Apple chuyển dịch sản xuất smartphone sang Ấn Độ với gói đầu tư 40 tỉ USD
Để ứng phó với những tác động của địa dịch COVID-19, Apple đã lên kế hoạch chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ có giá trị 40 tỉ USD trong 5 năm thông qua các nhà sản xuất Foxconn và Wiston.
- Nikkei: Apple sản xuất hàng triệu Airpods 'made in Vietnam'
- AirPods sẽ thay thế iPhone trở thành biểu tượng mới của Apple
- 10 “mánh lới” bán hàng bậc thầy của Apple: Đọc xong mới biết vì sao Apple lại thành công đến vậy
Trang mạng Times Now ngày 11/5 đưa tin gã khổng lồ công nghệ Apple có kế hoạch chuyển gần 20% công suất sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Các thông tin cho biết các giám đốc điều hành của Apple đã thảo luận với các quan chức cấp cao của Chính phủ Ấn Độ về động thái này trong vài ngày qua.
Việc chuyển dịch này được chính phủ Ấn Độ kỳ vọng sẽ thống lĩnh thị trường smartphone.
Apple đang tìm kiếm giải pháp thay thế để chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Một quan chức chính phủ cho biết Ấn Độ kỳ vọng Apple sẽ sản xuất số điện thoại thông minh trị giá tới 40 tỉ USD trong 5 năm tới thông qua các nhà sản xuất là Wistron và Foxconn.
Nếu điều đó trở thành hiện thực, Apple có thể trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ. Hiện Apple đạt doanh thu khoảng 1,5 tỉ USD từ việc bán điện thoại tại thị trường Ấn Độ, chiếm khoảng 2-3% thị trường nhưng có chưa đến 0,5 tỉ USD giá trị được sản xuất tại nước này.
Trong khi đó, Apple là nhà đầu tư hàng đầu tại Trung Quốc với giá trị hàng hóa được sản xuất tại nước này trong năm 2018-2019 là 220 tỉ USD, trong đó xuất khẩu trị giá 185 tỉ USD. Tập đoàn này sử dụng hơn 4,5 triệu lao động, cả trực tiếp và gián tiếp, tại Trung Quốc.
Trước đó, Apple ngày 8/5 cho biết họ sẽ bắt đầu mở lại dần các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ vào tuần tới, với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 như đảm bảo mọi người vào cửa hàng đều đeo khẩu trang.
Theo thông tin công bố với báo chí, Apple đã lên kế hoạch bắt đầu mở lại một số cửa hàng ở các bang Alabama, Alaska, Idaho và South Carolina.
Apple cho biết sẽ tiến hành các quy trình bổ sung, bao gồm kiểm tra nhiệt độ, giãn cách xã hội và che mặt để đảm bảo sức khỏe cho khách hàng và nhân viên của công ty.
Ngoài ra, "Táo khuyết" cũng sẽ giới hạn số lượng khách hàng có thể vào mua sắm trong một cùng thời điểm. Điều này đồng nghĩa những người thường ghé vào để nhờ trợ giúp kỹ thuật từ "Genius Bar" (trạm hỗ trợ công nghệ) có thể sẽ phải chờ đợi.
Apple cũng khuyến nghị khách hàng nên đặt hàng trực tuyến hoặc đặt hàng và nhận tại cửa hàng để hạn chế việc tiếp xúc cá nhân.
Bang California - nơi “Táo khuyết” đặt trụ sở chính - vẫn đang áp dụng những yêu cầu cách ly tại gia chặt chẽ. Nhưng sang tuần này, chính quyền bang đã cho phép một số doanh nghiệp và ngành công nghiệp hoạt động trở lại với yêu cầu họ phải tiến hành những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cần thiết.
Apple cho biết phía công ty đang theo dõi các số liệu y tế và hướng dẫn của Chính phủ để xác định thời điểm và nơi có thể mở lại cửa hàng một cách an toàn.
Kể từ tháng Ba, 458 cửa hàng của Apple bên ngoài Trung Quốc đã lần lượt bị đóng cửa tạm thời với mục đích giúp hạn chế sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đây là lần đầu Apple ra quyết định đóng cửa hàng trên diện rộng, kể cả ở Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh trực tuyến của Apple Store Online vẫn được duy trì bình thường.
Động thái của Apple được đưa ra trong một số tiểu bang Mỹ chuyển sang chấm dứt hoặc nới lỏng các lệnh phong tỏa. Song một số cuộc thăm dò cho thấy nhiều người Mỹ vẫn thận trọng về việc nối lại các hoạt động bình thường.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận