Một số tảng đá tại địa điểm cự thạch La Torre-La Janera ở tỉnh Huelva, Tây Ban Nha - Ảnh: HUELVA INFORMACION
Vùng đất này vốn đã được quy hoạch để trồng bơ. Trước khi cấp giấy phép, các nhà chức trách địa phương đã yêu cầu khảo sát về ý nghĩa khảo cổ có thể có của vùng đất này. Cuộc khảo sát phát hiện sự tồn tại của quần thể đá, Hãng tin AFP đưa tin ngày 18-8.
"Đây là quần thể đá đứng lớn nhất và đa dạng nhất tại bán đảo Iberia. Nó cũng là một địa điểm tập trung cự thạch lớn ở châu Âu", ông Jose Antonio Linares, nhà nghiên cứu tại ĐH Huelva và là một trong ba giám đốc của dự án này, cho biết.
Theo ông Linares, nhiều khả năng những tảng đá lâu đời nhất tại La Torre-La Janera đã được dựng lên trong nửa sau của thiên niên kỷ thứ sáu hoặc thứ năm trước Công nguyên.
Tại khu vực này, nhóm khảo cổ đã tìm thấy một lượng lớn các loại cự thạch khác nhau, bao gồm những tảng đá dựng đứng, mộ đá, gò đá, tảng đá trông giống quan tài được gọi là "cists"...
Trong số này, những tảng đá đứng là phổ biến nhất, với 526 trong số chúng vẫn đứng hoặc nằm trên mặt đất. Chiều cao của những tảng đá này là 1-3m.
Các nhà nghiên cứu cho biết hầu hết các tảng đá đứng trong các quần thể cự thạch được xếp thành 26 đường thẳng hàng và 2 vòng tròn, và đều nằm trên đỉnh đồi với tầm nhìn rõ ràng về hướng đông để ngắm mặt trời mọc trong các ngày hạ chí và đông chí, cũng như xuân phân và thu phân.
Nhiều tảng đá được chôn sâu trong đất, và chúng cần được khai quật cẩn thận. Công việc này được lên kế hoạch cho tới năm 2026.
Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận