Hình ảnh Parmy Olson trong thế giới ảo.
Mark Zuckerberg nói metaverse là nơi mọi người có thể kết nối với gia đình và bạn bè. CEO Meta thậm chí đánh cược rằng ở đây, ai cũng sẽ được thể hiện bản thân theo cách mới, vui vẻ và hoàn toàn nhập vai, đồng thời đặt cược công ty mình vào xu hướng đó.
Trong suốt hai tuần, tôi tham gia vào nền tảng ảo của ông ấy, cũng như một số nền tảng khác. Tôi mượn được kính Oculus Quest 2 và hòa nhập cùng mọi người tại một loạt địa điểm ảo, gồm buổi hòa nhạc, buổi lễ nhà thờ, hội nghị và một buổi hẹn hò.
Tuy nhiên, điều tôi cảm nhận khi trải nghiệm là tầm nhìn của Zuckerberg chỉ là một phần của câu chuyện. Kết nối mọi người trong metaverse khá thú vị, nhưng nó cũng gây căng thẳng, mệt mỏi và khó xử. Là một phụ nữ, đôi khi cảm giác của tôi là khó chịu vô cùng.
Tôi đã truy cập các ứng dụng xã hội VR chứa hàng trăm, đôi khi hàng nghìn người mỗi ngày. Hôm 16/12, Meta mở quyền truy cập vào nền tảng VR xã hội Horizon Worlds cho bất kỳ ai ở Mỹ hoặc Canada trên 18 tuổi. Nhưng khi tôi vào, nơi này có rất nhiều trẻ em. Do đó, sẽ có nhiều thách thức mà Zuckerberg phải đối mặt trên mạng xã hội, trong đó có việc cấm trẻ em hay những kẻ quấy rối.
Hiện nay, một mạng xã hội VR là những trò chơi kết hợp phòng trò chuyện Internet kiểu cũ: lộn xộn, mang tính thử nghiệm và nam giới thống trị. Ở đó, dù có người tốt và nhiệt tình, vẫn có rất ít biện pháp ngăn chặn những kẻ xấu, thích quậy phá và tìm cách trêu chọc người khác theo cách đáng ghét.
Khi chuẩn bị gia nhập Horizon Venues, tôi chọn hình đại diện gần giống với mình ngoài đời thực: tóc nâu, thẳng, áo khoác và quần jean. Khi di chuyển vào khu vực sảnh chính, tôi là phụ nữ duy nhất trong số hơn chục đàn ông. Tất cả đều có khuôn mặt hoạt hình, không có chân và một số mặc áo khoác da.
Trong giây lát, tôi ngạc nhiên bởi một giọng nói trầm ấm, như thể ai đó đang thì thầm vào tai: "Này cô gái, khỏe không?". Một trong những hình đại diện phóng to lên gần tôi, sau đó trôi đi khiến tôi sửng sốt.
Một nhóm nhỏ avatar nam giới bắt đầu vây xung quanh tôi, giữ im lặng. Khi tôi trò chuyện với Eran - người đang chỉ cho tôi một điệu nhảy, một số người trong đám đông bắt đầu giơ ngón cái và ngón trỏ ra trước mặt họ giống như tạo một khung hình. Hình ảnh kỹ thuật số của tôi xuất hiện giữa tay họ. Trải nghiệm này thật khó xử và tôi cảm thấy hơi giống một mẫu vật cho người khác.
Facebook hiện có đội ngũ hàng nghìn người kiểm duyệt nội dung. Họ sẽ kết hợp với phần mềm và AI, làm việc suốt ngày đêm để gắn cờ các bài đăng nếu chúng chứa lời nói căm thù, thông tin sai lệch...
Nhưng việc kiểm duyệt hành vi trong VR khó hơn nhiều, cả về mặt tự động hay thủ công. Thay vì chủ yếu xử lý văn bản, giờ các nền tảng phải kiểm soát ngôn ngữ nói, cử chỉ và nhiều hơn thế nữa.
Mặt trái của điều này là "lý thuyết tiếp xúc". Jeremy Bailenson, giáo sư tại Đại học Stanford, đang nghiên cứu mức độ thoải mái của mọi người thay đổi thế nào trong thực tế ảo tùy thuộc vào vị trí của họ.
Với kinh nghiệm về VR trong 20 năm, ông tuân thủ chặt chẽ quy tắc: Giữ khoảng cách trong lần gặp đầu, tôn trọng nhau trước khi "bắt tay" bằng bàn tay kỹ thuật số.
Bailenson cho rằng hầu hết ứng dụng VR hiện nay như "miền Tây hoang dã". Ông cũng có một nền tảng trò chuyện riêng có tên VRChat, quy tụ 50.000 thành viên hoạt động mỗi ngày, chủ yếu là những người có tâm trạng buồn chán.
"Chúng tôi có một nhóm chuyên gia chỉ phụ trách an toàn và bảo mật. Khách truy cập có thể tắt tiếng hoặc chặn người khác để bảo vệ mình", Bailenson chia sẻ.
Có vẻ tôi đã không gặp bất kỳ ai có tâm trạng chán chường nào trên VRChat, thay vào đó là những người lập lờ và mất phương hướng. Avatar hình con người cũng không có, thay vào đó là chú chim cánh cụt nhỏ bé, nàng tiên, thậm chí một bộ xương đang nói chuyện phiếm và đùa giỡn.
Tại một quán bar ảo, một con mèo khổng lồ mặc váy phục vụ tôi bánh kếp, trong khi một hiệp sĩ thời trung cổ gần đó nói về công suất xe Tesla và được một cây xương rồng gật đầu đồng ý.
Altspace VR, nền tảng xã hội do Microsoft điều hành, có vẻ văn minh hơn. Một số người kiểm duyệt nền tảng sẽ thường xuyên xuất hiện giữa đám đông ảo, sẵn sàng can thiệp nếu như có những người thiếu văn hóa, đùa cợt thái quá hoặc làm những hành động vi phạm nguyên tắc.
Khi nói đến hành vi xấu, lợi thế lớn của thực tế ảo so với mạng xã hội là nội dung có hại không thể lan truyền. Thực tế là những gì tôi trải nghiệm cho thấy những thách thức xã hội của metaverse sẽ chỉ là phần mở rộng của Facebook. Các hình thức giao tiếp trên metaverse cuối cùng có thể chuyển thành quấy rối hoặc bắt nạt, nhưng nó ít gây hại hơn và dễ kiểm soát hơn.".
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận