UNICEF và ByteDance hợp tác 'thách' trẻ em 'ngắt kết nối' Tiktok để 'kết nối lại' với gia đình, bạn bè
UNICEF và Tiktok công bố một thử thách trên Tiktok từ ý tưởng "ngắt kết nối để kết nối lại" nhằm khuyến khích trẻ em rời xa các thiết bị kỹ thuật số và dành thời gian cùng gia đình, bạn bè trải nghiệm thế giới thực nhiều hơn.
- UNICEF hưởng ứng Ngày Trái đất bằng chuyện siêu anh hùng của cô bé Việt Nam
- "Giáng" thêm đòn mạnh vào TikTok Ấn Độ đóng băng 2 tài khoản của ByteDance
- 'Nỗi oan Thị Mầu' TikTok trong mắt Mỹ
Đại diện các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em, đại biểu trẻ em có cuộc gặp gỡ hướng tới Ngày Trẻ em thế giới sắp tới. Ảnh: Tống Giáp
Thử thách "ngắt kết nối" Tiktok là một trong những phần đáng chú ý của lễ kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới tại Việt Nam diễn ra ngày 17/11. Ngày trẻ em thế giới tại Việt Nam năm 2021 tập trung vào vấn đề sức khỏe tâm thần.
Theo bà Rana Flowers (đại diện UNICEF tại Việt Nam), đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua cho thấy số trẻ em tự làm hại mình và tự sát ngày càng tăng. Số trẻ bị kỳ thị do sự khác biệt, cô lập, xâm hại, sao nhãng hoặc khó khăn cũng tăng lên nhanh chóng.
Nguyên nhân là do trẻ em không được gặp gỡ và tiếp xúc với bạn bè. Các em cũng bị mất đi những thói quen hằng ngày và phải đối mặt nỗi sợ hãi, đau buồn…
"Hai năm vừa qua, tác động của đại dịch được thể hiện rõ trên mọi lĩnh vực của Công ước về quyền trẻ em, cho thấy sự thụt lùi trong việc đạt được tất cả các quyền trẻ em, ngày càng có nhiều trẻ em bị bỏ lại phía sau", bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà mong muốn các ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có hành động cụ thể để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em và người chăm sóc trẻ vượt qua đại dịch COVID-19.
Trong đó, bà Hà nhấn mạnh giải pháp nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án khắc phục các tác động của đại dịch COVID-19 đối với trẻ em, đặc biệt chú trọng chương trình hỗ trợ tổng thể, toàn diện, đa ngành về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.
Các đại biểu cho rằng cha mẹ cần tích cực hỗ trợ, lắng nghe, trò chuyện cởi mở, trung thực, không phán xét và không kỳ thị con trong mọi hoàn cảnh. Điều đó là yếu tố quyết định để đảm bảo sức khỏe cả thể chất và tinh thần cho trẻ.
Bên cạnh đó, nhiều trẻ em chia sẻ câu chuyện thực tế rằng sự thiếu hiểu biết về quyền trẻ em và kỳ thị là các yếu tố ngăn cản các em tiếp cận sự hỗ trợ cần thiết.
Theo Tuoitre.vn
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận