Cơ hội và thách thức ngành Tâm lý học lâm sàng và Tâm lý trị liệu ở Việt Nam
Vừa qua, tại Hà Nội, Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam đã phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Charite - CHLB Đức tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Tâm lý học lâm sàng và Tâm lý trị liệu: cơ hội và thách thức”.
Hội thảo hướng đến mục tiêu tăng cường nhận thức về nhu cầu, cơ hội, thách thức và định hướng phát triển tâm lý lâm sàng/tâm lý trị liệu ở Việt Nam. Các nghiên cứu trong nước và trên thế giới về tâm lý học lâm sàng, tâm lý học trị liệu được công bố, trao đổi để thúc đẩy và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, thực hành, đào tạo dựa trên thực chứng.
PGS.TS Võ Văn Bản, Chủ tịch Hội tâm lý trị liệu Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả trong lĩnh vực tâm lý học lâm sàng, tâm lý trị liệu đã trao đổi, chia sẻ các vấn đề về phát triển tâm lý lâm sàng thích ứng với hoàn cảnh Việt Nam; về thực hành tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu; nghiên cứu về tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu… Một số đại biểu cũng đã chia sẻ tham luận về những vấn đề đáng quan tâm: TS Andrea Bruni - Cố vấn về sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Đông Nam Á chia sẻ tham luân về “Kinh nghiệm và định hướng của khu vực Đông Nam Á về sức khỏe tâm thần”; GS.TS Ronald O’Donnel - ĐH Arizona (Hoa Kỳ) chia sẻ tham luận về “Thực trạng sử dụng can thiệp tâm lý ở Việt Nam”; GS.TS.BS Malek Bajbouj - Phó Giám đốc Viện tâm thần và trị liệu tâm lý ĐH Y Charité Berlin (Đức) chia sẻ tham luận về “Sức khỏe tâm thần số”…
Hội thảo hướng đến mục tiêu tăng cường nhận thức về nhu cầu, cơ hội, thách thức và định hướng phát triển tâm lý lâm sàng/tâm lý trị liệu ở Việt Nam.
Đáng chú ý, PGS.TS Võ Văn Bản - Chủ tịch Hội tâm lý trị liệu Việt Nam chia sẻ quan điểm trong vấn đề công nhận tâm lý lâm sàng như một chức danh nghề nghiệp. Theo PGS.TS Võ Văn Bản cho rằng, Luật Khám bệnh chữa bệnh đã được Quốc hội ban hành, trong đó mã nghề tâm lý lâm sàng trở thành chức danh chuyên môn trong hệ thống khám chữa bệnh. Để được hành nghề, nhà tâm lý lâm sàng cần phải có đủ điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề bởi Hội đồng Y khoa cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh hoặc thành phố. Điều này mở ra nhiều cơ hội mới; nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho việc phát triển tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu tại Việt Nam.
PGS.TS Võ Văn Bản cho rằng, khó khăn đầu tiên liên quan đến vấn đề tài chính của người bệnh. “Một trong những lý do chính khiến nhiều người không tìm cách điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần, là không đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần” - PGS.TS Võ Văn Bản nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Võ Văn Bản, điều này một phần là cho không có bảo hiểm y tế, hoặc bảo hiểm y tế không chi trả. Kéo theo, nhà tâm lý lâm sàng ở Việt Nam cũng chưa được chi trả đúng với năng lực. Một khó khăn khác là thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu. Hiện nay mới chỉ có các trường thuộc Bộ GDĐT có đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này; còn trong hệ thống khoa học sức khỏe thì chưa có đào tạo về tâm lý học lâm sàng. Hơn thế, trong chương trình đào tạo các bộ môn tâm thần ở các trường đại học y khoa cũng mới chỉ có chương trình đào tạo lý thuyết về các liệu pháp tâm lý, các trắc nghiệm tâm lý ở mức sơ lược và thiếu thực hành. “Trong tương lai, đây là khó khăn cho các nhà tâm lý lâm sàng trong việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề” - PGS.TS Võ Văn Bản chỉ rõ.
TS Andrea Bruni - Cố vấn về sức khỏa tâm thần của WHO khu vực Đông Nam Á chia sẻ về kinh nghiệm và định hướng của khu vực Đông Nam Á về sức khỏe tâm thần.
Ngoài ra, các thủ tục, bằng cấp đào tạo về lý thuyết, chứng nhận thực hành, quy trình cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề cho nhà tâm lý lâm sàng chưa có hướng dẫn rõ ràng. Trong xã hội còn có sự kỳ thị về những người làm trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đánh giá về vai trò của tâm lý học lâm sàng, tâm lý trị liệu của xã hội, của các cấp lãnh đạo chưa thỏa đáng…
Trên cơ sở ý kiến của PGS.TS Võ Văn Bản, ThS.BS - chuyên gia y tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Lê Minh Sang cho rằng, cần tăng cường nguồn nhân lực cho ngành tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu. “Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam hãy là đơn vị tiên phong, xây dựng chuẩn năng lực cho chính ngành nghề của mình. Từ đó, các cơ sở giáo dục sẽ chuyển đổi dựa trên năng lực người học, thay đổi bài giảng, cách đánh giá sinh viên… Sau đó sẽ có cuộc thi để cấp chứng chỉ ngành nghề dựa trên năng lực” - ThS.BS Lê Minh Sang đề nghị.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, năm 2019, ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất. Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số. Nghĩa là có gần 15 triệu người mắc. Trong đó, tỷ lệ mắc tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm 5-6% dân số; còn lại là các rối loạn tâm thần khác. Ở trẻ em, hơn 3 triệu trẻ có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng