VNPT và 25 năm kết nối toàn cầu
Sau 25 năm, Việt Nam hiện có khoảng 70 triệu người sử dụng internet, đạt độ phủ hơn 70% dân số. 25 năm qua là cả một hành trình dài đầy gian nan và cũng lắm vinh quang mà toàn thể đội ngũ CBNV Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) đã cùng nhau đạt được.
- Chuyển đổi số quốc gia và vai trò của VNPT
- Công nghệ nhận diện khuôn mặt của VNPT đang dẫn đầu trong các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam
- Mobile Money của VNPT đã liên thông với tài khoản ngân hàng
Từ những cột mốc đầu tiên
19-11 của 25 năm trước, Việt Nam chính thức kết nối với mạng internet thế giới. Việc thử nghiệm kết nối internet tới các đơn vị quốc tế bắt đầu từ năm 1994. Đến cuối năm 1996, Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) tại Hà Nội và Tp HCM tiếp tục thử nghiệm thông qua hai cổng quốc tế với tốc độ 64 Kb/s kết nối internet Sprintlink (Mỹ).
Đến ngày 19/11/1997, cánh cổng kết nối internet đến thế giới chính thức được mở ra, khi các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) được trao giấy phép cung cấp dịch vụ. Đây thực sự là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu thời điểm người dân Việt nam có thể truy cập internet như bất kỳ công dân nào ở các quốc gia phát triển trên thế giới.
Thông điệp đầu tiên được VNPT gửi đi là câu chào “Hello the World”. Khi đó, hạ tầng internet Việt Nam vẫn chỉ có tốc độ 64 Kb/s kết nối đi quốc tế cho khoảng 300 người sử dụng với hai hướng chủ yếu là Mỹ và Australia. Cũng bắt đầu từ đây, dịch vụ internet bắt đầu được cung cấp với dịch vụ truy cập duy nhất là dial-up hoặc qua đường dây điện thoại cố định. Mỗi lần kết nối internet, đường dây điện thoại của người sử dụng sẽ không thể nghe, gọi điện.
Đến tháng 10/2000, Văn phòng Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 58-CT/TW về việc "đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.
2 năm sau, thị trường internet Việt Nam bắt đầu sôi động, với sự cạnh tranh cao hơn khi đạt khoảng 1,8 triệu người sử dụng. Như vậy là sau 6 năm kết nối mạng toàn cầu, mới chỉ có khoảng 4% dân số Việt Nam sử dụng internet, và đến ngày nay con số này đạt khoảng hơn 70%.
Năm 2003, dịch vụ internet băng rộng mới chính thức ra mắt ở Việt Nam, và Mega VNN do VNPT cung cấp chính là dịch vụ đầu tiên khai phá thị trường vô cùng mới mẻ này. Không chỉ “giải phóng” đường dây điện thoại, kết nối ADSL có tốc độ vượt trội đã tạo nên một sự bùng nổ mới. Những điểm cung cấp dịch vụ internet mọc lên như nấm, giúp nhiều người tiếp cận được với mạng toàn cầu.
Năm 2009, internet cáp quang (FTTH) chính thức được triển khai, giúp khả năng kết nối nhanh chóng hơn. Các nhà mạng cũng tích cực triển khai thay thế hạ tầng cáp đồng bằng cáp quang trong thập niên 2010.
Đến xương sống của nền kinh tế số
Đến nay, tại Việt Nam đã có rất nhiều ISP. Tính đến hết tháng 10/2022, Việt Nam đã có 3 ISP băng rộng cố định lớn nhất là VNPT (40,57%), Viettel (40,14%) và FPT (18,83%).
VIA cho biết, Việt Nam trở thành quốc gia có dân số trực tuyến lớn nhất tại khu vực ASEAN vào năm 2013, với 16,1 triệu người dùng internet hàng tháng. Cũng từ đầu những năm 2010, thị trường trong nước đã được đánh giá cao về tiềm năng kinh tế số, điển hình là sự phát triển như vũ bão của TMĐT. Đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 45.500 doanh nghiệp ICT, đem lại khoảng 126 tỷ USD.
Có thể nói, việc bắt đầu khai phá thế giới rộng lớn trên internet vào năm 1997 là khá chậm so với thế giới, nhưng bù lại với lượng dân số trẻ, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng internet hàng đầu thế giới.
“Từ cuối năm 2020 đến tháng 10/2021, lưu lượng internet tại Việt Nam tiếp tục tăng hơn 30%. Nhiều hoạt động, đặc biệt là học và họp trực tuyến, được đưa lên môi trường số tạo lưu lượng truy cập lớn”, đại diện nhà mạng VNPT cho biết.
Việt Nam cũng đang nằm trong số các nước triển khai IPv6, giao thức internet mới nhất và cao nhất toàn cầu, với tỷ lệ ứng dụng IPv6 nằm trong top 10 thế giới và cao hơn gấp đôi khu vực ASEAN.
Nền kinh tế số dự kiến sẽ đạt giá trị 49 tỷ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng hàng năm đạt 31%, với đóng góp lớn đến từ TMĐT.
Đáng tiếc là đến thời điểm hiện tại thì tần suất tiêu thụ nội dung số của người Việt lại thấp hơn so với trung bình của khu vực Đông Nam Á. Bù lại, các nhà phân tích cho rằng, đây lại là dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Báo cáo e-Conomy SEA 2021 công bố tháng 11/2021, do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện, cho rằng nền kinh tế internet của Việt Nam sẽ lớn thứ hai Đông Nam Á, đạt 220 tỷ USD về tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030.
Và tháng 6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, một mục tiêu phát triển hạ tầng đặt ra là phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các thôn, bản, khu vực dân sinh và tăng nhanh tỷ lệ người dùng Internet, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Đến nay, không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược thứ năm, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tự chủ trên không gian mạng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ hạ tầng số, các nền tảng số, xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh .
VIA cho biết, 2021 – 2025 là giai đoạn tăng tốc của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các mục tiêu của chương trình này bao gồm hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, kinh tế số chiếm 30% GDP và thu hẹp khoảng cách số.
Theo tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận