Ngành đồ uống kiến nghị giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất
Ngày 8/8, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Ngành đồ uống”.
Hội thảo nhằm ghi nhận ý kiến và phản ánh từ góc độ của ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) đối với Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được Bộ Tài Chính chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi với nhiều sửa đổi quan trọng. Trong đó, các doanh nghiệp ngành đồ uống là đối tượng chịu tác động trực tiếp của đề xuất điều chỉnh của luật. Cục thể, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang đề xuất tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại Hội thảo, Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt chia sẻ, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao theo 2 phương án mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với mặt hàng rượu, bia và việc mở rộng việc áp thuế với mặt hàng nước giải khát có đường đang tác động lớn, trực tiếp tới các doanh nghiệp ngành hàng sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát.
Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt phát biểu tại hội thảo.
Bên cạnh đó cũng tác động tới chuỗi ngành hàng liên quan, tới lao động, an sinh xã hội… Ông Nguyễn Văn Việt đồng thời cho biết, do tác động của dịch COVID-19, các cuộc xung đột trên thế giới, các chính sách quản lý hạn chế..., trong mấy năm trở lại đây, ngành đồ uống đã gặp rất nhiều khó khăn. Các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận... của các doanh nghiệp trong ngành đều giảm sút từ một tới hai con số, kéo theo đó là cả các hệ thống thương mại, nhà hàng, dịch vụ, vận tải, chuỗi cung ứng đầu vào… đều bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp phải tái cấu trúc, thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy, cắt giảm lao động…
“Chúng tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước về tăng thuế, tuy nhiên đối với 2 phương án lấy ý kiến lần này, cần xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình. Đề nghị xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia, trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam. Đối với mặt hàng nước giải khát có đường hiện nay còn rất nhiều tranh luận về các bằng chứng khoa học liên quan tới đối tượng áp dụng, nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, bệnh không lây nhiễm… Do đó, chưa nên xem xét bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn này. Cần đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học với đề xuất mặt hàng mới này” - ông Vũ Văn Việt kiến nghị.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cũng có cái nhìn tương tự. TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dẫn thông tin, lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước).
Theo TS. Cấn Văn Lực, tác động của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn, sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ. “Cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Từ đó, lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế của Việt Nam, hài hoà lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời, cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi” - TS. Cấn Văn Lực nêu rõ.
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) Nguyễn Thị Cúc cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao, liên tục, có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt đề ra. Việc tăng thuế sẽ làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia. Việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập.
Hội thảo nhằm ghi nhận ý kiến và phản ánh từ góc độ của ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) đối với Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
“Cần cân nhắc nghiên cứu kỹ thêm tác động của việc tăng thuế nhanh, cao đến thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng. Nên xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất, có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn” - Chủ tịch VTCA đề xuất.
Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc thực hiện nghĩa vụ thuế là cần thiết nhưng cần xác đáng, thuyết phục và gắn với hiệu quả kinh doanh. Chính sách cần dựa trên lập luận, có căn cứ khoa học, với cái nhìn tổng quan. “Mục tiêu áp thuế là tăng thu ngân sách, nhưng liệu tiêu dùng có giảm không, sức khỏe của người dân và việc làm, cạnh tranh ngành hàng thế nào” – ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ lo ngại.
Trong khi đó, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường ( Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương) Nguyễn Đức Lê lại bày tỏ lo ngại về việc tăng thuế với ngành đồ uống càng tạo thuận lợi cho sản phẩm kém chất lượng, hàng giả hàng lậu trà trộn vào thị trường. Ông Nguyễn Đức Lê lý giải, sản phẩm rượu bia sản xuất hợp pháp phải tuân thủ nhiều quy định như các luật thuế, luật phòng chống tác hại rượu bia, môi trường, tiêu chuẩn chất lượng, quảng cáo và tiếp thị... Trong khi đó đồ uống bất hợp pháp không phải tuân thủ các quy định này.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng