Samsung mở rộng thêm nhiều nhà cung ứng tại Bắc Ninh
Cùng với chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp, chương trình phát triển nhà cung ứng ở nhiều lĩnh vực lần đầu tiên được Samsung triển khai tại một địa phương trong mô hình hợp tác ký kết ba bên.
- Công ty điện tử Samsung hôm nay tuyên bố đã đạt được tốc độ 5G nhanh nhất trong ngành
- 9 lý do nên mua Samsung Galaxy S10 thay vì Galaxy Note 10
- 12 mẹo để tăng thời lượng sử dụng pin cho điện thoại Samsung Galaxy của bạn.
Lễ ký kết hợp tác ba bên thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ.
Ngày 21/9, lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa Bộ Công thương - tỉnh Bắc Ninh - Samsung Việt Nam về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhằm tư vấn cải tiến doanh nghiệp và phát triển nhà cung ứng, đã diễn ra với sự chứng kiến của phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và ông Park Nowan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam.
Theo đó, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh sẽ được thực hiện trong 6 năm, từ 2020 - 2025, bao gồm 2 nội dung chính: tư vấn cải tiến doanh nghiệp và phát triển nhà cung ứng.
Nâng cao vai trò địa phương, doanh nghiệp đầu tàu
Các chuyên gia của Samsung sẽ trực tiếp khảo sát, đánh giá và doanh nghiệp Việt Nam nhận trực tiếp tư vấn, làm việc để cải tiến quy trình sản xuất, hoàn thiện các tiêu chuẩn trong cung ứng sản phẩm, linh kiện để tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung.
Không chỉ các nhà cung ứng linh kiện, với chương trình này các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn cũng được ưu tiên cung ứng sản phẩm, dịch vụ trong chuỗi sản xuất của Samsung ở nhiều lĩnh vực lương thực, y tế, công nghiệp hỗ trợ, vận tải…
Theo ông Đào Quang Khải - phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Samsung là đối tác quan trọng đầu tư tới 9,3 tỉ USD trong tổng số 19,8 tỉ USD vốn vào địa phương. Dù tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ song doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ lực tham gia cung ứng cho Samsung, nguyên nhân là do chưa có cơ chế hợp tác đủ mạnh.
Ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công thương - cũng cho hay đã triển khai chương trình hợp tác với Samsung từ năm 2018 để hỗ trợ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp, đào tạo chuyên gia, nhưng vẫn còn hạn chế, chưa tạo sự lan toả cho cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần nhân rộng mô hình hợp tác Chính phủ, địa phương với doanh nghiệp.
Cần mở rộng mô hình hợp tác
Theo phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, định hướng phát triển ngành công nghiệp trong thời gian tới là thay vì gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sẽ tập trung vào chiều sâu, nhằm tăng giá trị nội địa hoá, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong đó, công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập người dân, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Phó thủ tướng đánh giá sự kiện ký kết này đánh dấu sự hợp tác giữa Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp đầu tàu, là mô hình tốt cần nhân rộng để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ông Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương cụ thể hóa các chương trình, cam kết thực thi hiệu quả, hoàn thiện thể chế liên quan, với các cơ chế hỗ trợ tập trung như vốn, nhân lực, thị trường và vận hành có hiệu quả các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp.
Địa phương cũng cần tập trung nguồn lực thu hút FDI hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp.
Với nhà đầu tư Samsung, phó thủ tướng đề nghị nâng cao hơn nữa giá trị nội địa trong sản phẩm thông qua phát triển nhà cung ứng trong nước, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia. Doanh nghiệp trong nước do đó cũng cần tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận