Chuyển đổi số ngành giáo dục là xây dựng nền tảng số để quản lý và vận hành ngành 'trồng người'
Với công cuộc chuyển đổi số trong ngành giáo dục không phải chỉ là những hoạt động dạy và học mà cần được hiểu là quá trình này sẽ hình thành nền tảng số để quản lý cũng như vận hành ngành giáo dục trong tương lai.
- Chuyển đổi số tại Việt Nam - Thúc đẩy hệ sinh thái giáo dục số
- Dạy học trực tuyến thay thế phương pháp truyền thống cần kỹ năng giáo dục số
- Nền tảng số là động lực nhưng vẫn còn lực cản từ chính sách
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Ủy ban giáo dục và phát triển nhân lực cho biết, ngành Giáo dục xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng trong giáo dục. Đây là công việc không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được nhưng cần phải bắt đầu ngay và phải làm thường xuyên, với hy vọng 5-10 năm sau, công cuộc chuyển đổi số của ngành sẽ đạt kết quả.
Theo đó, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy và học, phạm vi vô cùng rộng lớn, ở đó tất cả các hoạt động, quan hệ, thao tác đang thực hiện sẽ được đặt trong nền tảng số để vận hành.
Hiện nay giáo dục đang trong quá trình chuyển đổi số .
Chuyển đổi số cũng không phải để thay cho yếu tố thực tại, trực tiếp, sinh động mà các yếu tố thực tại được đặt vào chuyển đổi số, qua đó, vận hành tốt hơn, kết nối hơn, rộng mở hơn, tạo ra nhiều cơ hội học tập hơn, làm cho công cuộc vận hành giáo dục trong thực tại hiệu quả và chất lượng hơn.
Để có được hành động quyết liệt trong chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần phải thấy hết tiện ích, lợi thế của chuyển đổi số, từ đó có hướng cho những tiện ích, lợi thế được thể hiện. Với giáo dục, đó là quản trị tốt hơn, người dạy thuận tiện hơn, việc học chất lượng hơn. Nếu thực hiện tốt, đây sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học, hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành giáo dục.
Trình bày dự thảo Đề án, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải cho biết: Mục tiêu chung của Đề án là thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy - học, quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị nhà trường, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân.
Trong giai đoạn 2021-2025, Đề án sẽ tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện cơ chế chính sách; đổi mới quản trị, quản lý nhà nước về giáo dục; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy và học; phát triển nhân lực số.
Đồng thời, đề án hướng đến phát triển kho học liệu số, học liệu mở dùng chung, bải giảng điện tử; nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học đảm bảo quản lý và làm việc hiệu quả trên môi trường số…
Cho ý kiến về dự thảo Đề án, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho rằng: Có 3 việc lớn cần làm. Đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, cơ sở dữ liệu này phải đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia. Trên cơ sở dữ liệu đó để xây dựng các trung tâm điều hành, quản lý ngành. Cuối cùng là xây dựng các nhà trường thông minh.
Mục tiêu cuối cùng của quá trình chuyển đổi số ngành giáo dục là xây dựng nền tảng số để quản lý và vận hành.
Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng cũng đề cập 3 nhóm vấn đề chính cần giải quyết khi triển khai chuyển đổi số trong giáo dục. Nhóm vấn đề đầu tiên là công nghệ. Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến con người, học liệu, phương pháp học tập. Cuối cùng là quản trị và chính sách.
Cụ thể, quản trị từ Bộ đến các nhà trường phải thay đổi, kèm theo đó là chính sách kịp thời để công nhận kết quả ứng dụng được từ công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Đánh giá cao các nội dung, mục tiêu đặt ra trong dự thảo Đề án, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân lưu ý tới việc cần làm rõ nội hàm của việc dạy học trực tuyến để đưa ra các mục tiêu phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, cần hình thành các kho học liệu trực tuyến, trong đó, quan tâm tới các kho học liệu mở của thế giới và có chính sách thúc đẩy sử dụng các kho học liệu này. Hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến phù hợp, tiết kiệm chi phí.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận