Phụ nữ nhiễm COVID-19 khỏi bệnh nuôi con bằng sữa mẹ giúp kích hoạt kháng thể chống SARS-CoV-2 ở trẻ em
Theo những công bố mới đây được các nhà khoa học Italy trên JAMA Network Open ngày 3/11 cho thấy, những phụ nữ từng bị nhiễm COVID-19 khỏi bệnh nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp những đứa trẻ sơ sinh thừa hưởng kháng thể Immunoglobulin G (IgG) để kích hoạt khả năng ứng phó với virus SARS-CoV-2.
- Thực hư thông tin tìm thấy virus corona trong sữa mẹ ở Nhật Bản
- Trẻ em khi mắc COVID-19 có khả năng tạo ra nhiều kháng thể hơn người lớn
- Kết quả nghiên cứu mới: Người mắc COVID-19 già hay trẻ đều tạo ra kháng thể
Theo đó, những kháng thể COVID-19 có sẵn trong cơ thể người mẹ có tiền sử mắc COVID-19 truyền sang con trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ trên thực tế mang lại nhiều lợi ích vượt trội hơn so với những gì các nhà khoa học từng biết đến.
Để có được kết luận trên, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu 21 trẻ sơ sinh có mẹ từng mắc COVID-19 trong thời gian sinh nở. Kết quả 2 tháng nghiên cứu sau đó cho thấy lượng kháng thể IgG trong máu và dịch ngoại bào sản sinh trong quá trình cơ thể người mẹ phản ứng với tình trạng viêm nhiễm do SARS-CoV-2, đã được vận chuyển từ sữa mẹ vào máu của thai nhi và đây được xem là một quá trình miễn dịch thụ động.
Những phụ nữ đã từng bị nhiễm COVID-19 được chữa khỏi có thể giúp con thừa hưởng lượng lớn kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 khi nuôi con bằng sữa mẹ.
Thêm đó, các nhà nghiên cứu còn phát hiện các kháng thể trong sữa mẹ - Immunoglobulin A (IgA) đã kích thích khả năng miễn dịch tích cực ở trẻ sơ sinh, qua đó kích hoạt hệ thống miễn dịch của trẻ sản xuất IgA của riêng chúng.
So với phương pháp nuôi con bằng sữa công thức của những bà mẹ từng mắc COVID-19, trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có lượng kháng thể IgA tự sản sinh ứng phó với SARS-CoV-2 cao hơn hẳn trong nước bọt.
TS. Rita Carsetti của Bệnh viện nhi Bambino Gesu và bác sĩ Gianluca Terrin của Đại học Sapienza của Italy đều khẳng định đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh người mẹ có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch tích cực của trẻ sơ sinh thông qua việc chuyển các phân tử miễn dịch trong sữa mẹ.
Trước đó, một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ và Tây Ban Nha phát hiện ra rằng những phụ nữ được tiêm phòng vaccine COVID-19 trong khi cho con bú sẽ truyền kháng thể cho con qua sữa của họ.
Nghiên cứu này cho thấy kháng thể IgA và IgG SARS-CoV-2 tiết ra trong sữa rất mạnh vào tuần thứ 6 sau khi tiêm vaccine. IgA tiết ra ngay sau 2 tuần khi tiêm vaccine; IgG tiết ra và đạt đỉnh sau 4 tuần (1 tuần sau khi tiêm mũi 2).
TS. Rebecca Powell, Khoa Y của Icahn - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, khoảng 10% trẻ sơ sinh mắc COVID-19 cần được chăm sóc đặc biệt. Các kháng thể trong sữa mẹ hơi khác với các kháng thể IgG chiếm ưu thế trong máu và được kích hoạt bằng cách tiêm chủng - mặc dù một số kháng thể này cũng được tiết vào sữa mẹ. Kháng thể chính là IgA, kháng thể này dính vào niêm mạc đường hô hấp và đường ruột của trẻ sơ sinh, giúp ngăn chặn virus và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận