Tỉ phú Elon Musk chịu chơi cho nổ tên lửa 50 triệu đô để thử nghiệm
Cuộc thử nghiệm phóng tàu con thoi của công ty SpaceX đã thành công vào tối 19/1. Tên lửa đẩy Falcon 9 đã nổ tung trên không nhưng đó là cú nổ được tính trước.
- SpaceX tiếp tục phóng 60 vệ tinh - Tiến gần hơn đến mục tiêu phủ sóng internet toàn cầu
- Space X còn phải phóng 24 vệ tinh phục vụ dự án Starlink
Tên lửa Falcon 9 (giữa) rời bệ phóng mang theo tàu con thoi Crew Dragon trên đầu mũi ở bãi phóng Kennedy tại mũi Canaveral, bang Florida, lúc 10h30 sáng ngày 19/1 (giờ địa phương) - Ảnh: REUTERS
"Đây là một nhiệm vụ hoàn hảo. Nó đã diễn ra tốt đẹp như mong đợi", tỉ phú Elom Musk tuyên bố đầy hào hứng trong cuộc họp báo chung với Giám đốc NASA Jim Bridenstine.
Nhà lãnh đạo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ cũng không tiếc lời ngợi khen. "Chúc mừng NASA và SpaceX đã thử nghiệm thành công nhiệm vụ thoát hiểm. Thử nghiệm cực kỳ quan trọng này cho phép chúng ta đến gần hơn với việc đưa những phi hành gia Mỹ lên vũ trụ từ chính đất Mỹ", ông Jim Bridenstine chia sẻ trên Twitter.
Quả thực thử nghiệm tốn kém này là yêu cầu của NASA đối với SpaceX: phải thử khả năng thoát hiểm của tàu con thoi chở người trong tình huống tên lửa bị nổ hoặc bay chệch quỹ đạo mong muốn.
Theo hãng tin Reuters, từ năm 2014, NASA đã đặt hàng 4,2 tỉ USD cho tập đoàn Boeing và 2,5 tỉ USD cho SpaceX để phát triển loại "tàu con thoi rời" có khả năng đưa các phi hành gia lên trạm không gian từ đất Mỹ.
Giám đốc NASA Jim Bridenstine và tỉ phú Elom Musk rất hào hứng trong cuộc họp báo chung sau cuộc thử nghiệm thành công sáng 19/1. Ảnh: REUTERS
Kể từ khi chương trình tàu con thoi của NASA kết thúc vào năm 2011, Mỹ phải nhờ tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đưa người lên Trạm Không gian quốc tế (ISS).
Theo báo cáo của NASA công bố cuối năm 2019, mỗi năm NASA mua quyền đưa khoảng 70 người lên vũ trụ, và phải trả cho cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) khoảng 3-4 tỉ USD. Tính trung bình, chi phí để đưa mỗi phi hành gia lên vũ trụ là hơn 55 triệu USD.
NASA muốn khôi phục lại chương trình đưa người lên vũ trụ một cách nghiêm túc và đó phải là từ công nghệ của Mỹ.
Yêu cầu bảo vệ an toàn tính mạng cho các phi hành gia cũng được đặt ra cao hơn nên buộc SpaceX phải có cuộc thử nghiệm trị giá đến 50 triệu USD trong đó tên lửa Falcon 9 bị buộc nổ thật để tàu con thoi Crew Dragon thoát ra khỏi tình huống nguy hiểm bằng chính các động cơ gắn trên tàu.
Đúng 84 giây sau khi tên lửa Falcon 9 rời bệ phóng, đạt đến độ cao khoảng 19 km phía trên Đại Tây Dương ở vận tốc hơn 1.500 km/h, thì những người ở mặt đất kích hoạt "chế độ bất thường" của tên lửa.
Tàu con thoi Crew Dragon khi đó lập tức kích hoạt các động cơ đẩy SuperDraco siêu mạnh của mình để rời tên lửa càng xa càng tốt. Tất cả điều đó đã diễn ra đúng dự kiến và được cả NASA lẫn SpaceX cho ghi hình phát trực tiếp.
Vì thế, người ta đã thấy tên lửa Falcon 9 nổ tung không lâu sau khi Crew Dragon được đẩy ra xa.
Tên lửa Falcon 9 nổ tung trên bầu trời sau "thất bại" do chính con người chủ động - Ảnh: REUTERS
Tàu con thoi này tiếp tục bay vào không gian đến cao độ 40 km rồi mới rơi xuống Đại Tây Dương. Trên đường trở về địa cầu, 4 chiếc dù lớn có trên tàu sẽ bung ra, giúp nó "hạ cánh mềm" xuống Đại Tây Dương - nơi có các đội nghiệp vụ của SpaceX ra vớt về.
Như vậy là 9 phút sau khi rời bệ phóng ở Trung tâm vũ trụ Kennedy tại mũi Canaveral, bang Florida, lúc 10h30 sáng ngày 19-1-2020 (giờ địa phương), tàu vũ trụ Crew Dragon đã đáp xuống biển an toàn mà theo quan sát sơ bộ là không bị hư hại gì.
Việc phân tích dữ liệu thu thập từ con tàu cũng như từ quá trình phóng sẽ giúp SpaceX và NASA quyết định xem Crew Dragon đủ an toàn để đưa các phi hành gia vào không gian hay không.
Đây được đánh giá là bước tiến quan trọng của SpaceX. Falcon 9 là tên lửa tái sử dụng của công ty này, và đã được dùng để mang các loại hàng hóa, hành lý lên vũ trụ nhiều năm qua. Tuy nhiên, Falcon 9 chưa bao giờ được dùng để đưa người lên vũ trụ.
Cuộc phóng thử nghiệm sáng 19-1 là một trong những bài thử nghiệm quan trọng nhất, nhằm kiểm chứng khả năng tồn tại của tàu Crew Dragon trong trường hợp tên lửa gặp trục trặc.
Năm 2011, SpaceX dự đoán tổng kinh phí phát triển Falcon 9 v1.0 nằm ở tầm 300 triệu USD. NASA kiểm duyệt rằng nếu sử dụng phương pháp hợp đồng vốn cộng lời truyền thống thì số tiền ấy sẽ nằm ở mức 3,6 tỉ USD cho đến 4 tỉ USD, trong khi việc hỗ trợ chương trình thương mại có thể hạ số tiền phải chi xuống còn 1,7 tỉ USD.
Năm 2014, SpaceX cho xuất bản tổng gộp kinh phí phát triển cho cả Falcon 9 và tàu vũ trụ Dragon. NASA hỗ trợ 396 triệu USD trong khi SpaceX tự sử dụng khoảng 450 triệu USD tiền của chính công ty để tiếp tục phát triển hai loại phương tiện.
Năm 2017, phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ của SpaceX cho thấy phương thức khác thường của NASA là chỉ đặt ra các yêu cầu về vận chuyển hàng hóa lên trạm vũ trụ trong khi để ngành công nghiệp tự quyết định chi tiết đã tạo thuận lợi cho SpaceX tự thiết kế và chế tạo tên lửa Falcon 9 với chi phí ít hơn đáng kể.
Thông qua những thống kê của NASA được xác nhận độc lập, tổng số tiền bỏ ra cho hai chương trình phát triển tên lửa Falcon 1 và Falcon 9 là xấp xỉ 390 triệu USD.
Hiện giá cho một lần phóng của tên lửa Falcon 9 (tái sử dụng) vào khoảng 50 triệu USD còn với tên lửa mới tinh vào khoảng 62 triệu USD.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận