Cuộc chiến Nga - Ukraine phá tan mọi nỗ lực phục hồi kinh tế thế giới trong 2 năm qua
Cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra kéo theo đó là thì trường tài chính thế giới lao đao, cùng với đó là giá dầu liên tiếp xác lập kỷ lục và chuỗi cung ứng toàn gặp rủi ro nghiêm trọng đã kéo lùi các nỗ lực phục hồi kinh tế của các quốc gia.
- Anh quyết mở cửa tự do để phục hồi kinh tế
- Khủng hoảng chip toàn cầu trở nên trầm trọng hơn theo diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine
- TikTok Trung Quốc thẳng tay loại bỏ những video liên quan đến Nga - Ukraine
- Tether - Nơi cất trữ an toàn của người dân trong cuộc chiến Nga - Ukraine
Theo Oxford Economics, các biện pháp trừng phạt có thể làm “bốc hơi” tới 6% GDP của Nga, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm đến gần 80% tài sản ngân hàng ở Nga, trong khi hoạt động xuất nhập khẩu bị đánh giá sẽ gặp khó khăn từ việc Moskva bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Tuy nhiên, tác động tiêu cực không chỉ xảy ra ở Nga. Theo các chuyên gia, những công ty quốc tế có sự hiện diện lớn ở Nga cũng đang như “ngồi trên đống lửa”.
Các nỗ lực khôi phục nền kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu đang từng bước trở lại ổn định.
Đồng ruble mất giá mạnh so với đồng USD được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các doanh nghiệp trên thị trường Nga, vốn cũng đang đối mặt với những lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phía các nước phương Tây khi làm ăn tại thị trường này.
Do quan hệ ràng buộc, đặc biệt là về nhiên liệu, cùng nguy cơ từ những biện pháp đáp trả của Moskva, các nền kinh tế châu Âu được dự báo sẽ gặp khó khăn. Trong đánh giá mới nhất, EC cho rằng việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine khiến mức dự báo tăng trưởng 4% cho khu vực này trở nên không chắc chắn.
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Philip Lane, nhận định xung đột Nga-Ukraine có thể làm GDP của Eurozone giảm khoảng 0,3 -0,4 điểm phần trăm trong 2022.
Tác động thực sự của việc Nga bị “phong tỏa” trên mọi thị trường, từ hàng hóa đến tài chính, nằm ở vai trò của nền kinh tế này trong chuỗi giá trị toàn cầu, bởi đây là nhà cung cấp ⅙ tổng lượng hàng hóa toàn cầu.
Cụ thể, Nga sản xuất 10% lượng dầu toàn cầu và cung cấp 40% lượng khí đốt cho châu Âu. Nước này cũng là nhà xuất khẩu phân bón, nhà sản xuất nickel và palladium hàng đầu, nước xuất khẩu thép và than đá lớn thứ ba và nước xuất khẩu gỗ lớn thứ năm thế giới.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã cảnh báo giá lương thực tăng, bởi cùng với Ukraine, Nga được coi là “rổ bánh mỳ” của cả thế giới khi cung cấp hơn 25% lượng lúa mỳ xuất khẩu của toàn cầu, gần 20% lượng ngô và 12% lượng giao dịch tất cả các loại ngũ cốc trên toàn cầu.
Nước này cũng là nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Chính vì vậy, xung đột vừa bùng phát đã khiến giá ngũ cốc, lương thực đồng loạt tăng mạnh lên những mốc cao mới. Giá lúa mỳ giao dịch tại Chicago (Mỹ) đã tăng gần 3% trong phiên 2/3, lên mức cao nhất kể từ năm 2008, giá ngô leo lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2021.
Các hoạt động vận chuyển giao thương bước đầu có khởi sắc.
Chủ tịch công ty tư vấn Strategie Grains, Andree Defois, cho rằng nếu xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài trong ba đến bốn tháng tới, những tác động đến các thị trường này sẽ thực sự nghiêm trọng.
Một số chuyên gia cho rằng việc cắt giảm xuất khẩu có thể làm tăng giá những mặt hàng này lên tới 50%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng đột biến đang được ghi nhận trên thế giới, khi đó không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Nga mà còn gây tổn thương cho cả phương Tây do giá cả và lạm phát tăng mạnh
Có thể nhận thấy những tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng hiện nay qua "cơn bão giá" trên thị trường dầu mỏ. Giá dầu thế giới đã tăng vọt và liên tục trên mức 110 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 3/3, giá dầu Brent có lúc tăng lên 119,84 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 5/2012, trong khi giá dầu WTI có thời điểm chạm đỉnh 116,57 USD/thùng, mức cao kỷ lục kể từ tháng 9/2008.
Như vậy, giá dầu Brent đã tăng gần 25% trong một tuần kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine ngày 24/2. Mức chênh lệch trong 6 tháng của mặt hàng này cũng đạt mức cao kỷ lục là hơn 21 USD/thùng.
Theo nhà phân tích Phil Flynn của công ty tài chính Price Futures Group tại Mỹ, thị trường “vàng đen” biến động mạnh do những quan ngại rằng căng thẳng hiện nay làm gián đoạn xuất khẩu của Nga - quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất ra thị trường toàn cầu.
Đáp trả các biện pháp từng phạt về năng lượng, Nga có thể hạn chế bán dầu và nhiên liệu cho châu Âu, bất chấp những thiệt hại đối với nền kinh tế này, thu hẹp nguồn cung, đẩy giá dầu và nhiên liệu tăng cao, đặc biệt là đối với các nước châu Âu.
Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy) Jarand Rystad dự báo xuất khẩu dầu của Nga sẽ giảm 1 triệu thùng/ngày do tác động gián tiếp của các lệnh trừng phạt, theo đó, giá dầu sẽ tiếp tục tăng và có khả năng vượt trên 130 USD/thùng.
Các hoạt động sản xuất cũng vừa mới được nối lại sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Không chỉ có hạn chế nguồn cung từ Nga, hoạt động vận tải, giao hàng cũng bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt của phương Tây và các biện pháp đáp trả của Moskva, làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau khi nhiều nước phương Tây và Nga quyết định đóng cửa không phận với máy bay của nhau, các hãng hàng không như Lufthansa của Đức, Air France KLM của Pháp, Finnair của Phần Lan và Virgin Atlantic Na Uy đã hủy các chuyến bay chở hàng đến các quốc gia Bắc Á, trong khi các hãng chuyên vận chuyển hàng hóa như AirBridgeCargo Airlines của Nga và Cargolux của Luxembourg cũng chịu ảnh hưởng bởi các lệnh cấm này.
Theo ông Frederic Horst, Giám đốc điều hành của hãng Cargo Facts Consultin, các hãng hàng không vận chuyển khoảng 20% lượng hàng hóa trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi quyết định này và 1/4 lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không giữa châu Á và châu Âu cần được vận chuyển bằng hình thức thay thế. Tuyến vận tải qua khu vực Đông Nam Á, Nam Á hay Trung Đông hiện không gặp cản trở, tuy nhiên không đủ sức đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Vận tải đường biển cũng bị ảnh hưởng khi các cảng biển xung quanh khu vực Biển Đen đã đóng cửa, khiến hàng chục tàu hàng ngừng hoạt động. Ba hãng tàu biển lớn nhất thế giới MSC, Maersk, CMA CGM ngày 1/3 đã thông báo tạm ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga nhằm ứng phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ocean Network Express, Hapag-Lloyd và các hãng vận tải biển lớn khác trên toàn thế giới, cũng đã có các thông báo tương tự.
Hệ lụy từ việc giá nhiên liệu tăng và gián đoạn nguồn cung ứng đặt ra sức ép lạm phát lớn đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới. Giám đốc bộ phận kinh tế và tiền tệ tại Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), được mệnh danh là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương, ông Claudio Borio cho biết "căng thẳng Nga-Ukraine leo thang đã làm gia tăng mạnh những bất ổn kinh tế” và diễn tiến của nó sẽ trở thành nhân tố chi phối, ảnh hưởng đến các thị trường.
Ông Claudio Borio nhấn mạnh lạm phát tăng vọt đã đặt ra nhiều vấn đề đối với các ngân hàng trung ương về việc có nên tăng lãi suất hay không và tăng đến mức nào khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian áp dụng các biện pháp hạn chế để chống đại dịch COVID-19.
Các chuyên gia phân tích tại Capital Economics nhận định lạm phát tại Eurozone sẽ chạm mức 6% trong những tháng tới, trước khi giảm xuống khoảng 4% vào cuối năm, vượt xa mục tiêu lạm phát mà ECB đặt ra là 2%.
Với việc chiến sự vẫn tiếp diễn tại Ukraine, còn quá sớm để dự báo mức độ thiệt hại của kinh tế toàn cầu, chỉ có một điều chắc chắn rằng đà phục hồi vừa khởi sắc sẽ bị kéo lùi.
Căng thẳng càng kéo dài, rủi ro sẽ càng cao, tổn thất càng lớn và ảnh hưởng đến mọi thành viên trong hệ thống kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh các nền kinh tế vẫn còn đang vất vả khắc phục những hậu quả từ đại dịch COVID-19.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận