Doanh nghiệp trưởng thành là thước đo của môi trường khởi nghiệp sáng tạo
Khả năng thành công của những doanh nghiệp mới hay khởi nghiệp sáng tạo, và sức khỏe của doanh nghiệp trưởng thành là thước đo của môi trường kinh doanh, của hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và tầm nhìn, tư duy của người lãnh đạo.
Hành trình 15 năm và xa hơn là hơn ba thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Những người lính thời bình đã có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc đưa hàng chục triệu người thoát khỏi nghèo đói, và hôm nay, đang đứng trước sứ mệnh xây dựng đất nước mạnh giàu, sánh vai các cường quốc năm châu. Trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, và trên mặt trận kinh tế thì doanh nghiệp (DN), doanh nhân là lực lượng chủ công.
Trên thực tế ở Việt Nam, chưa có một khảo sát chính thức trên diện rộng nào về lý do doanh nghiệp thất bại, ngoài một thực tế là họ không đủ khả năng trả nợ, không đủ khả năng tiếp tục kinh doanh. Chúng ta vẫn đang tìm kiếm những câu trả lời sâu sắc hơn giúp chúng ta hiểu được nguyên nhân của sự đóng cửa và phá sản của doanh nghiệp. Cùng với đó, cũng chưa có một khảo sát nào đưa ra những lý do tại sao các dự án khởi nghiệp thành công tại Việt Nam: do năng lực của người lãnh đạo, do vốn hay do mô hình kinh doanh... Vì vậy, việc sử dụng cách tiếp cận của Bill Gross có thể phần nào giúp chúng ta hiểu được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức với khởi nghiệp sáng tạo.
Không thể phủ nhận rằng năm 2018, 2019 chứng kiến sự chuyển biến ngoạn mục, các startup của Việt Nam nhận dòng vốn đầu tư mạo hiểm kỷ lục, khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước của các nhóm khởi nghiệp sáng tạo và những ghi nhận quan trọng từ các tổ chức quốc tế.
Việc dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và thương mại điện tử (e-commerce) cũng như số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp gia tăng trong mảng này phản ánh một thực tế của thị trường fintech và e-commerce còn quá nhiều dư địa để phát triển.
Với một quốc gia nằm trong một khu vực có đến 70% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, thì việc xuất hiện nhiều các fintech nhằm giải quyết vấn đề của khách hàng này là điều dễ hiểu. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng nhìn nhận Việt Nam như một thị trường tiềm năng không thể bỏ qua. Startup Việt còn hấp dẫn bởi sau thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư cũng không thể bỏ qua tiềm năng những startup này mở rộng ra thị trường khu vực ASEAN. Những mô hình kinh doanh không quá mới trên thế giới có thể phát triển mạnh mẽ ở một thị trường các dịch vụ tài chính còn đơn giản và thói quen chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư còn đang có những thay đổi mạnh mẽ. Nếu nhìn nhận trở lại theo 5 yếu tố nêu trên thì những thành công này đến từ sự xuất hiện “đúng thời điểm” trở thành lý do chính.
Nghiêm Xuân Huy, sáng lập viên Finhay, một trong những startup mảng fintech thành công nhất trong năm 2019, cùng với Momo được xếp vào 100 công ty fintech toàn cầu do KPMG và H2 Ventures công bố, từng chia sẻ: yếu tố quan trọng khiến Finhay nhận ngay lập tức 1 triệu USD đầu tư từ Insignia Ventures Partners chính là đáp án cho các câu hỏi về đội nhóm. Đội nhóm tốt đóng vai trò then chốt cho sự thành công của startup. Song không phải startup nào cũng may mắn có được đội nhóm tốt như Finhay. Việc tìm kiếm nhân sự tốt cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo đang gặp không ít khó khăn. Bài toán nhân lực không chỉ dừng ở đầu tư cho tuyển dụng hay hoàn thiện chính sách, mà thực chất là một chiến lược dài hơi về nguồn nhân sự, phản ánh tầm nhìn của người lãnh đạo startup và bối cảnh thị trường.
Chiến lược nhân sự nằm trong một bức tranh chung về giáo dục, đào tạo. Không phải ngẫu nhiên những yếu tố từ thị trường tuyển dụng đang làm chậm bước đi của các startup. Nguồn nhân lực chất lượng cao khó kiếm, tiếng Anh kém, kỹ năng chưa tốt và quan trọng hơn nữa là thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp đang là một vấn đề lớn. Không ít các sáng lập startup vất vả tìm kiếm được đồng sáng lập để thúc đẩy dự án. Một chuyên gia về đổi mới sáng tạo của Israel nhận định rằng, Việt Nam đang sở hữu những tài năng vô giá, đáng tiếc là phần lớn họ mới chỉ có tư duy của một người kỹ sư làm sản phẩm chứ chưa có tư duy của người sáng tạo sản phẩm.
Khát vọng đưa Việt Nam thành cường quốc về khởi nghiệp công nghệ
Tại Việt Nam, cụm từ “Make in Vietnam” được Bộ TT&TT lần đầu chia sẻ tại Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam - Myanmar với chủ đề “Chuyển đổi số trong Chính phủ” hồi trung tuần tháng 12/2018, khi đề cập đến những sản phẩm, giải pháp công nghệ được các doanh nghiệp ICT Việt Nam như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT và BKAV sang giới thiệu, trình diễn với các cơ quan, doanh nghiệp nước bạn Myanmar.
Tiếp đó, “Make in Vietnam” cũng đã được lấy làm chủ đề của Triển lãm về công nghệ, công nghiệp ICT Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành TT&TT hồi giữa tháng 1/2019. Triển lãm này có sự tham gia trình diễn, demo các sản phẩm về công nghệ cao (AI, IoT, an toàn an ninh mạng…) của các doanh nghiệp, nhằm khẳng định năng lực của các doanh nghiệp trong ngành TT&TT đã sẵn sàng đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ảnh minh họa
Lý giải về sự xuất hiện thông điệp “Make in Vietnam”, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết: “Từ cuối năm 2018, Bộ TT&TT đã tính tới việc cần phải có một slogan cho việc phát triển ngành công nghiệp ICT nước nhà. “Made in Vietnam”, mang tính chất là sản xuất ở Việt Nam và không có sự chủ động. Còn thông điệp “Make in Vietnam”, làm tại Việt Nam sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam của người Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ. Như vậy, cụm từ “Make in Vietnam” vừa tạo hiệu ứng truyền thông, vừa thể hiện khát khao, mong muốn, sự chủ động của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và phát triển công nghệ”.
Trước chiến lược “Make in Vietnam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, thể hiện khát vọng xây dựng một nền kinh tế tự cường, chung sức đồng lòng thực hiện sứ mệnh lịch sử quyết không để đất nước chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Còn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra vấn đề về tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Đâu là câu trả lời chung cho những trăn trở ngàn năm đó của Việt Nam? “Đó là công nghệ. Cuộc cách mạng số và đặc biệt là sự phát triển mới của nó - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam. Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam với những vấn đề của mình chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu”, Bộ trưởng lý giải.
Bình luận về chiến lược “Make in Vietnam”, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho rằng, Ấn Độ là bài học thành công tốt về chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ. Thái Lan cũng sớm tuyên bố về quốc gia số. Các quốc gia cần có chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ thì mới phát triển bền vững được. Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Bây giờ chúng ta có thể làm R&D và phải có chính sách kéo lực lượng R&D về Việt Nam. Chúng ta có thể thu hút được nhiều nhân lực của Việt Nam đã làm cho doanh nghiệp nước ngoài quay về đóng góp cho đất nước. Với chiến lược quốc gia đúng đắn thì sau 5 - 10 năm nữa sẽ thay đổi được diện mạo quốc gia. “Nếu chúng ta chỉ làm xuất khẩu phần mềm và lắp ráp thì chuỗi giá trị gia tăng này rất thấp, lợi nhuận chỉ từ 10 - 13%. Chúng ta không nên đi theo các mô hình sản xuất lắp ráp cách đây 20 năm. Để thoát khỏi mô hình này một cách thông minh, chỉ có cách là sản xuất chế tạo bởi con người Việt Nam, công ty tại Việt Nam. Make in Vietnam không chỉ là con người Việt Nam mà cả các công ty nước ngoài tại Việt Nam làm ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chúng ta cần làm những công việc có năng suất công nghệ và hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, đây là con đường thoát bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam. Nếu chúng ta có chiến lược và con đường đi đúng thì chúng ta có thể đi nhanh hơn các quốc gia đã thành công khác”, ông Chính nói.
Chiến lược tốt, nhưng cần bước qua định kiến của người Việt
Ở góc độ của một doanh nghiệp công nghệ đã bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghệ Việt trong hơn 10 năm qua, nói về tương lai của “Make in Vietnam”, ông Nguyễn Tử Quảng, Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bkav nhận định, cơ hội để Việt Nam phát triển dựa vào khoa học công nghệ là rất lớn. Người đứng đầu Bkav cũng cho biết, để thực hiện “Make in Vietnam”, các doanh nghiệp khoa học công nghệ rất cần sự thúc đẩy mạnh mẽ của Chính phủ. “Một điều quan trọng không kém là Việt Nam cần xóa bỏ định kiến là người Việt Nam không thể làm ra những sản phẩm cạnh tranh với những nước hàng đầu trên thế giới. Nếu thay đổi định kiến đó, trong 10 năm tới Việt Nam có thể phát triển bùng nổ, và trong 15 năm tiếp theo có thể trở thành cường quốc về công nghệ”, ông Nguyễn Tử Quảng nêu quan điểm.
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp mình, ông Quảng cho biết, khó khăn, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong quá trình xây dựng thương hiệu “Make in Vietnam” chính là định kiến Việt Nam là nước chưa phát triển thì không thể cạnh tranh với các nước hàng đầu. “Đặc biệt, đây là định kiến của cả xã hội thì không thể thay đổi một sớm, một chiều mà phải là một công việc trường kỳ”, người đứng đầu Bkav chia sẻ.
Ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo đánh giá, để tạo ra các sản phẩm thương hiệu Việt, khó khăn nhất hiện nay là khi lựa chọn những thị trường, ngành hàng mà sản phẩm đó vốn dĩ không được sử ủng hộ của người Việt khi đa số có định kiến rằng “phải hàng ngoại mới xịn”. Chống lại định kiến đó bằng cách phủ định, phớt lờ nhằm chứng tỏ điều ngược lại, với khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt” là rất khó khăn.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Dương, nguyên Giám đốc Singtel Việt Nam cho rằng, người Việt Nam chưa tin tự mình có thể làm ra những sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới. Định kiến là một phần của nhận thức, hình thành có lý do của nó, không tự nhiên sinh ra. Người làm thị trường phải coi định kiến là một thực tế và xuất phát từ định kiến chính là xuất phát từ thực tế. Rồi chinh phục khách hàng dần dần bằng sản phẩm chất lượng và dịch vụ như kỳ vọng.
Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch HĐQT Công ty MISA nhấn mạnh, việc làm sản phẩm công nghệ là bài toán cực kỳ khó, vô cùng thách thức. Khi làm một sản phẩm công nghệ thì doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện làm sao để cả xã hội sử dụng được sản phẩm này, làm sao để cạnh tranh được với những sản phẩm trong nước khác và cả sản phẩm nước ngoài. Vì thế, đòi hỏi những người làm ra sản phẩm phải có sự sáng tạo, đồng thời cũng phải rất am hiểu đặc thù của thị trường Việt thì mới có thể tạo ra sản phẩm có giá trị mà lại cạnh tranh được với nước ngoài. “Chúng ta có đủ sự tự tin để giải quyết các bài toán của Việt Nam một cách rất hiệu quả và cũng trên cơ sở đó, cùng với sự lớn mạnh của đất nước, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói chung và doanh nghiệp phần mềm nói riêng cũng đang phát triển rất mạnh mẽ. Tôi tin rằng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ là một cường quốc về công nghệ, có nhiều sản phẩm triển khai thành công ở khu vực cũng như trên thế giới”, ông Long tin tưởng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận