11 bản thảo sách giáo khoa bị loại sau 2 vòng thẩm định
Ngày 9/10, thông tin về tình hình thẩm định sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hội đồng thẩm định vừa hoàn thành 2 vòng thẩm định các bản thảo sách giáo khoa lớp 1, với 38 bản thảo ở tất cả 9 môn học được đánh giá đạt và 11 bản thảo ở 6 môn học không đạt.
- Xôn xao 18 chữ lạ in trên sách giáo khoa
- Những chính sách mới liên quan lĩnh vực ICT có hiệu lực trong tháng 9 này
Cụ thể, trong lần thẩm định này, Bộ đã tiếp nhận các bản mẫu sách giáo khoa từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Qua quá trình rà soát, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận 49 bản thảo được đề nghị thẩm định đối với 9 môn học ở lớp 1.
Trong đó, môn Tiếng Việt 6 bản thảo; môn Toán 6 bản thảo; môn Đạo Đức 6 bản thảo; môn Tự nhiên-Xã hội 5 bản thảo; môn Giáo dục Thể chất 4 bản thảo; môn Nghệ thuật (Âm nhạc) 5 bản thảo; môn Nghệ thuật (Mĩ thuật) 5 bản thảo; Hoạt động trải nghiệm 6 bản thảo; môn Tiếng Anh 6 bản thảo.
Ông Thái Văn Tài chia sẻ, trong số 11 bản thảo không đạt, có 1 bản thảo môn Tiếng Việt; 1 bản thảo môn Toán; 3 bản thảo môn Giáo dục Thể chất; 3 bản thảo Hoạt động trải nghiệm; 2 bản thảo môn Tự nhiên - Xã hội; 1 bản thảo môn Đạo Đức. Có những bản thảo, dù vòng 1 đã được yêu cầu sửa chữa để thẩm định vòng 2 nhưng sau thẩm định vòng 2 vẫn được đánh giá không đạt.
Đánh giá về các bản thảo sách giáo khoa được thẩm định, ông Thái Văn Tài cho biết: Nhiều bản mẫu sách giáo khoa được các tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình.
Đặc biệt, có nhiều tác giả tuổi cao, sức khỏe đã yếu nhưng với tinh thần chăm lo cho thế hệ trẻ, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đã nghiên cứu, biên soạn các bản thảo sách giáo khoa theo chương trình mới.
Nhiều bản mẫu sách giáo khoa có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam; bảo đảm tính “mở”, linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo.
Kết thúc 2 vòng thẩm định, Ban tổ chức thẩm định sách giáo khoa sẽ họp để xem xét từng kết quả của hội đồng thẩm định, đồng thời, rà soát lại quy trình làm việc của hội đồng, nhận ý kiến phản hồi. Nếu không có vấn đề gì, Ban Tổ chức thẩm định sẽ đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định công nhận kết quả đối với 38 bản thảo được đánh giá đạt yêu cầu.
Trong tháng 10/2019, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả chính thức về các bản thảo sách giáo khoa được phê duyệt. Đối với những bộ sách được đánh giá ở mức "Không đạt", các tổ chức, cá nhân nếu có nguyện vọng tiếp tục biên soạn sách giáo khoa có thể chỉnh sửa, xây dựng lại để tổ chức thẩm định như thẩm định lần đầu. Dự kiến, tháng 11/2019, Bộ sẽ thông báo tiếp nhận các bản thảo sách giáo khoa để thẩm định lần 2.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận