề xuất rằng các ngân hàng trung ương nên làm việc cùng các tổ chức tài chính tư nhân - nhân tố sẽ tiếp tục đóng vai trò trung gian cho các giao dịch CBDC.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận