Tú Huyền và phát ngôn '300 tệ iPhone 7': Khi tự do ngôn luận trở thành công cụ phá hoại ngành hàng
Mới đây, một đoạn video ngắn chưa đến 4 phút của TikToker Tú Huyền, trong đó người này tuyên bố “iPhone 7 bên Trung Quốc chỉ có 300 tệ, chưa đến 1 triệu đồng” và ám chỉ giới buôn điện thoại Việt Nam “ăn dày”, đã ngay lập tức gây chấn động cộng đồng kinh doanh mobile trong nước. Không chỉ thiếu hiểu biết, phát ngôn này đang bị đánh giá là nguy cơ phá hoại niềm tin của hàng triệu người tiêu dùng, đe dọa đến sự tồn vong của cả một ngành hàng.
- Bát nháo 'cò' giấy phép hành nghề y, dược trên mạng xã hội
- Bản tin công nghệ 24/7: Chấn chỉnh tình trạng một số nghệ sỹ tham gia quảng cáo sai quy định trên MXH
- Facebook "phớt lờ" yêu cầu ngừng triển khai kế hoạch mã hoá cho ứng dụng MXH
Tú Huyền và phát ngôn “300 tệ iPhone 7”: Khi tự do ngôn luận trở thành công cụ phá hoại ngành hàng. Ảnh chụp màn hình. |
Thông tin một chiều – Hậu quả nhiều chiều
Trong video gây tranh cãi, Tú Huyền đã sử dụng hình ảnh các khu chợ bán hàng điện tử cũ tại Trung Quốc – nơi tràn ngập hàng hỏng, dựng, trôi nổi không kiểm định – để quy chụp thị trường điện thoại Việt Nam là “thổi giá”, “làm ăn bất chính”. Thông tin này được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, khiến nhiều người tiêu dùng quay lưng với các nhà bán lẻ chính thống.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện thoại Việt Nam cho biết:
“Đây là một đòn tấn công gián tiếp nhưng nguy hiểm. Một video sai sự thật có thể khiến doanh thu toàn ngành sụt giảm 15-20% trong ngắn hạn. Không chỉ thiệt hại tài chính, mà nghiêm trọng hơn là làm mất niềm tin vốn rất mong manh của người tiêu dùng.”
Theo báo cáo của GfK Việt Nam, tính riêng trong năm 2024, ngành bán lẻ thiết bị di động tại Việt Nam đạt doanh thu hơn 6,5 tỷ USD, với khoảng 25.000 cửa hàng và trên 120.000 lao động làm việc trực tiếp và gián tiếp trong chuỗi cung ứng. Trong số đó, khoảng 70% điện thoại được bán là hàng chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng và được bảo hành theo tiêu chuẩn nhà sản xuất.
Ông Nguyễn Lâm Tuấn, chuyên gia phân tích thị trường tại TechInsight chia sẻ:
“Lấy giá hàng dựng, không nguồn gốc ở chợ Trung Quốc để áp vào hàng chính hãng tại Việt Nam là hành động thiếu kiến thức và sai lệch nghiêm trọng về bản chất thị trường. Giá điện thoại bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu, phí vận hành, chi phí bảo hành – những điều mà người làm nội dung mạng xã hội cần có trách nhiệm tìm hiểu trước khi phát ngôn.”
Vi phạm luật và đạo đức truyền thông
Với tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, phát ngôn thiếu kiểm chứng của Tú Huyền không còn đơn thuần là ý kiến cá nhân, mà là hành vi phát tán thông tin có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Phạm Thành Trung (Văn phòng Luật Trường Hưng):
“Hành vi này có dấu hiệu vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 – lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Với hậu quả gây ảnh hưởng trên diện rộng như hiện tại, hoàn toàn có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Ngành mobile đồng loạt phản ứng: Không thể im lặng!
Trên hàng loạt diễn đàn công nghệ như Cộng đồng Mobile Toàn Quốc, Hội Chủ cửa hàng điện thoại Việt Nam, các thành viên đã ra tuyên bố chung yêu cầu TikToker Tú Huyền công khai xin lỗi và đính chính thông tin sai sự thật. Nhiều nhóm kỹ thuật viên còn đang tập hợp chữ ký để gửi đơn kiến nghị lên Bộ Thông tin và Truyền thông, đề nghị xử lý nghiêm vụ việc.
Ông Lê Tuấn Anh, chủ chuỗi 6 cửa hàng điện thoại tại Hà Nội cho rằng:
“Chúng tôi đang gồng gánh chi phí mặt bằng, nhân viên, bảo hành sau bán, trong khi chỉ cần một TikToker lên mạng nói bừa là khách quay lưng. Đây không phải review nữa mà là phá hoại.”
Sự việc của Tú Huyền là lời cảnh báo cho cả xã hội về trách nhiệm đi kèm với sức ảnh hưởng. Khi quyền tự do ngôn luận bị lạm dụng để xuyên tạc, vu khống và gây tổn thất thực tế, thì pháp luật cần lên tiếng.
Trong lúc chờ đợi một phản hồi chính thức từ phía Tú Huyền - người hiện đã đóng tất cả tài khoản mạng xã hội - cộng đồng doanh nghiệp vẫn không ngừng yêu cầu công lý. Bởi nếu không được xử lý dứt điểm, bất kỳ ngành nghề nào cũng có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của những “content độc” đội lốt người ảnh hưởng.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận