Asanzo lừa dối khách hàng - Sản phẩm chưa được cấp C/O "Made in Vietnam"
Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Hải quan Mai Xuân Thành khi nói về kết luận điều tra đối với cáo buộc Asanzo lừa dối người tiêu dùng, trong khi đó Bộ KH&CN cũng khẳng định không nhận được và không xử lý bất kỳ hồ sơ nào đăng ký chuyển giao công nghệ liên quan đến công ty này.
- Asanzo nói gì khi bị Sharp Việt Nam "tố" giả mạo chứng từ?
- Chuyển sang xử lý hình sự, Cục Thuế phạt Asanzo còn hơn 47,6 tỉ đồng
- Dự kiến 30/8 sẽ công bố kết quả điều tra làm rõ 'vụ Asanzo'
"Quy trình lắp ráp sản phẩm không đúng như quảng cáo"
Liên quan đến cáo buộc “lừa dối người tiêu dùng”, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, quy trình lắp ráp một số sản phẩm của Asanzo không đúng như quảng cáo.
Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo có 12 dãy bàn với chiều dài khoảng 30 m, mỗi bàn để vừa 1 tivi 50 inch... và việc lắp ráp được thực hiện thủ công bằng cách bắt vít, không lắp cấu hình chính. Dãy bàn này vừa lắp tivi vừa lắp điều hòa nhiệt độ...
Về việc sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” cho một số sản phẩm, cơ quan điều tra xác định các thông tin quảng cáo không đúng với thực tế.
Theo điều tra, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo đã ký hợp đồng dịch vụ số TA-AS24/2017 ngày 24/1/2017 với Công ty Sharp – Roxy (Hong Kong LTD) tại Việt Nam để được cung cấp những phần mềm và chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, trong hợp đồng cũng đề cập nội dung chuyển giao công nghệ lắp ráp chi tiết bằng video và thực hành trên mỗi phần của tivi. Tuy nhiên, kể từ khi ký hợp đồng đến nay, Công ty vẫn chưa thanh toán dịch vụ như trong hợp đồng đã ký kết do chưa xin được xác nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc chuyển giao công nghệ.
Đại diện Công ty TNHH Sharp Việt Nam đã khẳng định, đối tác trên hợp đồng là Sharp – Roxy (Hong Kong LTD) không có thật và hợp đồng trên là giả mạo. Từ ngày 25/9/2016, Tập đoàn Sharp Nhật Bản không còn liên doanh với Công ty Sharp – Roxy (Hong Kong LTD).
Đối với chữ ký và con dấu khi thay đổi tên Công ty từ Sharp – Roxy (Hong Kong LTD) thành Công ty TNHH Sharp Việt Nam (31/10/2016) thì thời điểm này con dấu sẽ không còn hiệu lực và chữ ký trên hợp đồng cũng không xác định được người ký.
Công ty TNHH Sharp Việt Nam đã có đơn tố cáo hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” của Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo đến Công an TP HCM và Bộ Công an.
Về danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định không nhận được và không xử lý bất kỳ hồ sơ nào đăng ký chuyển giao công nghệ liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo và các Công ty có liên quan.
VCCI chưa cấp C/O cho sản phẩm Asanzo xuất đi nước ngoài
Đồng ý với báo cáo tổng quan của Tổng cục Hải quan, nhưng đại diện Bộ Công Thương cho biết, việc cấp giấy chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo là trách nhiệm của Hội Doanh nghiệp chất lượng cao TP HCM chứ không phải của Bộ.
Đối với hàng hóa xuất khẩu của Asanzo, Bộ Công Thương nhận định với kết quả kiểm tra, Asanzo đã vi phạm những quy định về quản lý ngoại thương.
Với hàng hóa lắp ráp, tiêu thụ, lưu thông trong nước, Bộ Công Thương cho biết hiện chưa có quy định cụ thể nên rất khó để kết luận. Bộ Công Thương cho biết đang xây dựng Thông tư về ghi nhãn hàng hóa “Made in Vietnam”.
Đại diện cho doanh nghiệp, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đến nay VCCI chưa tiếp nhận được hồ sơ khai báo tư nhân của Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo, tức là Asanzo chưa đến VCCI để đăng ký. Đại diện VCCI khẳng định đơn vị này chưa có thông tin và chưa cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O cho Asanzo xuất hàng đi nước ngoài.
“Sau khi báo chí đưa tin, Asanzo đã gửi văn bản đến VCCI và đơn vị đã thành lập nhóm công tác làm việc với Asanzo nhằm trao đổi thông tin. Phía Asanzo đưa ra quan điểm về vấn đề này, tuy nhiên thực tế VCCI chưa tiếp xúc với bộ hồ sơ của Công ty này”, bà Hương nói.
Theo ông Lại Anh Tuấn, đại diện VKSND Tối cao, Asanzo chỉ có dấu hiệu trốn thuế, chứ chưa đủ căn cứ xác định các Công ty thuộc Asanzo có phạm tội hay không. Hiện tại doanh nghiệp này mới có dấu hiệu về không xuất hóa đơn bán hàng, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng hóa đơn có giá trị ghi cao hơn thực tế.
“Chưa đủ căn cứ xác định các Công ty có phạm tội hay không. Vấn đề này phải có cơ quan điều tra vào cuộc để có kết quả thấu đáo. Ngay cả ý kiến cho rằng các Công ty của Asanzo khai báo mua bán rất nhiều hàng hóa, nhưng có khi việc khai báo chỉ nhằm mục đích nâng cao giá trị hình ảnh và việc mua bán chưa chắc đã nhiều. Việc khai báo đó cũng cần cơ quan điều tra”, ông Lại Anh Tuấn nói.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đề nghị các Bộ, ngành liên quan chưa gửi ý kiến cho Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính thì phải nhanh chóng thực hiện để Tổng cục tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận