Trung Quốc: Tại sao ngành gia cầm phát triển như một “phép màu”
Quy mô đàn, sản lượng trứng, thịt và giá trị của ngành chăn nuôi gia cầm Trung Quốc đều vượt xa các nước khác trên thế giới.
- Thiếu thịt, Trung Quốc quyết định nhân giống lợn khổng lồ, to bằng gấu Bắc cực
- "Thịt lợn siêu thị" bán tràn lan trên mạng xã hội liệu có đáng tin?
- Xem xét dấu hiệu lạm dụng thống lĩnh thị trường, làm giá thịt heo
- Thadi và Hùng Vương góp vốn, lập công ty sản xuất heo giống
Đàn gà ước khoảng 6,07 tỉ con
Mặc dù đến thời điểm hiện tại chưa có số liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc và các tổ chức quốc tế liên quan nhưng trên cơ sở dữ liệu của 3 tổ chức có uy tín (Indexbox, Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) chúng tôi đã tổng hợp được một số dữ liệu về ngành gia cầm Trung Quốc như sau: Năm 2019 mặc bị ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ cộng thêm tác động bất lợi của một số dịch bệnh, thiên tai lũ lụt … nhưng ngành gia cầm Trung Quốc vẫn phát triển rất mạnh mẽ, tiếp tục dẫn đầu thế giới và có xu hướng vượt xa các nước ở phần lớn các chỉ tiêu.
Số lượng gà Trung Quốc hiện nay ước đạt 6,07 tỉ con, cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới (cao hơn 2,3 lần so với Indonesia nước đứng thứ 2 và 2,8 lần so với Hoa Kỳ nước đứng thứ 3).
Sản lượng thịt gia cầm đạt 22,6 triệu tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018, Trung Quốc trở thành nước sản xuất thịt gia cầm lớn nhất thế giới, chiếm 21 % sản lượng thịt toàn cầu, tiếp theo là EU (14%), Mỹ (10,6 %) và Brazil (9,6 %)….
Tương tự như vậy, sản lượng trứng của Trung Quốc năm 2017 mới đạt 466 tỷ quả chiếm 34% sản lượng toàn cầu, sau 2 năm đã tăng lên 558 tỷ quả, chiếm 42% sản lượng trứng toàn cầu, vượt xa so với các nước xếp liền kề (gấp 6 lần Hoa Kỳ (7%), 7 lần Ấn Độ (6%)…).
Xét dưới góc độ dân số, trong khi quy mô dân số của Trung Quốc chỉ chiếm 18 % dân số thế giới, nếu tính sản lượng thịt, trứng gia cầm sản xuất ra trên đầu người thì Trung Quốc vẫn cao hơn bình quân thế giới từ 3 % (đối với thịt gia cầm) đến 14 % (đối với trứng).
Doanh thu của ngành chăn nuôi gia cầm ở Trung Quốc tăng khoảng 7,5% /năm giai đoạn 2015-2019 và đạt 129,0 tỷ USD vào năm 2019, dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh cả về sản lượng và giá trị trong 5 năm tới với tốc độ tăng trưởng khoảng 7,4%/ năm và sẽ đạt khoảng 185 tỉ đô USD vào năm 2025.
Điều gì giúp ngành gia cầm Trung Quốc phát triển nhanh đến vậy?
Để trả lời câu hỏi này, bằng nhiều kênh khác nhau, chúng tôi đã tập trung tìm hiểu và đã rút ra kết luận bước đầu đó là ngoài yếu tố khách quan như thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn, nguồn lực đầu tư của cả Chính phủ và tư nhân dồi dào, số lượng lao động giá rẻ thiếu việc làm lớn… thì vai trò của chính quyền trung ương và địa phương trong việc định hướng, ban hành chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ngành gia cầm phát triển là vô cùng quan trọng, có tính tiên quyết. Điều này được thể hiện ở một số khía cạnh sau:
Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp
Trong vòng 10 năm qua Chính phủ Trung Quốc đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích thành lập các doanh nghiệp chuyên về chăn nuôi, sản xuất thức ăn và chế biến sản phẩm gia cầm.
Trên 50% doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ được vay vốn không lãi suất trong vòng 5 năm, miễn thuế trong 3 năm đầu mới thành lập…Nhờ có nhiều ưu đãi nên số lượng doanh nhiệp gia cầm phát triển rất nhanh với tốc độ gần 10%/năm.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc (MARA) hiện Trung Quốc có khoảng gần 720 ngàn doanh nghiệp gia cầm, với gần 9 triệu lao động.
Đặc biệt, Trung Quốc là quốc gia có nhiều doanh nghiệp rất lớn tầm cỡ quốc tế, nước này có 4 doanh nghiệp nằm trong top 20 doanh nghiệp sản xuất thịt và trứng gia cầm lớn nhất thế giới.
Đây là lợi thế không nhỏ vì các doanh nghiệp lớn có khả năng định hướng chăn nuôi, điều tiết giá cả đầu ra, đầu vào của cả ngành… vì lý do đó các doanh nghiệp này luôn được Chính phủ đứng sau hỗ trợ.
Đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa
Ứng dụng công nghệ tiên tiến để hiện đại hóa được kỳ vọng trở thành công cụ đắc lực giúp cải tổ chuỗi sản xuất và dịch vụ liên quan trong ngành gia cầm.
Từ năm 2010 Bộ Nông nghiệp Nông thôn đã triển khai chương trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp trên diện rộng, sau gần 10 năm tỷ lệ cơ giới hóa đã tăng từ 11% năm 2010 lên 33 % năm 2019 và dự kiến đạt 50% vào năm 2025 (riêng ngành gia cầm và chăn nuôi lợn sẽ đạt 70% sau 5 năm tới). Đây là yếu tố cần thiết giúp ngành gia cầm nước này tăng quy mô, hạ giá thành sản phẩm.
Chính sách linh hoạt
Sau khi ban hành hàng loạt quy định bảo vệ môi trường, Chính phủ Trung QUốc nhận thấy các quy định này phần nào hạn chế sự phát triển của ngành chăn nuôi vì vậy đã rút ra những bài học và dần điều chỉnh chính sách linh hoạt hơn.
Ngoài chính sách chung, Chính phủ cho phép chính quyền các tỉnh ban hành bổ sung các chính sách cụ thể phù hợp với địa phương, trong đó chú trọng hỗ trợ các hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
Ngoài ra, cũng giống như Việt Nam, Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần vào cuộc giải cứu ngành gia cầm nhằm giúp ngành này vượt qua các khó khăn về dịch bệnh, mất cân đối cung cầu… hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường sức cạnh tranh nội địa và quốc tế.
Khuyến khích phát triển tại các địa phương
Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại gia cầm đặt tại các vùng nông thôn, thúc đẩy xây dựng chuỗi giá trị theo vùng nhằm tận dụng nguồn lao động giá rẻ tại chỗ, giảm giá thành sản xuất, giảm chi phí vận chuyển và điều quan trọng nhất là giảm chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành phố, góp phần quan trọng vào chủ trương hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông thôn Trung Quốc. Điều này đã giúp Trung Quốc trở thành một trong những nước có nhiều vùng nông thôn giàu có trù phú bậc nhất trên thế giới.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học
Cùng với các chính sách khác Chính phủ đã đầu tư nguồn lực lớn và công bố nhiều chính sách nhằm kêu gọi các nhà khoa học, các đơn vị liên quan đầu tư nghiên cứu, cải tiến thiết bị máy móc.
Mặt khác mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghệ gen và di truyền phân tử nhằm mục đích tự chủ nguồn giống, giảm phụ thuộc vào nước ngoài.
Theo truyền thông Trung Quốc, một trong những doanh nghiệp gia cầm lớn nhất nước này đã tuyên bố đạt bước đột phá trong cải tiến gen di truyền gà lông trắng vào năm 2019 và đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm.
Nếu thành công, Trung Quốc sẽ hoàn toàn chủ động trong việc cung cấp gà giống ông bà lông trắng ra thị trường nội địa vốn phụ thuộc vào nước ngoài từ nhiều năm nay.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận